Thuốc lá nung nóng chủ yếu tiếp cận người trưởng thành

Thuốc lá nung nóng chủ yếu tiếp cận người trưởng thành
4 giờ trướcBài gốc
Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng (TLNN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đã xuất hiện trên thị trường hơn một thập kỷ qua, nhưng đến nay còn thiếu hành lang pháp lý, khiến tỷ lệ buôn lậu leo thang. Đáng lo ngại, tình trạng chất cấm như ma túy, chất hướng thần trá hình trong TLĐT gióng lên hồi chuông báo động trong cộng đồng và cơ quan chức năng.
Người sử dụng TLNN không phải giới trẻ
Ngày 16/10, tại tọa đàm "Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp", Trung tá Nguyễn Minh Tiến từ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội đã làm rõ, đối tượng sử dụng TLNN chủ yếu là người trưởng thành có thu nhập ổn định. Sản phẩm có nguồn gốc từ Đông Âu, Nhật Bản... qua Việt Nam bằng đường xách tay hoặc nhập lậu, với giá sỉ lên đến 4-5 triệu đồng/thùng.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến (bên phải) phát biểu tại tọa đàm "Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp".
Ngược lại, vì TLĐT có giá thành thấp nên dễ tiếp cận giới trẻ, tấn công vào học đường. Ông Tiến dẫn chứng, dữ liệu từ cơ quan Công an đã cho thấy, các vụ TLĐT gây phát sinh tệ nạn xã hội, bao gồm pha trộn cần sa vào sản phẩm. Hầu hết các giao dịch TLĐT thường thông qua các sàn thương mại điện tử hay ứng dụng giao hàng, gây cản trở quá trình xác minh của cơ quan chức năng.
Đề cập đến mối lo ngại liệu giới trẻ có sử dụng TLNN như một số thông tin gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định rằng, cần phải đánh giá vấn đề toàn diện, minh bạch. Ông Cường cũng cho rằng, giới trẻ không dễ dàng tiếp cận sản phẩm TLNN vì giá thành cao và phức tạp khi sử dụng.
Về khả năng biến tướng của TLNN, người tiêu dùng N.T.C. (35 tuổi, Hà Nội) cho rằng, khó để kích hoạt sản phẩm nếu pha trộn dung dịch vào điếu thuốc lá khô của TLNN. Theo anh C., điếu thuốc lá trong bộ TLNN cần được giữ khô như thuốc lá điếu bởi có nguyên liệu thuốc lá tự nhiên. Vì vậy, điếu thuốc sẽ bị hỏng, ẩm mốc, không thể sử dụng được với bộ kích hoạt bằng điện đi kèm nếu cố tình bơm hay tẩm thêm dung dịch, chất bột. Đặc biệt, anh C. khẳng định, không ai dại gì mang một sản phẩm có giá đắt gấp 5 lần thuốc lá điếu ra để thử nghiệm.
Dùng biện pháp quản lý để kiểm soát tác hại
Mặc dù còn có ý kiến trái chiều về mức độ tác hại của thuốc lá mới, nhưng thuốc lá vẫn là ngành hàng kinh doanh hợp pháp, có điều kiện. Tại hội thảo gần đây về Thuế tiêu thụ đặc biệt, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh: “Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm, cần ứng xử mềm dẻo”.
ĐBQH Hoàng Văn Cường. Ảnh: quochoi.vn.
Vì vậy, nhiều ĐBQH và đại diện các bộ ngành nhấn mạnh rằng, việc phòng chống tác hại đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Do đó, việc quản lý là cần thiết để phòng và chống tác hại dựa trên các quy định, hướng dẫn như hiện nay.
Để cấm các sản phẩm này cần chứng minh được mức độ độc hại hơn thuốc lá điếu ra sao bằng định lượng cụ thể thông qua nghiên cứu khoa học rõ ràng.
Ý kiến này đã được ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với các sản phẩm thuốc lá mới để có cơ sở quản lý hiệu quả; làm rõ mức độ độc hại, nguy hiểm cụ thể thế nào, nhất là so với thuốc lá truyền thống; làm rõ đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, học sinh đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, việc biến tướng của thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy, không kiểm soát được”.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.
Liên quan đến quan điểm “cứ có hại là cấm”, ông Nguyễn Mạnh Cường dẫn chứng về việc ngành y tế kiểm soát và cho phép sử dụng Methadone (vốn là một loại ma túy) như một phương pháp điều trị thay thế hiệu quả đối với người nghiện. Vấn đề tác hại của thuốc lá đã là sự thật hiển nhiên, nhưng vẫn đang được quản lý phòng chống tác hại như hiện nay. Do vậy, ông Cường cho rằng, chỉ khi nào cấm được thuốc lá truyền thống thì mới có thể cấm TLNN.
Hiện nay, các bộ ngành, Chính phủ và Quốc hội đều nhất trí cần sớm thiết lập hành lang pháp lý minh bạch để kiểm soát TLNN và TLĐT.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, cần có chính sách quản lý riêng biệt cho TLNN, TLĐT, thay vì gộp chung tất cả các sản phẩm dưới tên gọi là “thuốc lá mới” và đánh đồng như nhau. Từ 2018 đến nay, ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến nghị các nước thành viên quản lý TLNN theo luật đang áp dụng cho thuốc lá điếu.
H.P
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thuoc-la-nung-nong-chu-yeu-tiep-can-nguoi-truong-thanh-10293501.html