Tòa nhà Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" thông qua việc áp dụng các mức thuế quan mới, một nghịch lý đang dần hiện ra: những chính sách này có thể vô tình làm lợi cho kinh tế châu Âu nhiều hơn là Washington, theo CNN ngày 2/5.
Thuế quan và tác động trái chiều
Từ ngày 2/4, khi Tổng thống Trump công bố áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia và mức thuế cao hơn đối với khoảng 60 quốc gia và khối thương mại, bao gồm cả EU, diễn biến kinh tế đã cho thấy những tín hiệu đáng chú ý. Theo các nhà kinh tế tại tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura, những chính sách này có thể "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại" thay vì đạt được mục tiêu ban đầu của ông Trump.
Các chuyên gia tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo trong báo cáo triển vọng gần đây nhất rằng mức thuế quan của chính quyền Trump sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao hơn. Lý do chính khiến thuế quan cao hơn làm tăng giá cả ở Mỹ là vì đây thực chất là thuế đánh vào hàng nhập khẩu, bao gồm cả hàng thành phẩm và phụ tùng.
Đã có những dấu hiệu cho thấy nhiều công ty sẽ chuyển chi phí thuế quan cho người tiêu dùng Mỹ thay vì tự hấp thụ những chi phí này. Theo CEO của Adidas, Bjørn Gulden, chi phí tăng do thuế quan cao hơn "cuối cùng sẽ khiến giá tăng" ở Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng bên ngoài Mỹ, "không có lý do gì" để tăng giá vì thuế quan.
Một nghiên cứu năm 2019 do Mary Amiti tại Ngân hàng Dự trữ New York đồng thực hiện đã phát hiện ra rằng các mức thuế quan áp dụng năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã dẫn đến "sự chuyển giao hoàn toàn" vào giá trong nước của hàng nhập khẩu. Thậm chí, ngay cả các công ty không chịu thuế cũng có xu hướng tăng giá: "Các nhà sản xuất trong nước tăng giá khi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của họ buộc phải tăng giá do thuế quan cao hơn".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN
Bốn lý do châu Âu hưởng lợi
Theo các nhà kinh tế, thuế quan của Tổng thống Trump có nhiều khả năng làm chậm lạm phát ở EU trong năm nay và năm sau theo bốn cách cụ thể:
Thứ nhất, hiệu ứng Trung Quốc: Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã mô tả về những nỗ lực có thể xảy ra của Trung Quốc nhằm "chuyển hướng" xuất khẩu khỏi Mỹ sang châu Âu. "Điều đó sẽ có tác động làm giảm giá", bà Lagarde nhận định trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Khi có nhiều hàng hóa hơn trên thị trường, sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn, từ đó dẫn đến giá thấp hơn cho người tiêu dùng.
Jack Allen-Reynolds, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics, giải thích: "Sự cạnh tranh gia tăng từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể đẩy giá hàng hóa xuống... Và với việc Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn nhiều, các nhà xuất khẩu của nước này có thể giảm giá hơn nữa để bán bớt hàng hóa vốn sẽ được gửi đến Mỹ".
Thực tế cho thấy Trung Quốc đang vận chuyển ít hàng hóa hơn đến Mỹ, với dữ liệu ngành hàng cho thấy lượng hàng vận chuyển đã giảm mạnh vào tháng trước.
Thứ hai, đồng euro mạnh lên: Những thay đổi chính sách đột ngột của Tổng thống Trump khiến các nhà đầu tư tránh xa tài sản Mỹ - bao gồm cả đồng USD. Ngược lại, đồng euro đã mạnh lên kể từ ngày 2/4. Cụ thể, đồng euro đã tăng 3% so với các loại tiền tệ của các đối tác thương mại chính của khu vực đồng euro, bao gồm cả đồng USD, và tiến gần đến mức cao kỷ lục đạt được vào ngày 22/4.
Một đồng tiền mạnh hơn giúp hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, tạo ra nhiều hàng hóa, cạnh tranh cao hơn và giá cả thấp hơn.
Ruben Segura-Cayuela, Giám đốc nghiên cứu kinh tế khu vực châu Âu tại Ngân hàng Mỹ, nhận định: "Tôi nghĩ rằng mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ đã chi phối (sự trượt giá của đồng USD). Và thứ hai, tôi nghĩ rằng nhiều diễn biến gần đây đã tạo ra một số phí bảo hiểm rủi ro cho các tài sản tài chính của Mỹ".
Thứ ba, giá năng lượng giảm: Kỳ vọng về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế toàn cầu đã góp phần đẩy giá năng lượng xuống thấp hơn kể từ ngày 2/4, vì các nhà giao dịch dự đoán nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm. Giá dầu thô Brent, chuẩn toàn cầu, đã giảm 17% kể từ sau thông báo áp thuế "Ngày giải phóng" của Tổng thống Trump. Giá khí đốt tự nhiên cũng đã giảm và giảm mạnh hơn ở châu Âu so với Mỹ.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới công bố gần đây, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ tăng mạnh vào năm 2025, với một đợt tăng nhỏ khác vào năm 2026, trong khi giá ở châu Âu dự kiến sẽ chỉ tăng khiêm tốn trong năm nay và giảm vào năm sau.
Thứ tư, tác động đến tâm lý tiêu dùng: Kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế yếu hơn cùng với sự không chắc chắn về hướng đi của các chính sách thương mại đang làm nản lòng các doanh nghiệp chi tiêu và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng ở châu Âu. Đây là yếu tố thứ tư kiềm chế giá cả, với các nhà kinh tế dự đoán rằng người tiêu dùng cuối cùng cũng sẽ chi tiêu ít hơn.
Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn ở châu Âu. Đáng chú ý là sự chấp thuận gần đây của quốc hội Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, về kế hoạch tăng mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng. Yếu tố khác là thỏa thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu vào tháng 3 nhằm tăng chi tiêu quốc phòng.
Dù vậy, tất cả những khoản chi tiêu đó sẽ mất một thời gian, có thể là nhiều năm mới phát huy tác dụng. Và với mức độ bất ổn toàn cầu hiện nay, khó có thể dự đoán chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Trong cuộc đua kiểm soát lạm phát, có vẻ như chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang vô tình tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho châu Âu, trong khi người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với giá cả tăng cao và lãi suất khó giảm trong thời gian tới.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc