Ma túy ẩn nấp trong những chuyến hàng
Thông tin về các phương thức và thủ đoạn buôn bán, vận chuyển ma túy trong 6 tháng đầu năm 2025, Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) Đặng Văn Đức cho biết, tình hình tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, manh động và có yếu tố xuyên quốc gia. Phương thức phổ biến hiện nay là các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi hơn, lợi dụng công nghệ, thương mại điện tử, hàng hóa quá cảnh và dịch vụ chuyển phát nhanh để cất giấu ma túy. Đồng thời, chúng lợi dụng việc nhập khẩu tiền chất dưới danh nghĩa nguyên liệu sản xuất hóa chất, mỹ phẩm, sau đó vận chuyển đến các khu vực hẻo lánh để điều chế, sản xuất ma túy ngay trong nội địa, rồi tiêu thụ trong nước hoặc chuyển sang nước thứ ba.
Đáng chú ý, các tuyến đường trọng điểm như đường bộ, các loại ma túy bị phát hiện, bắt giữ chủ yếu gồm heroin, ketamin, ma túy tổng hợp dạng viên, cần sa và các chất hướng thần khác. Các địa bàn trọng điểm hiện nay có thể kể đến gồm Quảng Trị, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên... Trong đó, “một thủ đoạn phổ biến là các đối tượng lợi dụng xe khách tuyến Lào - Việt Nam, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ như Lao Bảo, Cha Lo (Quảng Trị). Ma túy thường được cất giấu tinh vi trong các thùng carton, hộc ghế, hộc để đồ hoặc lẫn trong hàng hóa đi kèm, thậm chí nhét vào hành lý, tư trang của hành khách, giấu trong cabin, gầm xe, nắp ca pô hoặc container chứa hàng hóa. Bên cạnh đó, đối tượng còn thuê người nước ngoài như Lào, Campuchia vận chuyển ma túy. Việc sử dụng xe ôm công nghệ để nhận hàng cũng gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra và truy xét”, ông Đặng Văn Đức cho hay.
Hình ảnh đối tượng cùng tang vật vụ vận chuyển 30 kg cần sa.
Điển hình như ngày 10/5, tại Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam), Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Chi cục Hải quan khu vực XII) đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang và các lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô từ Lào về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra, khám xét phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 38 bánh ma túy loại heroin, tổng trọng lượng khoảng 14,3 kg. Tiếp đó, ngày 20/6, tại Trạm cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lực lượng chức năng gồm: Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Đội Kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu vực XIV, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung kiểm tra xe khách biển số 82E-002xx từ Lào về Việt Nam và phát hiện hành khách T.V.B (SN 1995, Bình Định) cất giấu lượng lớn chất nghi ma túy. Tang vật gồm hơn 4.200 viên nén màu, 93 gói chất lỏng và 2 túi tinh thể nghi ma túy, tổng trọng lượng khoảng 1,97 kg. T.V.B khai được một người quen qua Telegram thuê vận chuyển số hàng trên từ Lào về Việt Nam với tiền công 10 triệu đồng, giao dịch hoàn toàn qua mạng.
Chi cục Hải quan khu vực XI cũng cho biết, ngày 24/6, đơn vị phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển thuê 14.000 viên hồng phiến, 2 kg ma túy đá và 100 gam ketamin từ Lào về Việt Nam. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai đã nhận vận chuyển thuê số ma túy trên từ một đối tượng người Lào ở Thủ đô Viêng Chăn về Việt Nam để lấy tiền công. Ngày 2/6, tại Quảng Trị, lực lượng chức năng triệt phá một đường dây ma túy lớn, thu giữ hơn 15.000 viên ma túy tổng hợp. Trước đó, ngày 29/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp các lực lượng chức năng bắt quả tang 3 đối tượng buôn bán ma túy, thu giữ 30.000 viên nén nghi ma túy tổng hợp, mở rộng điều tra bắt thêm 2 đối tượng trẻ tuổi vận chuyển thuê từ Lao Bảo về Đông Hà.
Đặc biệt, Đội Kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu vực IX vừa phối hợp với lực lượng Công an triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Thái Lan, Lào vào địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, sau đó vận chuyển đi các tỉnh, thành phố trong nước để tiêu thụ. Cụ thể, từ ngày 19/5 đến ngày 31/5, ban chuyên án đã phối hợp với các Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Trị, Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Hà Tĩnh; Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan đấu tranh thành công 4 vụ, bắt giữ 3 đối tượng, tang vật thu giữ khoảng 30 kg ma túy cần sa tại địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, đơn vị đã chủ trì bắt giữ nhiều vụ việc lớn, như vụ bắt giữ 9 đối tượng người Lào cùng 100 kg ma túy đá (tháng 3/2024). Theo đó, ma túy đá được gia cố trên trần xe ô tô khách 16 chỗ ngồi mang biển kiểm soát Lào 6689. Đây là vụ việc có số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện, bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Về thủ đoạn của đường dây vận chuyển 30 kg cần sa, đại diện Chi cục Hải quan khu vực IX cho biết, các đối tượng thực hiện vận chuyển ma túy bằng hình thức đóng gói hàng hóa là ma túy cần sa trong các thùng bánh kẹo, sau đó đóng các gói bánh kẹo này vào thùng giấy trộn lẫn với hàng tạp hóa, bánh kẹo khác để ngụy trang rồi vận chuyển từ Lào qua địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để ký gửi trên các phương tiện vận tải đưa đến địa bàn các tỉnh, thành phố trong nước để tiêu thụ.
