Lượng tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh
Tọa đàm “Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Vital Strategies tổ chức đã diễn ra trong ngày 16/5.
Tại tọa đàm, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh đưa ra thông tin gây sốc: “Lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng ở mức độ phi mã”.
Ông Lâm đưa ra dữ liệu, trong năm 2009, lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam ở mức 1,59 tỷ lít. Nhưng tới năm 2023, con số này đã vọt lên 6,67 tỷ lít, tức tăng hơn 4 lần chỉ trong vòng 15 năm.
Theo ông Lâm, người Việt đang tiêu thụ đường vượt mức khuyến cáo, dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng đáng kể ở cả trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành. Đây không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, mà còn là khởi nguồn cho hàng loạt bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa...
Nhận định này phù hợp dữ liệu mà Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố. Năm 2022, đơn vị này cho biết có trên 7% người dân tại Việt Nam bị mắc đái tháo đường.
Có thể thấy, đồ uống có đường nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên gia vì nếu tiêu thụ nhiều, con người sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả. Cũng chính vì vậy, hồi đầu tháng 5 này, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị, mặt hàng nước giải khát có đường mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.
Đồ uống có đường nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên gia vì nếu tiêu thụ nhiều, con người sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp đồ uống có đường thu lợi lớn?
Như vậy, doanh nghiệp đồ uống có đường đã có lộ trình chịu thuế, chứ không phải thực hiện ngay. Trên thực tế, các ông lớn ngành này đều có tiềm lực tài chính rất dồi dào vì có đơn vị đạt tới mức siêu lợi nhuận.
Công ty TNHH Red Bull (Việt Nam) là một trong những cái tên điển hình nhất. Sản phẩm chính của Red Bull chính là nước tăng lực Red Bull, một loại đồ uống có đường dễ uống với mức giá dễ chịu, chỉ hơn 10.000 đồng/lon.
Red Bull hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 với vốn điều lệ tương đối thấp, chỉ gần 65,1 tỷ đồng. Thế nhưng, với doanh thu hàng năm lên đến ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hàng trăm tỷ đồng, công ty đã tích được khối tài sản khổng lồ.
Ví dụ, trong năm 2023, Red Bull ghi nhận 1.353 tỷ đồng doanh thu và 461 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn góp của chủ sở hữu lên tới 708%. Nghĩa là 1 đồng vốn góp thu về hơn 7 đồng lãi ròng. Đây là mức siêu lợi nhuận không phải ngành nào cũng có được.
Chính vì vậy, khởi đầu từ con số chỉ 65,1 tỷ đồng, hồi cuối năm 2023, công ty đã tích được 2.756 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.958 tỷ đồng tổng tài sản.
Highland Coffe của Công ty cổ phần dịch vụ cà phê Cao Nguyên cũng là một trong những cái tên lớn trong làng đồ uống có đường. Tỷ suất lợi nhuận/vốn góp của chủ sở hữu tại Highland Coffe thấp hơn tại Red Bull nhưng vẫn là con số cao ngất ngưởng.
Theo đó, trong năm 2023, với vốn góp “chỉ” 151 tỷ đồng, công ty thu về 4.076 tỷ đồng doanh thu và 168 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nghĩa là 1 đồng vốn góp mang về cho công ty hơn 1,1 đồng lợi nhuận sau thuế. Trước đó, trong năm 2022, con số này thậm chí còn lên đến 1,8 đồng. Hồi cuối năm 2023, tổng tài sản của Highland Coffe đạt 1.575 tỷ đồng dù vốn góp chỉ là 151 tỷ đồng.
Với việc đạt siêu lợi nhuận và tích lũy được tài sản khổng lồ, chưa tính đến việc chuyển đổi sản phẩm, chỉ tính riêng về thuế thì hai ông lớn này thoải mái về nguồn tiền.
Red Bull và Highland Coffe chỉ là những cái tên điển hình cho việc gặt hái siêu lợi nhuận trong ngành đồ uống có đường. Rất nhiều đơn vị khác cũng đạt được thành tựu như hai ông lớn này.
Cân nặng chị Mai Thanh thay đổi chóng mặt sau 1 năm dùng đồ uống có đường. Ảnh: NVCC
Câu chuyện 1 năm tăng 8kg và mong ước “siết” đồ uống có đường
Chị Mai Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tự nhận là “có duyên nợ” với đồ uống có đường. Chị chia sẻ rằng trong năm 2023, người thân của chị phải nằm điều trị tại bệnh Việt - Đức. Hàng ngày chị phải ở trong viện chăm sóc.
“Vừa vất vả, vừa lo lắng, căng thẳng đầu óc nên tôi tìm đến đồ uống có đường. Khi thì cốc trà sữa đủ topping, khi thì chai nước tăng lực Red Bull,… Đồ ngọt tạo cảm giác giả tạo về khôi phục sức khỏe. Dù biết vậy nhưng khi thấy đầu óc tỉnh táo hơn sau mỗi lần uống đồ ngọt nên tôi đã uống hàng ngày suốt 3 tháng trời”, chị Thanh chia sẻ về quá trình uống đồ ngọt của mình.
Kết quả là từ 1 người chỉ nặng 46, 47kg, chỉ sau chưa đầy 1 năm, chị đã đạt tới 54kg, 55kg điều chưa từng xảy ra trước đây. Chị cho biết thời điểm chị nặng nhất là khi chuẩn bị sinh con. Lúc đó, chị nặng 53kg.
“Béo đi thì xấu hơn. Nhưng đó không phải điều tôi quan tâm. Điều mà tôi lo lắng nhất chính là kết quả khám sức khỏe có xu hướng xấu đi. Đầu tiên là gan nhiễm mỡ độ 1, rồi lên độ 2, sát độ 3. Rồi máu nhiễm mỡ. Tôi cảm nhận sức khỏe đi xuống rõ nét”, chị Mai Thanh kể về tình trạng sức khỏe của mình.
Chị Thanh đưa ra quan điểm khi chọn đồ uống như thế nào, bản thân người tiêu dùng là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không được đổ lỗi cho ai. Tuy nhiên, với những sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến con người, cơ quan chức năng nên áp thuế sớm. Đó cũng là cách cảnh báo cho người tiêu dùng.
Đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm chứa nhiều đường.
Hoàng Quyên