Tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp, đặc biệt là cúm A nên nhu cầu mua sử dụng và tích trữ thuốc Tamiflu có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa: Verywellhealth.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, nhu cầu tìm mua và tích trữ thuốc kháng virus điều trị cúm A - Tamiflu tại Hà Nội và TP.HCM đang gia tăng. Nhiều nhà thuốc bắt đầu rơi vào tình trạng khan hàng, một số nơi thông báo không có sẵn. Cùng với đó, giá thuốc cũng có sự biến động, chênh lệch giữa các điểm bán.
"Có tiền cũng khó mua được"
Bà T.D.L., chủ tiệm thuốc ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: "Thời điểm này rất nhiều người có triệu chứng của cảm cúm đến mua thuốc. Thuốc Tamiflu hiện khá khó nhập, mỗi lần chỉ lấy được vài hộp. Thuốc điều trị cúm của Việt Nam là 420.000 đồng, trong khi đó hàng nhập khẩu có giá 620.000 đồng. Giá này đã tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán".
Bà L. cũng cho hay giá thuốc tăng do giá nhập từ đầu mối cũng cao hơn so với trước, đặc biệt là hàng công ty. "Chúng tôi cũng cố gắng bình ổn giá, có tăng so với thời điểm bình thường nhưng không tăng quá cao. Nếu thời gian tới, thuốc Tamiflu tiếp tục 'cháy hàng' và thổi giá quá cao, tôi sẽ không nhập thêm thuốc để bán", bà L. nói.
Bà N.T.H., chủ hiệu thuốc khác trên đường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay cơ sở này mới nhập được 3 hộp nhưng đã có người mua hết trong sáng 10/2.
"Chủ yếu người dân tự mua để điều trị, ít người có đơn chỉ định từ bác sĩ. Có trường hợp thấy thuốc đắt quá nên không mua nữa, thế nhưng giờ có tiền cũng khó mua được. Tôi đã gọi nhập thêm thuốc nhưng đầu mối báo tiếp tục chờ", bà H. nói.
Có biểu hiện mắc cúm A từ đầu tháng 2, chị H.A. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã mua 2 hộp Tamiflu với giá 690.000 đồng/hộp/1 vỉ 10 viên ở nhà thuốc Long Châu. Mặc dù giá thuốc đắt hơn so với từng mua ở nhà thuốc khác trước đây là 570.000 đồng, nhưng cần gấp nên người phụ nữ này cũng chấp nhận rút "hầu bao" để mua thuốc điều trị.
Tại TP.HCM, nhiều nhà thuốc bán lẻ cũng đều báo hết hàng khi được hỏi mua thuốc Tamiflu. Trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), 3 nhà thuốc liên tiếp đều báo nguồn cung ứng thuốc đang tạm dừng, nếu muốn mua, người dân phải đặt trước ít nhất một ngày.
Nói với phóng viên Tri Thức - Znews, nhân viên bán thuốc của một nhà thuốc đầu đường Nguyễn Thái Sơn cho hay Tamiflu đang có giá 750.000 đồng. Tuy nhiên, hiệu thuốc đang tạm hết hàng và người mua phải đợi 2 ngày mới có thuốc, chắc chắn giá sẽ tăng vì lượng người mua đang cao.
Một hiệu thuốc khác cách đó chỉ vài chục mét, khi hỏi mua thuốc này, người bán cho biết phải có đơn kê của bác sĩ. Nhưng khi khách hàng đặt vấn đề cần mua gấp, tên thuốc này được một người quen trong bệnh viện cho. Người này lập tức báo giá 850.000 đồng/hộp, nếu mua sẽ gọi người đem từ nơi khác đến cửa hàng.
"Một hộp thuốc Tamiflu 10 viên, được dùng cho một lần điều trị cúm. Tôi không bán lẻ từng viên", người bán nói.
Long Châu, một trong những chuỗi nhà thuốc lớn trên cả nước, cũng ghi nhận tình trạng khan hiếm Tamiflu, khi một số cửa hàng trong hệ thống thông báo đã hết hàng.
Tại một cửa hàng thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Long Châu trên đường Võ Văn Tần (quận 3), khi khách hàng hỏi mua thuốc Tamiflu thì nhân viên bán thuốc thông báo phải đặt trước 5-7 ngày. Tương tự, một cửa hàng khác của hệ thống này trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), nhân viên bán hàng cũng cho hay hệ thống đã hết thuốc, phải đặt trước và giá có thể giao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộp vì nhu cầu mua đang tăng cao.
Tại một cửa hàng thuộc hệ thống nhà thuốc Pharmacity trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), loại thuốc này vẫn còn hàng sẵn được bán với giá niêm yết trên bao bì là 690.000 đồng/hộp, 10 viên. Theo một nhân viên thuộc hệ thống này, giá thuốc Tamiflu thay đổi theo thời giá, không cố định. Mức giá ở từng thời điểm sẽ tùy thuộc vào nhà cung cấp.
Một cửa hàng khác cũng thuộc hệ thống này trên đường Võ Văn Tần (quận 3) thông báo hết thuốc Tamiflu khi người mua đến hỏi.
Hộp thuốc Tamiflu có giá 690.000 đồng mua tại nhà thuốc Pharmacity. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Điều đáng nói, tất cả nhà thuốc Tri Thức - Znews đến ghi nhận, người bán chỉ thông báo giá tiền, tình trạng còn hoặc hết hàng và liều uống, không tư vấn về tác dụng phụ của thuốc.
Tại trang web Tra cứu giá thuốc của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75 mg), hộp một vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Bác sĩ khuyên không nên tùy ý dùng thuốc Tamiflu
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, cho rằng giá thuốc Tamiflu tăng do số bệnh nhân mắc cúm A gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều người dân tự ý mua thuốc khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ. Thậm chí, không ít người người mua về để dự trữ.
"Tamiflu là một loại thuốc kháng virus, giúp ức chế sự phát triển và nhân lên của virus nhưng không tiêu diệt hoàn toàn chúng. Thuốc có hiệu quả tốt nhất trong vòng 48 giờ đầu sau khi khởi phát triệu chứng, nếu sử dụng muộn hơn, tác dụng sẽ giảm đáng kể", bác sĩ Thủy cho biết.
Theo bác sĩ Thủy, Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định cho những trường hợp bệnh nặng, có bệnh lý nền, trẻ em dưới 2 tuổi hoặc người già. Người dân tự ý mua thuốc trong trường hợp này rất nguy hiểm.
Theo TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, việc tự ý dùng Tamiflu có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, nhức đầu, đỏ mắt, ho, vấn đề hô hấp, tăng tổn thương thận ở những người có bệnh thận. Ông nhấn mạnh tác dụng phụ đáng sợ nhất là rối loạn tâm thần, thay đổi tâm trạng thất thường.
"Khi mắc cúm A, người dân không bắt buộc phải dùng thuốc này, chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống, dùng vitamin C để tăng đề kháng. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn thích uống thuốc vì có cảm giác an toàn hơn", TS Hùng cho hay.
Một thai phụ mắc cúm được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh người dân không tự ý mua thuốc kháng virus uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc.
"Thuốc kháng virus chỉ có lợi với người có nguy cơ, có biểu hiện nhiễm cúm nặng. Người dân nên tiêm phòng ngừa cúm hàng năm, đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch...", bác sĩ Khiêm khuyến cáo.
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn số 414 về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm. Cục yêu cầu các địa phương đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân tại công văn số 3847/QLD-KD ngày 2/12/2024 của Cục Quản lý Dược.
Yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵng sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Phương Anh - Nguyễn Thuận