Chiều 31-10, tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VESS) tổ chức về chính sách thuế đối với mặt hàng thuế thuốc lá và các vấn đề liên quan, ThS Bùi Thị Thu Hà (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) cảnh báo, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 15 - 24 lên tới 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 là 1,4%.
“Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị triệt tiêu bởi tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá mới trong giới trẻ. Các sản phẩm thuốc lá mới này có tác hại cấp tính và mãn tính đối với sức khỏe người sử dụng. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có hàng trăm trường hợp phải cấp cứu do ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, chuyên gia này nhấn mạnh.
ThS Bùi Thị Thu Hà (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) cảnh báo về tác hại của thuốc lá mới
Một trong những thực trạng rất đáng lo ngại là quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội đang rất phổ biến. Lượng tin bài quảng cáo, mua bán, tiếp thị lớn, tập trung nhiều ở mạng xã hội Tiktok (49,7%), Facebook (48,8%).
Bên cạnh đó, việc mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng online, vận chuyển dễ dàng. Đơn hàng được đóng gói, chuyển phát qua các đơn vị vận chuyển dưới dạng thông tin “thuốc trị mụn”, “mỹ phẩm” để qua mắt cơ quan chức năng, phụ huynh.
"Bộ Y tế đang đề xuất trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam".
ThS Bùi Thị Thu Hà (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế)
Các cửa hàng thuốc lá điện tử được thiết kế để thu hút giới trẻ với thiết kế đẹp như các cửa hàng bán đồ công nghệ hoặc quán cà phê. Các cửa hàng có các chương trình khuyến mại (cho dùng thử, tặng sản phẩm) để hấp dẫn khách hàng.
Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện nay, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8%. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ.
“Chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm. Giá và thuế tăng hầu như không đáng kể trong giai đoạn từ 2010-2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019)”, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cung cấp thêm thông tin.
Bà Bùi Thị Thu Hà cho biết thêm, đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đang đề xuất trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Cùng với đó, theo chương trình xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét lần đầu Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi và sẽ xem xét thông qua luật này tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025), trong đó có giải pháp tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá.
ANH PHƯƠNG