Thuế và ông Donald Trump

Thuế và ông Donald Trump
một ngày trướcBài gốc
Thứ ông Trump muốn
25% là mức thuế ông dự định áp cho tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada. Đây là một biện pháp bảo vệ mạnh mẽ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ hai nước láng giềng lớn của Mỹ. Lý do được ông Trump nêu ra là để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, giúp duy trì công ăn việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các công ty nội địa. Các ngành bị ảnh hưởng lớn nhất có thể là ôtô, nông sản và năng lượng.
Ông Trump cũng nhắc đến khoản thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tiếp tục duy trì và gia tăng các áp lực thương mại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo GDP, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia chưa có dấu hiệu kết thúc. Ông hy vọng rằng các biện pháp thuế này sẽ tạo ra động lực để Trung Quốc thay đổi các chính sách thương mại và làm dịu bớt các hành vi mà ông cho là không công bằng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quyền lợi thương mại.
Ông Donald Trump đe dọa áp thuế quan với một số quốc gia ngay ngày đầu nhậm chức.
Đáng chú ý, các biện pháp thuế này dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong ngày ông nhậm chức, phản ánh quyết tâm thực thi các chính sách bảo hộ thương mại - nói cách khác là tiếp tục tại nơi mà chính quyền 1.0 dừng lại, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng rằng ông sẽ có những hành động quyết liệt và gấp rút để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ. Điều chắc chắn tiếp diễn sau các quyết định này sẽ là tác động mạnh mẽ đến các quốc gia đối tác của Mỹ, đặc biệt là Mexico, Canada và cả Trung Quốc. Còn điều chưa ai dám chắc là những động thái đó có thể ảnh hưởng tới mức nào và kéo theo những hệ lụy gì trong thời gian tới.
Điều ông Trump tin
Thông qua các biện pháp thuế quan, ông Trump hi vọng sẽ tạo ra áp lực ngoại giao đối với các quốc gia đối tác, buộc họ phải điều chỉnh các chính sách thương mại, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất trong nước thay vì tiếp tục nhập khẩu từ các quốc gia có chi phí thấp hơn. Bản thân ông cũng đưa ra một số biện giải chính đằng sau kế hoạch thuế quan này.
Thứ nhất, ông coi thuế quan là một công cụ để buộc các quốc gia như Mexico và Canada phải có hành động quyết liệt hơn trong việc kiểm soát di dân bất hợp pháp và tình trạng vượt biên trái phép vào Mỹ.
Thứ hai, ông Trump cho rằng việc áp thuế sẽ gây áp lực để Mexico và các quốc gia khác ngừng buôn lậu fentanyl vào Mỹ, một vấn nạn ma túy nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng ở Mỹ. Tuy nhiên, thành công của các biện pháp này phụ thuộc vào mức độ hợp tác của Chính phủ Mexico trong việc cải thiện các biện pháp kiểm soát biên giới, cũng như khả năng phối hợp giữa các cơ quan hành pháp của Mỹ và các quốc gia này.
Thứ ba, điều dễ thấy và cũng là điều ông từng nhiều lần nhắc đến, một trong những lý do quan trọng mà ông Trump đưa ra là để bảo vệ các ngành sản xuất của Mỹ khỏi sự cạnh tranh của hàng hóa rẻ nhập khẩu. Điều này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước phát triển và bảo vệ công ăn việc làm trong nước.
Thứ tư, đúng với hầu hết các nền kinh tế, thuế cũng được coi là một cách để thu về nguồn thu lớn cho ngân sách liên bang, với dự báo có thể tạo ra hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Nín thở trước “cơn bão”
Khoảng 13.6% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đến từ Canada, do đó Canada trở thành một trong những nguồn cung lớn nhất của Mỹ về hàng hóa, từ dầu mỏ, kim loại cho đến nông sản và các sản phẩm công nghiệp khác. Canada sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất một thị trường xuất khẩu lớn nếu mức thuế 25% được áp dụng. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành như ôtô và dầu mỏ, nơi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính. Thêm vào đó, với quy mô xuất khẩu lớn, việc áp đặt thuế quan 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Canada sẽ có tác động đáng kể đối với nền kinh tế của cả hai quốc gia, có thể làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
