Thuốc giả – hiểm họa cho cộng đồng, đòi hỏi chế tài nghiêm khắc

Thuốc giả – hiểm họa cho cộng đồng, đòi hỏi chế tài nghiêm khắc
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Internet
Hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đường dây này đã tổ chức sản xuất 21 loại thuốc giả, chủ yếu là các thuốc tân dược điều trị xương khớp và tăng cường sức khỏe, được làm từ những nguyên liệu rẻ tiền như than tre, bột sắn, chất kết dính, hương liệu và phẩm màu công nghiệp.
Các sản phẩm giả mạo được đóng gói tinh vi, nhái nhãn hiệu của nhiều hãng dược nổi tiếng, sau đó phân phối qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và các đầu mối bán lẻ với quy mô giao dịch lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các đối tượng trong đường dây đều không có chuyên môn về y dược, không có giấy phép sản xuất hay kinh doanh dược phẩm, nhưng vẫn ngang nhiên tổ chức dây chuyền sản xuất “chui” ngay tại khu dân cư, bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng và luật pháp.
Vấn nạn thuốc giả không mới, song mức độ tinh vi và quy mô ngày càng gia tăng khiến cho công tác kiểm soát gặp không ít khó khăn. Hệ lụy mà thuốc giả gây ra đối với sức khỏe con người là không thể lường hết.
Trước hết, đó là nguy cơ trực tiếp đến tính mạng người sử dụng. Với thành phần không rõ nguồn gốc, thuốc giả không chỉ không mang lại tác dụng điều trị mà còn có thể gây ngộ độc cấp tính, dị ứng, suy gan, suy thận, tổn thương thần kinh và thậm chí tử vong. Với những người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường… việc dùng thuốc giả có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, làm chậm trễ quá trình điều trị, thậm chí khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Không chỉ vậy, thuốc giả – đặc biệt là kháng sinh giả hoặc kém chất lượng – là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm suy giảm hiệu quả của các phác đồ điều trị. Đây là một thách thức mang tính toàn cầu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhiều lần cảnh báo.
Hậu quả không dừng ở sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống y tế quốc gia, làm xói mòn niềm tin của người dân vào thuốc men và thầy thuốc, đồng thời làm gia tăng gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình và xã hội.
Từ góc độ kinh tế – xã hội, thuốc giả là yếu tố gây rối loạn thị trường dược phẩm, làm tổn hại đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất chân chính và khiến người tiêu dùng hoang mang. Mỗi viên thuốc giả trôi nổi trên thị trường là một nhát cắt vào niềm tin, là một mắt xích đẩy thị trường dược phẩm vào vòng xoáy cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, tiêu thụ thuốc giả thường gắn liền với hành vi trốn thuế, rửa tiền, sử dụng lao động bất hợp pháp và các hoạt động tội phạm có tổ chức khác.
Cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Xét về mặt pháp lý, hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả là một trong những tội danh đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hoặc thuốc phòng bệnh có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình – tùy theo mức độ, hậu quả và tình tiết tăng nặng. Pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.
Trong vụ việc tại Thanh Hóa, các dấu hiệu phạm tội đã quá rõ ràng: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội và sức khỏe con người. Với những hành vi như vậy, cần thiết phải áp dụng khung hình phạt cao nhất nhằm răn đe và ngăn ngừa hành vi tương tự tái diễn.
Việc xử lý nghiêm khắc không chỉ là sự công bằng đối với người tiêu dùng mà còn là thông điệp cứng rắn của pháp luật đối với tội phạm “ẩn mình” trong lĩnh vực y tế – một lĩnh vực gắn liền với sinh mệnh con người.
Tuy nhiên, để chống lại vấn nạn thuốc giả, không thể chỉ trông chờ vào việc phát hiện và xử lý sau vi phạm. Cần có một hệ thống phòng ngừa chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Trước hết, phải siết chặt quản lý việc cấp phép sản xuất và kinh doanh thuốc, đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dược phẩm, giúp người dân dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra y tế cần phối hợp chặt chẽ với công an, hải quan, biên phòng trong việc phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả xuyên biên giới.
Một yếu tố quan trọng khác là nâng cao nhận thức cộng đồng. Người dân cần được trang bị kiến thức cơ bản để nhận biết thuốc giả, biết cách kiểm tra thông tin sản phẩm, tem nhãn, hạn sử dụng, và nên mua thuốc tại các cơ sở được cấp phép. Đồng thời, cần phát huy vai trò của báo chí trong việc phản ánh kịp thời các vụ việc, phanh phui các chiêu trò lừa đảo tinh vi, tạo sức ép dư luận và góp phần vào công cuộc “làm sạch” thị trường dược.
Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược và các quy định xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả theo hướng tăng nặng mức phạt, đặc biệt đối với trường hợp tái phạm, có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, cần ban hành cơ chế bảo vệ người tố giác và khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia giám sát, phát hiện sai phạm.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và của cả dân tộc. Bảo vệ sự an toàn trong sử dụng thuốc không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, của cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy trở thành một “lá chắn” trước vấn nạn thuốc giả, đồng lòng cùng nhau xây dựng một môi trường y tế lành mạnh, minh bạch và nhân văn. Bởi lẽ, trong cuộc chiến này, sự thờ ơ là đồng phạm, và sự tỉnh táo chính là sự sống..
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/thuoc-gia-hiem-hoa-cho-cong-dong-doi-hoi-che-tai-nghiem-khac-post546215.html