Tóm tắt cuốn sách này trong một câu như sau: bán được nhiều hơn, nhanh hơn, là một chức năng của tư duy đúng cách - tự tin, mạnh dạn, lạc quan - và sau đó truyền đạt sự lạc quan của bạn tới khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng một cách có hệ thống.
Để giải thích tại sao cách tiếp cận này là đúng và hiệu quả, tôi cần nói đôi chút về một lĩnh vực tương đối mới đã làm thay đổi ngành tâm lý học 20 năm qua. Lĩnh vực đó được gọi là “tâm lý học tích cực” và là khoa học nghiên cứu điều gì khiến ta hạnh phúc, trái ngược với phần còn lại của tâm lý học, nghiên cứu về trầm cảm, lo âu và các vấn đề khác của chúng ta.
Ảnh minh họa. Nguồn: Emoji Meanings.
Tâm lý học tích cực nghiên cứu tư duy dẫn đến thành công, hạnh phúc và niềm an vui. Tâm lý học tích cực tìm cách giải thích điều gì đem lại cho chúng ta sinh lực, lòng biết ơn và sự lạc quan, và quan trọng hơn là cách kiểm soát suy nghĩ của chúng ta để tự tạo ra tâm lý tích cực. Trong khi đó, phần còn lại của tâm lý học là về sinh học, thần kinh học và cách điều trị những thứ khiến chúng ta phát điên.
Nói đơn giản, tâm lý học tích cực tập trung vào việc chủ động theo đuổi niềm vui (giống như chiến lược tăng trưởng doanh số bán hàng đòi hỏi phải chủ động giao tiếp), thành công cá nhân và nghề nghiệp, trong khi đa phần còn lại của tâm lý học xem xét cách chúng ta phản ứng với kích thích (như hầu hết công việc bán hàng được tiến hành một cách thụ động, phản ứng theo yêu cầu), thường được thúc đẩy bởi sinh học bên trong chúng ta. Tâm lý học tích cực đặt thành công của chúng ta vào đôi tay và khối óc của ta - ta có thể tạo ra nó, và đây là cách thực hiện.
Bằng trực giác ta thấy điều này có vẻ rất hiển nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu tâm lý con người chỉ mới bắt đầu khám phá tâm lý học tích cực cách đây vài thập kỷ.
Tóm tắt lịch sử tâm lý học tích cực (và thời gian rất ngắn của tôi với lĩnh vực này)
Hiệp hội Tâm lý học Mỹ được thành lập hơn 125 năm trước, và ít nhất trong 100 năm, hiệp hội này hoàn toàn tập trung vào bệnh tâm thần. Ấn phẩm nổi tiếng của hiệp hội có nhan đề Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (tạm dịch: Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, viết tắt là DSM). Muốn biết tất cả những cách gì có thể làm hư hại tâm trí con người không? Đọc DSM. Muốn nghiên cứu cái gì làm cho người ta bị điên? Vậy thì hãy làm một nhà tâm lý học.
Tôi biết, vì lẽ ra tôi đã trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng. Tôi học chuyên ngành tâm lý ở đại học (cho đến nay, tôi chưa bao giờ theo học kinh doanh ở trường lớp chính quy nào), và sau đó chuyển trọng tâm sang tâm lý học lâm sàng. Tôi đã tham dự chương trình sau đại học kéo dài năm năm cấp bằng PsyD, viết tắt của Doctor of Psychology, và nhấn mạnh vào công việc lâm sàng (trò chuyện, không kê đơn thuốc).
Học được một năm ở trường cao học này thì tôi đầu hàng. Trên thực tế, sau khoảng ba tuần là tôi biết ngay chương trình này không dành cho mình. Vào thời điểm đó, ở tuổi 21 và chỉ vài tuần nữa là bắt đầu chương trình năm năm - tôi học thẳng cao học sau đại học (và là một trong những người trẻ nhất ở đó) - tôi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, mà tôi nghĩ là hoàn toàn không liên quan đến tâm lý học.
