Thuốc giả, hậu họa thật

Thuốc giả, hậu họa thật
7 giờ trướcBài gốc
Đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả tại TPHCM vừa bị triệt phá
Sản xuất thuốc giả qua mặt cơ quan chức năng
Những ngày đầu năm 2025, Công an TPHCM đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả (thuốc đông y kết hợp tân dược) số lượng lớn. Cơ quan chức năng xác định, đối tượng Ngô Kim Diệu và Nguyễn Thị Ngọc Hương đã thành lập, sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Kingpharm và Công ty TNHH MTV Kiến Lâm làm bình phong, che giấu hoạt động phạm pháp.
Đường dây này sản xuất thuốc đông y kết hợp tân dược để điều trị các bệnh xương khớp, viêm mũi, trĩ, dạ dày, tim mạch, thần kinh… Từng khâu sản xuất được thực hiện riêng biệt ở các địa điểm khác nhau, nhân công là người nhà và họ hàng của đối tượng cầm đầu đường dây nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại, cùng 1.600kg bột nguyên liệu, 5 hệ thống máy móc. Lực lượng chức năng phải huy động 11 xe tải để vận chuyển số thuốc giả và nguyên liệu nêu trên về trụ sở. Các đối tượng khai nhận, trên bao bì thuốc giả được in hàng chục thương hiệu khác nhau với tên của công ty “ma” ở Singapore hoặc Malaysia nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, từ đó dễ dàng tiêu thụ. Liên quan đến đường dây sản xuất thuốc giả này, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 22 bị can.
Vụ việc một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở thị trường trong nước. Tính riêng năm 2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra một số thông báo về việc phát hiện thuốc giả Theophylline 200mg hay thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả. Tại TPHCM, Công an quận 10 triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh do Lữ Phú Thám (44 tuổi) cầm đầu, hoạt động từ đầu năm 2022. Trong vụ án này, lực lượng chức năng thu giữ 39 thùng thuốc chứa 6.022 lọ, chai thuốc giả, không có hóa đơn chứng từ về nguồn gốc xuất xứ; hơn 100.000 vỉ, hộp, chai, ống thuốc giả các loại; hơn 35.000 vỏ hộp, tem, nhãn thuốc giả; trang thiết bị và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả.
Với sự bùng nổ của kinh doanh trực tuyến, tình hình sản xuất, mua bán thuốc giả và thuốc kém chất lượng càng thêm phức tạp. Gần đây nhất, 40 đối tượng vừa bị Công an TP Nam Định (tỉnh Nam Định) bắt giữ trong đường dây lừa đảo bán thuốc và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp trên mạng xã hội. Các đối tượng giả danh bác sĩ điều trị bệnh xương khớp, giới thiệu các gói liệu trình, nhắm đến phụ nữ, người có bệnh nền, bệnh mạn tính để lừa đảo.
Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại 88 quốc gia cho thấy, khoảng 10% thuốc lưu hành tại các nước có thu nhập kém và thu nhập thấp là thuốc giả. Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc giả đã giảm từ trên 7% vào năm 1991 xuống dưới 0,1% vào những năm gần đây. Tuy nhiên, các vụ việc sản xuất, mua bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện cho thấy, thực trạng vẫn đáng lo ngại.
Dùng thuốc theo toa của bác sĩ
Nhìn nhận mối nguy từ thuốc giả, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng, người bệnh sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Không chỉ tốn tiền vô ích để mua thuốc không có tác dụng điều trị, người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ bệnh trở nặng, diễn tiến nghiêm trọng. Với các bệnh lý mạn tính như xương khớp, tiểu đường, tim mạch, thuốc giả khiến bệnh trầm trọng hơn vì không được điều trị phù hợp.
“Đối với người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, vì mỗi loại bệnh lại dùng thuốc khác nhau, nguy cơ gây ra tương tác thuốc có hại cho người sử dụng. Nguy cơ này nghiêm trọng hơn nếu dùng phải thuốc giả. Do đó, người bệnh cần bỏ thói quen tự mua thuốc trị bệnh mà phải được thăm khám và kê đơn bởi bác sĩ”, TS-BS Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Thực tế ghi nhận nhiều người bệnh mua phải thuốc đông y giả trộn với các chất kháng viêm, giảm đau, sử dụng bừa bãi gây ra phù thận, suy gan, đe dọa tính mạng. Các loại thuốc không rõ thành phần cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến dị ứng hoặc ngộ độc. Tuy nhiên, phân biệt thuốc thật - thuốc giả không thể bằng cảm quan mà chỉ có thể xác định dựa trên phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, tất cả các loại thuốc phải trải qua quy trình đánh giá, xem xét kỹ lưỡng về nguồn gốc, công tác đấu thầu thuốc rất khắt khe theo quy định hiện hành. Vì thế, mức độ an toàn cao hơn, chất lượng được đảm bảo hơn.
Bên cạnh trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, người dân nên đến khám bệnh tại các cơ sở y tế để bác sĩ kê đơn, sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn, tuyệt đối không mua thuốc theo lời quảng cáo truyền miệng hoặc theo quảng cáo trên mạng xã hội.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, nếu tiêu thụ phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người dân gánh chịu thiệt thòi lớn về sức khỏe, thậm chí mất mạng. Do đó, khi một cá nhân làm thuốc giả và ý thức được việc làm này thì hành vi trên đã phạm vào tội giết người hàng loạt và giết người có chủ đích.
GIAO LINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/thuoc-gia-hau-hoa-that-post778800.html