Thuế quan cũng sẽ tác động nặng nề đến Mexico, đặc biệt là trong ngành ôtô, nơi phần lớn linh kiện được xuất khẩu sang Mỹ. Theo ước tính của các nhà phân tích, khoảng 97 tỷ USD linh kiện ôtô được xuất khẩu từ Mexico vào Mỹ mỗi năm, với 3 triệu xe được xuất khẩu từ Mexico. Đây là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Việc áp thuế có thể làm tăng chi phí sản xuất của các hãng ôtô tại Mỹ, khi các linh kiện nhập khẩu từ Mexico trở nên đắt đỏ hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ tăng giá thành sản phẩm cuối cùng, gây khó khăn cho các nhà sản xuất ôtô Mỹ và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ xe hơi. Các nhà phân tích dự báo việc áp thuế quan có thể làm tăng chi phí mỗi chiếc xe khoảng 3.000 USD. Mặt khác, Mexico cũng có thể phải tìm các thị trường mới hoặc nâng cao chi phí sản xuất để bù đắp.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp đặt, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Ông Trump đã áp mức thuế với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Với khoản thuế bổ sung, căng thẳng thương mại gia tăng là tất yếu và vòng xoáy áp thuế - trả đũa có thể kéo dài không hồi kết. Việc áp đặt thuế quan bổ sung có thể gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc như công nghệ, tiêu dùng và sản xuất, làm đội chi phí sản xuất và người tiêu dùng Mỹ có thể chính là “nạn nhân” cuối cùng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi hộ gia đình có thể phải chi thêm từ 2.600-7.600 USD/năm do tác động của thuế quan. Phân tích của Viện Kinh tế Peterson cũng cho thấy thuế sẽ làm tăng giá của nhiều sản phẩm nhập khẩu, từ hàng hóa tiêu dùng đến vật liệu sản xuất công nghiệp. Khi các công ty nhập khẩu phải chịu thuế cao hơn, họ có thể lựa chọn hai phương án là tăng giá sản phẩm hoặc gánh chịu thiệt hại. Một số ít có thể chọn không tăng giá mà sẵn sàng đánh đổi bằng lợi nhuận song điều này có thể không bền vững, hệ lụy kéo theo có thể là cắt giảm việc làm hoặc giảm chất lượng sản phẩm. Do đó, đa số sẽ chọn phương án chuyển chi phí này cho người tiêu dùng, khiến giá cả tăng cao. Khi giá hàng hóa tăng lên do thuế quan, nó có thể tạo ra một chuỗi tác động khiến tất cả các ngành và mặt hàng khác cũng tăng giá theo.
Sự tăng giá này có thể gây khó khăn cho các hộ gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, vì họ phải chi nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và các dịch vụ cơ bản khác. Lấy một ví dụ, năm 2018, mức thuế quan mà ông Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào năm 2018 đã khiến các công ty sản xuất ôtô, đồ gia dụng và các sản phẩm công nghiệp khác phải gánh chi phí vật liệu tăng, kéo theo giá ôtô và các mặt hàng như tủ lạnh, máy giặt..., ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của các hộ gia đình Mỹ.
Tiềm ẩn biến số
Mexico và Canada là những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, và khi đối diện với kế hoạch áp thuế 25%, hai bên sẽ tìm cách đàm phán để giảm thiểu tác động tiêu cực. Mexico đã có những phản ứng mạnh mẽ với các đòn thuế quan trong quá khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực ôtô và nông sản, trong khi Canada cũng tìm cách bảo vệ các ngành như nông nghiệp và chế biến thực phẩm, vì đây là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu thuế được áp dụng.
Cả hai quốc gia có thể sẽ yêu cầu đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) để giảm bớt tác động của các biện pháp thuế quan. Trong khi đó, Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy này để ép Canada và Mexico cải thiện các điều khoản trong các lĩnh vực mà ông cho là không công bằng, như nhập khẩu ôtô từ Mexico hay bảo vệ ngành sản xuất nông sản của Mỹ. Những tranh cãi là khó tránh khỏi, với hàng loạt biến số không dễ nói trước.
Về phần mình, Trung Quốc đã có “kinh nghiệm” về việc áp dụng các biện pháp trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ trong các cuộc xung đột thương mại trước đây và lần này cũng không ngoại lệ. Nền kinh tế lớn thứ hai cũng có thể chuyển hướng thương mại sang các đối tác khác để giảm thiểu tổn thất do thuế quan, tìm đến các thị trường ở châu Á và châu Âu, làm thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến các ngành sản xuất và tiêu thụ ở Mỹ.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ký Hiệp định USMCA tại Buenos Aires (Argentina), ngày 30/11/2018.
Một yếu tố khác cần tiếp tục theo dõi là mức độ Tổng thống đắc cử Trump có thể rộng đường thúc đẩy kế hoạch áp thuế trước các ải Quốc hội. Dù Tổng thống Mỹ có quyền thực thi các chính sách thương mại, nhưng các chính sách thuế có thể gặp phải sự phản đối từ Quốc hội, đặc biệt là từ các nghị sĩ đảng Dân chủ và những người bảo vệ quyền lợi tiêu dùng với lo ngại về nguy cơ tăng chi phí sống và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Các công ty nhập khẩu và các nhóm lợi ích kinh tế (như ngành bán lẻ, chế biến thực phẩm, ôtô) cũng khó có thể đồng tình với chính sách thuế quan này vì tác động tiêu cực đến lợi nhuận và giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, không rõ người tiêu dùng Mỹ có thể chấp nhận tới mức nào khi giá hàng hóa tăng vọt do thuế quan, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh bất mãn rộng rãi trong xã hội.
Thuế quan là đòn kinh tế ưa thích khi người ta viện dẫn công cụ để bảo vệ lợi ích kinh tế, song trong một thế giới với các yếu tố địa kinh tế và địa chính trị đan xen mạnh mẽ như hiện nay, “lợi bất cập hại” là thứ rõ ràng nên được tính đến.
Dương Anh
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thue-va-ong-donald-trump-i752979/