Tại sao chương trình cao học tâm lý học lâm sàng tiên tiến này không phù hợp với tôi?
Vì toàn bộ chỉ xoay quanh bệnh tâm thần.
Các môn học tập trung - toàn bộ - vào trầm cảm, lo âu và các bệnh tâm thần nghiêm trọng hơn như tâm thần phân liệt. Chúng tôi học về những căn bệnh mạn tính như Alzheimer và Parkinson, chấn thương sọ não, mất trí nhớ và hội chứng căng thẳng hậu sang chấn tâm lý.
Hầu hết các sinh viên khác, lớn hơn tôi một chút, có vẻ say mê nghiên cứu những gì gây hại cho chúng ta. Nhiều người trong số họ chuyên tâm học hành để chẩn bệnh cho chính mình. Đã có các cuộc thảo luận cởi mở về những rối loạn nào áp dụng cho sinh viên nào.
Tôi nỗ lực giữ sự tích cực, bởi vì ngay cả khi đó, từ nhỏ tôi đã biết rằng cách nhìn lạc quan là một trong những chìa khóa tuyệt vời để có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Nhưng tôi thấy cơ bản là không thể có điều đó trong bốn bức tường của trường cao học này và với những con người ở đó. Gánh nặng khủng khiếp của việc hàng ngày phân tích chứng loạn thần kinh và rối loạn tâm thần, kết hợp với viễn cảnh phải giải quyết tất cả những chuyện đó hàng ngày, trong một căn phòng, với hết khách hàng này đến khách hàng khác, đã đẩy tôi ra khỏi đó.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhà tâm lý học vĩ đại Martin Seligman - đã viết những tác phẩm mà tôi nghiên cứu khi theo học đại học và cao học - đang bắt đầu công trình làm thay đổi thế giới về tinh thần lạc quan và tâm lý học tích cực.
Năm 1967, Seligman tiến hành các thí nghiệm nổi tiếng về tình trạng không được trợ giúp trong tâm lý học hành vi. Trong nghiên cứu này, những con chó bị sốc theo lịch trình cố định sẽ tìm cách thoát khỏi những cú sốc, nhưng những con chó bị sốc bất chợt, ngẫu nhiên, sẽ chỉ nằm xuống và ngừng cố gắng tránh sốc. Đây là điều mà Seligman gọi là sự bất lực đã quen chịu.
Như bạn có thể thấy, ngay cả cha đẻ của tâm lý học tích cực được chấp nhận rộng rãi cũng tập trung phần lớn cuộc đời mình vào nghiên cứu bệnh tâm lý.
Trong lời nói đầu của cuốn sách quan trọng Learned Optimism, Seligman viết rằng ông nghĩ mình đang nghiên cứu về chủ nghĩa bi quan khi viết cuốn sách đó. “Tôi đã quen với việc tập trung vào những hỏng hóc của từng cá nhân và sau đó là cách khắc phục. Còn việc quan sát kỹ xem cái gì đúng và làm sao để tốt hơn nữa không hề xuất hiện trong tâm trí tôi.”
Ông viết:
“Kỹ năng để trở nên vui vẻ hạnh phúc hóa ra gần như hoàn toàn khác với kỹ năng để không buồn bã, không lo âu, hay không tức giận. Tâm lý học đã cho chúng ta biết rất nhiều về bệnh lý, về đau khổ, về nạn nhân và cách đạt được những kỹ năng chống lại buồn rầu và lo âu. Nhưng việc khám phá những kỹ năng để trở nên hạnh phúc hơn lại được giao phó cho công viên giải trí, Hollywood và quảng cáo bia. Khoa học đã không có vai trò gì.”
Và như vậy, với Learned Optimism xuất bản lần đầu năm 1990, Seligman đã đặt nền móng cho lĩnh vực tâm lý tích cực.
Alex Goldfayn/NXB Trẻ