Khí phế thũng là căn bệnh mạn tính gây khó thở, gây tổn thương dần dần các túi khí (phế nang) trong phổi. Nguyên nhân chính gây ra bệnh khí phế thũng là hút thuốc lá hoặc tiếp xúc lâu dài với một số chất ô nhiễm, bụi công nghiệp. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp là do rối loạn di truyền, thiếu hụt alpha-1-antitrypsin.
Khí phế thũng có thể gây biến chứng: Viêm phổi, phổi xẹp, các vấn đề về tim... Mặc dù, không có cách chữa khỏi khí phế thũng nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm khả năng phải nhập viện.
HÌnh ảnh phế nang bình thường và phế nang bị tổn thương.
1. Các thuốc điều trị khí phế thũng
1.1. Thuốc corticosteroid dạng hít
Tác dụng: Những loại thuốc này có thể làm giảm tình trạng viêm đường hô hấp, sưng và sản xuất chất nhầy bên trong đường thở, giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát. Các thuốc bao gồm: Fluticasone, budesonide...
Tác dụng phụ: Theo thời gian, corticosteroid dạng hít có thể gây ra các tác dụng phụ, như xương yếu, khàn giọng, tăng huyết áp, đái tháo đường và đục thủy tinh thể.
1.2. Thuốc corticosteroid đường uống
Tác dụng: Dùng thuốc corticosteroid đường uống điều trị đợt cấp bệnh khí phế thũng trong thời gian ngắn.
Tác dụng phụ: Sử dụng lâu dài các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng cân, đái tháo đường, loãng xương, đục thủy tinh thể và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
1.3. Thuốc giãn phế quản
Tác dụng: Thuốc giãn phế quản làm giãn các cơ xung quanh đường thở, giúp mở đường thở và hỗ trợ người bệnh thở dễ dàng hơn, gồm:
- Thuốc chủ vận beta- 2có tác dụng làm giãn các cơ bị căng xung quanh đường thở.
+ Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn (SABA) có tác dụng trong vòng vài phút nhưng chỉ kéo dài 4-6 giờ, bao gồm: Salbutamol, terbutaline...
+ Thuốc chủ vận beta tác dụng dài (LABA) có thể bắt đầu có tác dụng chậm nhưng kéo dài tới 12 đến 24 giờ. Thuốc LABA được sử dụng để duy trì đường thở mở trong suốt cả ngày hoặc đêm, cần được dùng hàng ngày, bao gồm: Salmeterol, formoterol...
- Thuốc kháng cholinergic có tác dụng ngăn các cơ xung quanh đường thở co lại để mở đường thở và làm sạch chất nhầy khỏi phổi, hỗ trợ ho tống chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn.
+ Thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn (SAMA) bao gồm ipratropium, oxitropium
+ Thuốc kháng cholinergic tác dụng dài (LAMA) bao gồm tiotropium, umeclidinium, aclidinium.
Tác dụng phụ bao gồm: Nhịp tim tăng, run rẩy, lo lắng, ho, khô miệng, buồn nôn, đau đầu…
Mặc dù, không có cách chữa khỏi khí phế thũng nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm khả năng phải nhập viện.
1.4. Thuốc kháng sinh
Tác dụng: Thuốc kháng sinh sử dụng khi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản cấp, viêm phổi và cúm làm trầm trọng thêm các triệu chứng khí phế thũng; khi có các triệu chứng ho nhiều hơn, tiết nhiều chất nhầy hơn và khó thở.
Các thuốc kháng sinh bao gồm: Amoxicilline, doxycycline, trimethoprim/sulfamethoxazole, azithromycin.
1.5. Liệu pháp protein
Bệnh nhân bị khí phế thũng do thiếu hụt protein alpha-1 antitrypsin (AAT) có thể được truyền AAT để giúp làm chậm quá trình tiến triển của tổn thương phổi.
Khí phế thũng là căn bệnh mạn tính gây khó thở, gây tổn thương dần dần các túi khí (phế nang) trong phổi.
2. Điều trị không dùng thuốc
Có thể áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc:
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh khí phế thũng, do đó, điều quan trọng nhất trong điều trị khí phế thũng là bỏ thuốc lá; tránh khói thuốc lá và những nơi có nhiều chất gây kích ứng phổi khác, như bụi, khói hoặc chất độc hại.
- Liệu pháp oxy có thể giúp những người bị khí phế thũng nặng có nồng độ oxy trong máu thấp, thở tốt hơn. Phương pháp điều trị này bao gồm việc cung cấp oxy thông qua mặt nạ hoặc qua hai ống nhỏ đi vào mũi.
- Hoạt động thể chất giúp tăng cường các cơ được sử dụng để thở, tăng dung tích phổi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Quản lý căng thẳng.
- Không khí lạnh có thể khiến đường thở co thắt, làm khó thở hơn, do đó cần bảo vệ cơ thể khỏi không khí lạnh.
- Tránh tiếp xúc với những người bị cúm hoặc cảm lạnh, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở nơi đông người.
- Tiêm vaccine cúm (hàng năm) và tiêm vaccine phế cầu khuẩn để bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
3. Lưu ý khi điều trị ở người khí phế thũng
Để đảo bảo việc điều trị an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Đảm bảo uống hết thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định.
- Không tự ý thay đổi hoặc ngưng thuốc.
- Tuân thủ phác đồ điều trị để giảm nguy cơ đợt cấp và khả năng nhập viện.
- Trong thời gian dùng thuốc nếu gặp triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử trí.
Nhầm lẫn giữa bệnh hen và COPD nguy hiểm như thế nào? I SKĐS