Honda sẽ gia tăng sản xuất xe điện thời gian tới. Ảnh: Hoàng Linh
Lợi nhuận của Honda trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2025 chỉ đạt 835,8 tỷ yên (5,6 tỷ USD), giảm 24,5% so với năm trước. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh doanh thu cùng kỳ của Honda đạt tới 21,69 nghìn tỷ yên (147 tỷ USD), tăng 6,2% so với năm tài khóa trước đó.
Một số nguyên nhân được nêu ra bao gồm: Bối cảnh doanh số ở Trung Quốc giảm, chi phí nghiên cứu và phát triển tăng cao...
Theo từng nhóm sản phẩm, xe máy Honda đã có một năm kinh doanh rực rỡ, với 21 triệu chiếc bán ra trên toàn cầu - là mức theo năm, cao nhất từ trước tới nay. Doanh số bán ô tô hybrid cũng tốt, đặc biệt là ở Mỹ. Lợi nhuận trên mỗi xe của Honda cũng đang được cải thiện.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cảnh báo, các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ làm tình hình tài chính của mình tiếp tục xấu đi trong thời gian tới. Honda dự đoán, năm tài chính hiện nay (kết thúc vào ngày 31-3-2026) có thể thiệt hại khoảng 650 tỷ yên (4,4 tỷ USD), chủ yếu do thuế quan của Mỹ đối với các phương tiện từ Canada và Mexico.
Giám đốc điều hành Honda Mibe Toshihiro cho biết, hãng sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động từ thuế quan, đồng thời tính kế lâu dài... Nhà lãnh đạo này cũng cho biết, Honda cũng có kế hoạch sản xuất nhiều xe điện hơn.
Trong khi đó, báo cáo ngày 13-5 (giờ Nhật Bản) của Nissan ghi nhận khoản lỗ ròng 670,90 tỷ yên (4,5 tỷ USD) cho năm tài chính 2024 khi công ty tiếp tục vật lộn với doanh số bán hàng thấp tại Mỹ và Trung Quốc. Hãng không công bố dự báo về thu nhập ròng và lợi nhuận hoạt động cho năm tài chính hiện tại (kết thúc vào ngày 31-3-2026), với lý do còn nhiều điều khó lường liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.
Để bảo đảm hoạt động suôn sẻ, Nissan cũng công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 20.000 lao động, tương đương khoảng 15% tổng số lao động của hãng trên toàn cầu. Mức này nhiều gấp đôi con số từng công bố hồi mùa thu năm ngoái.
Các hãng ô tô đang tìm kiếm lối đi mới để cải thiện hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh nhiều bất ổn. Ảnh: Hoàng Linh
Về phần mình, Toyota Motor cho biết, năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2025 đã ghi nhận doanh thu toàn cầu đạt 48 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 333,6 tỷ USD), tăng 6,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý cuối của năm tài chính 2024 (tức quý đầu năm 2025) giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ giảm hơn nữa trong năm tài chính 2026. Lý do là bởi thuế quan tăng ở Mỹ và chi phí vật liệu xói mòn lợi nhuận.
"Sóng thần" thuế quan cũng buộc Toyota Motor phải hạ dự báo lợi nhuận. Lợi nhuận ròng dự kiến cho cả năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2026 sẽ chỉ khoảng 3,1 nghìn tỷ yên (khoảng 21,5 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích.
Về phần mình, Mitsubishi trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2025 ghi nhận doanh thu đạt 2.788,2 tỷ yên, không thay đổi so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm mạnh chỉ còn 40 tỷ yên, bằng một phần nhỏ so với con số 154,7 tỷ yên của năm tài chính trước đó. Các nguyên nhân hãng chỉ ra là, việc Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu. Đây là rào cản lớn đối với lợi nhuận ròng, trong khi chi phí tăng thêm đáng kể.
Các nhà sản xuất Nhật Bản không đơn độc trong việc gánh chịu rủi ro từ làn sóng thuế quan mới của chính quyền Mỹ. Ford Motor cho biết, dự kiến sẽ lỗ 180 tỷ yên (khoảng 1,3 tỷ USD) lợi nhuận hoạt động chỉ trong các tháng 4 và 5-2025.
Stellantis và Mercedes-Benz cũng đã hủy dự báo tài chính năm 2025, do không chắc chắn về các biện pháp thuế quan sắp tới.
General Motors (GM) cũng giảm đáng kể dự báo lợi nhuận, trong bối cảnh hãng này đánh giá thiệt hại do những rủi ro về thuế ô tô gây ra có thể lên đến 5 tỷ USD.
(Theo Mainichi, Kyodo)
Hoàng Linh