Để tránh sự theo dõi, phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi như: Sử dụng giao dịch mua bán bằng đồng tiền ảo; sử dụng các ứng dụng dịch vụ chuyển phát nhanh hàng hóa trên mạng điện thoại để thuê các shipper nhận hàng; vận chuyển hàng hóa di chuyển qua nhiều địa bàn, trên nhiều phương tiện; cử người giám sát tất cả các địa điểm nhận hàng để cảnh giới lực lượng chức năng.
Tăng cường phối hợp để đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, ma túy là vấn đề toàn cầu. Cuộc chiến phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy vô cùng quyết liệt và cam go. Các lực lượng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển đã và đang tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn, đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
Theo đó, ngành Hải quan luôn xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Trong 6 tháng (từ 15/12/2024-14/6/2025), lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 103 vụ/110 đối tượng, thu giữ gần 2 tấn ma túy. Trong đó ketamine chiếm 1.471 kg, tiếp theo là ma túy tổng hợp với 273,5 kg. Dù số vụ giảm so với cùng kỳ năm trước, khối lượng ma túy thu giữ lại tăng gần 95%, cho thấy xu hướng tội phạm vận chuyển với số lượng lớn thay vì nhỏ lẻ như trước đây và ngày càng tinh vi hơn, lợi dụng công nghệ, thương mại điện tử, chuyển phát nhanh...
Trước tình hình đó, Hải quan cùng các lực lượng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển đã tăng cường kiểm soát, đổi mới phương thức nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và phối hợp, hợp tác quốc tế, nhất là với Lào và Campuchia, nhằm dựng “lá chắn thép” từ xa, không để ma túy xâm nhập vào Việt Nam.
Theo đó, nhiều chi cục hải quan khu vực đã triển khai các mô hình kiểm soát hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò của ngành trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Sự phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách tiếp tục được duy trì và tăng cường, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp toàn diện giữa Công an và Hải quan. Hai bên cùng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch, tổ chức bắt giữ và xử lý các vụ án ma túy. Việc trao đổi thông tin kịp thời về tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy đã giúp toàn ngành chủ động cảnh báo và ứng phó. Ngoài ra, công tác phối hợp được nâng cao thông qua các hội nghị trao đổi thông tin cấp Trung ương trong quý I và II năm 2025.
Trước đó, tại Hội nghị đánh giá tình hình và đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không ngày 3/4/2023 và Hội nghị hội ý nghiệp vụ ngày 10/9/2024 giữa Cục Hải quan và Cục Điều tra tội phạm về ma túy đã tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong công tác phối hợp, bao gồm việc bàn giao tang vật các vụ bắt giữ, hỗ trợ đào tạo, tập huấn công chức hải quan trong nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống ma túy, cung cấp trang thiết bị chuyên dùng, cũng như chia sẻ, phối hợp xây dựng quy định về “giao hàng có kiểm soát” được đưa vào Quyết định số 58/QĐ-CHQ ngày 15/4/2025 về quy trình kiểm soát ma túy của lực lượng hải quan.
Đối tượng và tang vật do lực lượng chức năng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y bắt giữ.
Dự báo trong thời gian tới, khu vực các tỉnh trên tuyến biên giới miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là Bắc miền Trung, sẽ tiếp tục là điểm nóng về ma túy. Để chủ động đấu tranh hiệu quả trong bối cảnh mới, lực lượng chức năng xác định tinh thần “không đi sau tội phạm” và từng bước chuyển từ phương thức kiểm soát thủ công sang kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý địa bàn và đối tượng.
Theo lãnh đạo Đội Kiểm soát hải quan, Chi cục Hải quan khu vực IX, đơn vị đã đổi mới phương thức kiểm soát hải quan bằng cách ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào nghiệp vụ. Hệ thống camera giám sát được thiết lập nhằm theo dõi, kiểm tra hàng hóa, phương tiện qua lại trên địa bàn, hỗ trợ hiệu quả cho công tác phát hiện và bắt giữ tội phạm.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XIV Hồ Văn Dũng cho biết, dù Tây Nguyên không phải là điểm nóng về tội phạm ma túy, nhưng khu vực này có địa hình trải dài, tiếp giáp biên giới Campuchia và Lào, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, đặc biệt là tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y - nơi tình hình diễn biến còn nhiều phức tạp.
Để chủ động phòng, chống tội phạm ma túy, Hải quan khu vực XIV luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương để nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho tội phạm. Đồng thời, bố trí lực lượng tại các điểm có nguy cơ cao, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng yếu, cửa khẩu. Ngoài ra, lực lượng Hải quan còn sử dụng máy soi chiếu, thiết bị giám sát hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thu thập, xử lý dữ liệu cũng được đẩy mạnh, phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm từ xa, từ sớm.
Trong công tác phòng, chống ma túy, Cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Các đơn vị nghiệp vụ được yêu cầu chủ động nắm chắc địa bàn, tăng cường thu thập, phân tích thông tin, điều tra cơ bản, tập trung vào các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất. Mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc lợi dụng xuất - nhập khẩu tiền chất để sản xuất ma túy trong nước.
Một trọng tâm quan trọng là đẩy mạnh phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa Hải quan và Công an, nhằm phát hiện và xử lý tội phạm từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Các tuyến trọng điểm như biên giới, cửa khẩu, đường bộ, đường biển và hàng không đều được siết chặt kiểm soát, hướng tới giảm nguồn cung, giảm nhu cầu và hạn chế tác hại của ma túy. Ngành Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách trong các đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm ma túy tại những địa bàn phức tạp.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, với quyết tâm cao, ngành Hải quan đã và đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong nước và quốc tế nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa tác hại của ma túy. Tuy nhiên, để cuộc chiến này thành công, rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội. Hải quan Việt Nam kêu gọi người dân cùng hành động vì một cộng đồng an toàn, một thế hệ tương lai khỏe mạnh và một đất nước phát triển bền vững.
Lưu Hiệp