Bệnh Kawasaki là một tình trạng viêm mạch, có xu hướng xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em từ 1 tuổi đến 8 tuổi. Bệnh có đặc trưng là sốt kéo dài, phát ban, viêm kết mạc, viêm niêm mạc và sưng hạch bạch huyết...
Hầu hết các triệu chứng đặc trưng của bệnh Kawasaki sẽ tự khỏi trong vòng một đến hai tuần. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại của bệnh Kawasaki là đằng sau những triệu chứng này là tình trạng viêm mạch máu, có thể gây tổn thương vĩnh viễn, đặc biệt là động mạch vành của tim.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 10% bệnh nhân mắc các vấn đề về tim như phì đại hoặc phình động mạch vành, khoảng 3% bị tổn thương vĩnh viễn. Nếu không được điều trị, nguy cơ phát triển các di chứng này có thể tăng lên, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám sớm.
Bệnh Kawasaki là một căn bệnh sốt cấp tính thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Thuốc điều trị bệnh Kawasaki
Điều trị bệnh Kawasaki đòi hỏi sự kết hợp các loại thuốc khác nhau để kiểm soát viêm, ngăn ngừa biến chứng tim mạch và giảm nguy cơ các vấn đề lâu dài. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ và cần được sử dụng dưới sự giám sát cẩn thận của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.
2.1. Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IGIV)
- Tác dụng: Giảm viêm; ngăn ngừa tổn thương động mạch vành, giảm nguy cơ giãn động mạch vành, giúp phục hồi chức năng tim; giảm sốt và các triệu chứng viêm khác.
- Tác dụng phụ: Một số trẻ có thể gặp phản ứng dị ứng nhẹ như phát ban, ngứa hoặc sưng tấy; hiếm gặp tăng huyết áp; đôi khi IGIV có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, đặc biệt ở trẻ em có tiền sử bệnh thận.
2.2. Aspirin
- Tác dụng: Giảm viêm và giảm đau, đặc biệt trong giai đoạn cấp tính; ngăn ngừa hình thành cục máu đông, đặc biệt trong động mạch vành, giúp giảm nguy cơ giãn động mạch vành và các biến chứng tim mạch.
- Tác dụng phụ: Hội chứng Reye (đây là một tác dụng phụ hiếm nhưng rất nguy hiểm khi trẻ em dưới 16 tuổi dùng aspirin trong thời gian có virus hoặc bệnh nhiễm trùng); loét dạ dày, chảy máu dạ dày (aspirin có thể gây kích ứng dạ dày và làm tăng nguy cơ loét hoặc chảy máu dạ dày, đặc biệt khi sử dụng lâu dài); rối loạn tiểu cầu (sử dụng aspirin có thể gây rối loạn đông máu nhẹ, làm tăng nguy cơ chảy máu); dị ứng (một số trẻ có thể gặp phản ứng dị ứng với aspirin, gây phát ban hoặc sưng)...
Sốt phát ban là triệu chứng đặc trưng của bệnh Kawasaki.
2.3. Corticosteroids (prednisone hoặc methylprednisolone)
- Tác dụng: Giảm viêm, giúp kiểm soát các triệu chứng nặng hoặc nếu bệnh không đáp ứng tốt với IGIV; có thể giảm nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng nếu bệnh Kawasaki tái phát.
- Tác dụng phụ: Một trong các tác dụng phụ phổ biến của corticosteroids là tăng cân do giữ nước và thay đổi chuyển hóa; sử dụng corticosteroids lâu dài có thể làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương; dùng lâu dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
3. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc
Khi điều trị bệnh Kawasaki, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ các hướng dẫn cẩn thận của bác sĩ điều trị để đạt hiệu quả cao nhất và giảm thiểu các tác dụng phụ.
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh Kawasaki:
- Tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng: Các thuốc như IGIV, aspirin, hoặc corticosteroids cần phải được sử dụng đúng liều và đúng thời gian, nếu không có thể giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ.
- Theo dõi tác dụng phụ: Cần theo dõi các dấu hiệu dị ứng như phát ban, ngứa, sưng mặt, hoặc khó thở, và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
- Tránh dùng thuốc khi không được bác sĩ chỉ định: Không tự ý dùng thuốc khác, tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác (kể cả thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác) khi không có sự đồng ý của bác sĩ, vì có thể xảy ra tương tác thuốc không mong muốn.
- Cảnh giác với thuốc thảo dược và thực phẩm bổ sung: Một số thuốc thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung có thể tương tác với thuốc điều trị bệnh Kawasaki, làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gây tác dụng phụ.
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi. Trẻ mắc bệnh Kawasaki cần được nghỉ ngơi đầy đủ để hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm tình trạng viêm, bổ sung nước đầy đủ cho trẻ.
- Theo dõi và báo cáo các triệu chứng bất thường: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện trong quá trình điều trị (ví dụ như sốt trở lại, sưng tấy, đau ngực, hoặc khó thở), cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.
- Theo dõi sau điều trị: Đối với tất cả bệnh nhân cần theo dõi ít nhất 6 tháng - 1 năm.
Tóm lại, việc điều trị bệnh cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Tuân thủ đúng liều lượng thuốc và theo dõi các triệu chứng, tác dụng phụ sẽ giúp đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất và giảm thiểu các rủi ro không mong muốn. Cha mẹ tránh tự ý dùng thuốc, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Sốt xuất huyết có tự khỏi được không? Dấu hiệu nào cho biết đã khỏi bệnh? I SKĐS