Thung lũng gốm sứ 5.000 tỷ đồng - bước ngoặt công nghiệp mới tại Thanh Hóa

Thung lũng gốm sứ 5.000 tỷ đồng - bước ngoặt công nghiệp mới tại Thanh Hóa
10 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, dự án hướng đến mục tiêu xây dựng một tổ hợp sản xuất hiện đại, bao gồm: gốm sứ sinh hoạt, gốm sứ công nghiệp và thiết bị vệ sinh. Dự kiến khi đi vào hoạt động toàn phần, tổ hợp có thể đạt công suất 120 triệu sản phẩm mỗi năm, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lares Pte. Ltd - một doanh nghiệp được thành lập tại Singapore ngày 23/4/2025 - sẽ là chủ đầu tư chính. Dự án sẽ được triển khai theo ba giai đoạn kéo dài đến năm 2030, cụ thể:
Giai đoạn 1: vốn đầu tư hơn 84,6 triệu USD, hoàn thành muộn nhất quý II/2027.
Giai đoạn 2: đầu tư thêm 100 triệu USD, hoàn thành trong quý III/2028.
Giai đoạn 3: bổ sung 10,8 triệu USD, hoàn thành trước quý II/2030.
Tổng nguồn vốn thực hiện dự án gồm 20% vốn tự có của nhà đầu tư (40 triệu USD) và 80% là vốn huy động hợp pháp (160 triệu USD). Ngoài ra, khoản vốn chuẩn bị đầu tư ban đầu là 4,3 triệu USD.
Dự án được triển khai trên khu đất hơn 32 ha (322.345 m²) thuộc địa bàn xã Nông Cống và xã Yên Thọ. Đây là khu vực đã được quy hoạch phát triển công nghiệp, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, gần các tuyến vận tải đường bộ và cảng biển, thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, bắt đầu từ ngày 12/6/2025 theo Quyết định số 1872/QĐ-UBND do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành.
Thung lũng gốm sứ ASEAN Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, đồng thời định vị Thanh Hóa là trung tâm công nghiệp vật liệu gốm sứ mới trong khu vực ASEAN.
Hồ sơ đầu tư đã được thẩm định và chấp thuận bởi hàng loạt cơ quan chức năng gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Nông Cống và UBND huyện Như Thanh (cũ).
Dự án sẽ sản xuất các sản phẩm thuộc mã ngành VSIC 2392 (gốm sứ sinh hoạt) và 2393 (thiết bị vệ sinh). Những ngành nghề có điều kiện đặc biệt sẽ chỉ được triển khai sau khi đáp ứng đầy đủ quy định pháp lý liên quan, bao gồm môi trường, xây dựng, và đất đai.
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, kế toán, chứng từ và có thể được hưởng ưu đãi đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Với quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại và vị trí chiến lược, "Thung lũng gốm sứ ASEAN" không chỉ là điểm nhấn đầu tư mới tại Thanh Hóa mà còn là bước tiến quan trọng trong việc nâng tầm ngành công nghiệp gốm sứ Việt Nam trên bản đồ khu vực và toàn cầu.
B.Minh
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/thung-lung-gom-su-5000-ty-dong-buoc-ngoat-cong-nghiep-moi-tai-thanh-hoa-167321.html