Thuốc điều trị bệnh ghẻ

Thuốc điều trị bệnh ghẻ
7 giờ trướcBài gốc
Bệnh ghẻ là một bệnh lý ngoài da dễ gặp, do ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes scabiei gây ra. Người bị bệnh ghẻ có thể bị ngứa, sẩn đỏ, xuất hiện đường hầm, luống ghẻ ở kẽ tay, cổ tay, eo, bộ phận sinh dục...
Để điều trị ghẻ có thể dùng thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc đường uống. Việc lựa chọn dùng thuốc nào điều trị bệnh ghẻ còn tùy thuộc vào từng trường hợp.
Dưới đây là một số thuốc thường dùng điều trị ghẻ:
1. Thuốc bôi ngoài da permethrin trị bệnh ghẻ
Tác dụng: Thuốc trị ghẻ permethrin có tác dụng diệt ký sinh trùng gây bệnh ghẻ và trứng của chúng, nhờ đó giảm kích ứng, nhiễm trùng da.
Tác dụng phụ: Thuốc khá an toàn cho người lớn, phụ nữ mang thai/cho con bú và trẻ trên 2 tháng tuổi. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây cảm giác tê, ngứa bề mặt tiếp xúc, châm chích da, nổi mẩn, nóng rát tại chỗ…
Bệnh ghẻ gây ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí có thể gây những biến chứng nguy hiểm.
2. Thuốc DEP
Tác dụng: Thuốc DEP (diethyl phathalate) thuộc nhóm thuốc chữa bệnh da liễu, cũng được dùng trong điều trị bệnh ghẻ.
Tác dụng phụ: Thuốc DEP có thể khiến người bệnh bị châm chích, đỏ da, ngứa, kích ứng da… Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ tự hết sau khi dừng điều trị.
Lưu ý: Chống chỉ định dùng cho những người dị ứng/mẫn cảm với thành phần của thuốc. Không được bôi thuốc lên vùng da đã bị nhiễm trùng, chảy dịch.
3. Thuốc kem lưu huỳnh
Tác dụng: Kem lưu huỳnh là một loại thuốc điều trị ghẻ có thể bôi qua đêm. Cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc.
Tác dụng phụ: Kem lưu huỳnh có thể gây kích ứng da.
Lưu ý: Kem lưu huỳnh an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
4. Thuốc bôi lindane (1%)
Tác dụng: Thuốc này được FDA chấp thuận để điều trị ghẻ khi các phương pháp điều trị ghẻ khác không hiệu quả.
Tác dụng phụ thường gặp: Ngứa da, nổi mẩn, rát và khô da.
Lưu ý: Không nên sử dụng thuốc bôi lindane trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra, không bôi thuốc lên những vùng da đang bị tổn thương.
Một số loại thuốc bôi ngoài da có thể điều trị được bệnh ghẻ.
5. Thuốc mỡ benzyl benzoat
Tác dụng: Thuốc mỡ benzyl benzoat có thể dùng để điều trị ghẻ có vảy. Benzyl benzoate gây độc cho hệ thần kinh ký sinh trùng gây bệnh ghẻ và làm chúng chết đi.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, ngứa, mẫn cảm da, có thể gây viêm da tiếp xúc khi điều trị nhắc lại.
Lưu ý: Cần lắc đều thuốc trước khi bôi, tránh tiếp xúc với mắt, không được uống.
6. Thuốc uống trị ghẻ ivermectin
Tác dụng: Ivermectin là thuốc dùng đường uống, được coi là giải pháp thay thế nếu các loại thuốc bôi trị ghẻ không hiệu quả. Ivermectin thường được kê đơn cho những người bị ghẻ đóng vảy hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Tác dụng phụ có thể gặp: Phát ban, sốt đột ngột, ngứa ngáy, tiêu chảy, táo bón, chán ăn, tăng men gan, khó thở...
Lưu ý: Ivermectin không được khuyến cáo cho những người đang mang thai hoặc cho con bú, hoặc cho trẻ em có cân nặng dưới 15 kg.
Ngoài ra, có thể dùng các thuốc kháng histamin (loratadin, cetirizin) nếu tình trạng ngứa kéo dài trong nhiều tuần/không thể sử dụng các loại thuốc trị ghẻ này. Nếu ngứa dữ dội, có thể cần dùng kem bôi steroid/glucocorticoid uống hoặc điều trị lại bằng thuốc diệt ghẻ. Nếu xuất hiện vết loét trên da/bị nhiễm trùng da, có thể cần dùng thuốc kháng sinh.
7. Lưu ý khi điều trị ghẻ
Để điều bệnh ghẻ an toàn hiệu quả, cần thực hiện:
- Đối với các loại thuốc uống cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi bôi thuốc.
- Đối với trẻ em, nên thoa thuốc hoặc kem diệt ghẻ lên toàn bộ đầu, cổ và cơ thể. Bệnh ghẻ có thể ảnh hưởng đến mặt, da đầu và cổ, cũng như phần còn lại của cơ thể.
- Đối với trẻ sơ sinh, chỉ sử dụng thuốc diệt ghẻ do bác sĩ nhi khoa khuyên dùng. Không phải tất cả thuốc diệt ghẻ dùng cho người lớn đều có thể dùng cho trẻ em.
- Không sử dụng thuốc xịt diệt côn trùng và thuốc xông để điều trị ghẻ/ghẻ vảy.
- Tránh tiếp xúc da trực tiếp với người khác cho đến khi quá trình điều trị kết thúc.
- Có thể cần điều trị cùng lúc cho những người mắc bệnh ghẻ trong gia đình.
- Cần vệ sinh tay trước và sau khi bôi thuốc trị ghẻ.
- Lau khô vùng da bị ghẻ trước khi bôi thuốc và chỉ cần dùng một lượng thuốc vừa đủ.
- Không bôi thuốc lên vùng da đang có dấu hiệu chảy dịch và nhiễm trùng; Không bôi loang thuốc sang những vùng da khỏe mạnh hoặc để thuốc tiếp xúc với da của người khác; Không để thuốc dính vào mắt.
- Trong thời gian điều trị, nếu gặp các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Mưa lũ dồn dập - nguy cơ bệnh ngoài da phát triển.
BS. Đặng Xuân Thắng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-benh-ghe-169241002142537976.htm