Bệnh lao hạch do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao hạch thường biểu hiện bằng tình trạng sưng không đau ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết trong nhiều tuần đến nhiều tháng. Các hạch trong lồng ngực có thể chèn ép một trong các phế quản dẫn đến xẹp phổi, nhiễm trùng phổi và giãn phế quản hoặc ống ngực dẫn đến tràn dịch dưỡng chấp.
Các biến chứng khác bao gồm chứng khó nuốt, rò thực quản-trung thất, rò khí quản-thực quản, tắc mật và phình tim. Các hạch sau phúc mạc có thể dẫn đến viêm cổ trướng dưỡng chấp, đái dưỡng chấp. Đôi khi, các hạch cổ có thể chèn ép khí quản dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp.
Lao hạch thường biểu hiện bằng tình trạng sưng không đau ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
2. Trị lao hạch như thế nào?
Nhìn chung, các phác đồ hóa trị liệu hiện tại có hiệu quả trong bệnh lao phổi cũng sẽ có hiệu quả trong bệnh lao hạch. Điều trị lao có thể mất 6 hoặc 9 tháng tùy thuộc vào phác đồ. Phác đồ dài hơn khiến bệnh nhân có thể khó tuân thủ thuốc hơn, nguy cơ tác dụng phụ trong thời gian dài hơn và chi phí cho điều trị cao hơn.
2.1 Phác đồ trị lao hạch tiêu chuẩn
Các phác đồ điều trị bệnh lao tiêu chuẩn sử dụng kết hợp các thuốc khác nhau có thể bao gồm: Ethambutol, isoniazid, rifampin, pyrazinamide.
Phác đồ 6 tháng gồm: Isoniazid, rifampicin và pyrazinamide trong 2 tháng; sau đó là isoniazid, riframpicin trong 4 tháng.
Phác đồ 9 tháng gồm: Isoniazid, riframpicin và ethambutol trong 2 tháng đầu tiên, sau đó là isoniazid và rifampicin trong 7 tháng.
- Isoniazid là thuốc dùng trong điều trị dự phòng và điều trị lao.
Tác dụng phụ thường là: Viêm gan, vàng da, buồn nôn và nôn. Isoniazid có thể gây bệnh thần kinh ngoại biên, đặc biệt đối với người lớn tuổi. Để ngăn ngừa tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định dùng vitamin B6.
- Rifampicin dùng kết hợp với các thuốc chống lao khác để điều trị lao đang hoạt động. Thuốc cũng có thể gây viêm gan, vàng da, buồn nôn và nôn. Rifampicin là chất gây cảm ứng enzym chuyển hóa steroid ở gan và sẽ ức chế tác dụng điều trị của corticosteroid. Để duy trì hiệu quả, có thể cần tăng liều corticosteroid khi dùng đồng thời với rifampicin.
- Pyrazinamide được dùng trong giai đoạn đầu điều trị để chống lại vi khuẩn lao. Thuốc có thể gây viêm gan, buồn nôn và nôn. Đau khớp do tăng axit uric xảy ra bởi pyrazinamide.
- Ethambutol dùng trong điều trị lao và lao tái phát, nhưng có thể gây độc tính cho mắt như rối loạn thị giác, viêm dây thần kinh thị giác, sợ ánh sáng, liệt cơ ngoại nhãn… do ngộ độc ethambutol. Bệnh nhân dùng liều cao hơn 15mg/kg/ngày cần được đánh giá nhãn khoa bốn tuần một lần. Các triệu chứng xảy ra thường sẽ hết trong vòng 3 đến 12 tháng.
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều gặp các tác dụng phụ này.
2.2 Điều trị lao kháng thuốc
Điều trị lao kháng thuốc đòi hỏi phải sử dụng phương pháp điều trị tĩnh mạch dài hạn bằng aminoglycoside và các thuốc khác, bao gồm:
- Aminoglycoside (amikacin, kanamycin, hoặc capreomycin) được dùng trong điều trị lao kháng thuốc. Tác dụng phụ có thể dẫn đến độc tính với tai, chóng mặt.
- Fluoroquinolone (levofloxacin, moxifloxacin hoặc gatifloxacin) được khuyến cáo dùng trong điều trị lao hạch. Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thị lực, phát ban da, yếu cơ, viêm gân…
Có thể dùng các thuốc: Ethionamide hoặc prothionamide, cycloserine, axit para-aminosalicylic.
Điều trị ban đầu bao gồm phối hợp 5 loại thuốc trong khoảng 6 tháng, sau đó là giai đoạn tiếp tục ít nhất 4 loại thuốc trong 9 đến 12 tháng.
2.3 Steroid toàn thân
Tác dụng: Steroid toàn thân đã được chứng minh là làm giảm viêm trong giai đoạn đầu của liệu pháp điều trị lao hạch và có thể được xem xét nếu hạch đang chèn ép một cấu trúc quan trọng như là phế quản hoặc hạch ở các vùng nhạy cảm về mặt thẩm mỹ. Thuốc được dùng cùng với phác đồ điều trị lao.
Tác dụng phụ: Thuốc cần được dùng đúng chỉ định của bác sĩ. Việc dùng kéo dài, tăng liều có thể gây những tác dụng phụ như mất ngủ, khó tiêu, rậm lông, đau khớp, đục thủy tinh thể...
3. Lưu ý khi điều trị lao hạch
Để điều trị lao hạch an toàn, hiệu quả người bệnh cần lưu ý:
- Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Vi khuẩn lao có thể mất nhiều thời gian để điều trị, quan trọng là phải uống và dùng hết tất cả các loại thuốc điều trị lao theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Nếu không bạn có thể bị bệnh trở lại, khó chống lại bệnh hơn trong tương lai và lây bệnh cho người khác. Không hoàn thành toàn bộ liệu trình dùng thuốc cũng có thể góp phần gây ra bệnh lao kháng thuốc.
- Khi ho, hắt hơi, hãy che miệng bằng khăn giấy.
- Chú ý dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp đối phó tốt hơn với bệnh tật và quá trình điều trị.