Thuốc trị tăng huyết áp trẻ em

Thuốc trị tăng huyết áp trẻ em
4 giờ trướcBài gốc
1. Thực trạng tăng huyết áp ở trẻ em
NỘI DUNG::
1. Thực trạng tăng huyết áp ở trẻ em
2. Các thuốc điều trị tăng huyết áp trẻ em
2.1. Thuốc lợi tiểu thiazide trị tăng huyết áp trẻ em
2.2. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
2.3. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB)
2.4. Thuốc chẹn adrenergic
2.5. Thuốc chẹn kênh canxi
3. Lưu ý khi điều trị tăng huyết áp trẻ em
Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ trẻ em mắc tăng huyết áp (THA) ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của béo phì, lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh. Tăng huyết áp trẻ em thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều bậc phụ huynh bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây tổn thương lâu dài cho tim, thận và não bộ, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như suy tim, suy thận hoặc đột quỵ khi trẻ trưởng thành.
Có hai loại tăng huyết áp chính ở trẻ em:
- Tăng huyết áp nguyên phát: Thường liên quan đến yếu tố di truyền, béo phì và lối sống không lành mạnh.
- Tăng huyết áp thứ phát: Do các bệnh lý nền như bệnh thận, rối loạn nội tiết hoặc dị tật bẩm sinh của tim và mạch máu.
Tăng huyết áp trẻ em thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều bậc phụ huynh bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
2. Các thuốc điều trị tăng huyết áp trẻ em
Thay đổi lối sốnglà bước đầu tiên và quan trọng nhất. Trẻ cần duy trì chế độ ăn ít muối, tăng cường rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu kali. Đồng thời, việc tăng cường vận động thể chất và giảm thời gian ngồi một chỗ (như xem TV, chơi điện thoại) cũng rất cần thiết. Nếu thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát huyết áp, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc.
Một số nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm:
2.1. Thuốc lợi tiểu thiazide trị tăng huyết áp trẻ em
Tác dụng:Thuốc lợi tiểu thiazide (như chlorthalidone) có thể là loại thuốc đầu tiên được dùng để điều trị huyết áp cao. Thuốc lợi tiểu có thể làm giãn mạch máu, giúp thận đào thải natri và nước, làm giảm thể tích dịch trong cơ thể và do đó làm giảm huyết áp.
Tác dụng phụ:Thuốc lợi tiểu thiazide khiến kali bị bài tiết qua nước tiểu, do đó đôi khi phải dùng thuốc bổ sung kali cùng với thuốc lợi tiểu thiazide. Ngoài ra thuốc có thể gây chóng mặt và choáng váng khi đứng (hạ huyết áp tư thế), mờ mắt, ăn mất ngon, ngứa, đau dạ dày, đau đầu…
2.2. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
Tác dụng:Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) làm giảm huyết áp một phần bằng cách làm giãn các tiểu động mạch (mạch máu nhỏ ở thận và tim). Các loại thuốc này làm giãn các tiểu động mạch bằng cách ngăn chặn sự hình thành angiotensin II, một chất hóa học được sản xuất trong cơ thể khiến các tiểu động mạch co lại. Các thuốc thường dùng: Captopril, cilazapril, enalapril, perindopril…
Tác dụng phụ: Ho khan, khó chịu là tác dụng phụ thường gặp nhất. Ngoài ra, thuốc có thể gây đau đầu, mất vị giác, phát ban dát sần, giảm bạch cầu, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn…
2.3. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB)
Tác dụng: ARB làm giảm huyết áp nhờ trực tiếp chặn hoạt động của angiotensin II, khiến các tiểu động mạch co lại. Một số thuốc thường dùng: Azilsartan, candesartan, eprosartan, losartan, olmesartan, telmisartan, valsartan…
Tác dụng phụ: ARB có thể gây chóng mặt, tăng kali máu, phù mạch, tiêu chảy, sụt cân nhiều...
2.4. Thuốc chẹn adrenergic
Tác dụng: Các thuốc bao gồm thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta atenolol ), thuốc chẹn alpha-beta (labetalol ), thuốc chủ vận alpha (clonidine ) và thuốc chẹn adrenergic tác dụng ngoại biên, có gác dụng giảm huyết áp.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây chóng mặt, đau đầu, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, ngủ gà, suy nhược cơ thể, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau xương khớp...
Tuân thủ tuyệt đối chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
2.5. Thuốc chẹn kênh canxi
Tác dụng:Thuốc chẹn kênh canxi làm giãn tiểu động mạch, thường dùng như nifedipin, felodipin, amlodipin…
Tác dụng phụ: Thuốc chẹn kênh canxi có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, táo bón, ợ nóng, dị ứng, nổi mẩn da, đỏ bừng mặt, mệt mỏi…
3. Lưu ý khi điều trị tăng huyết áp trẻ em
Để điều trị tăng huyết áp trẻ em an toàn, hiệu quả cần thực hiện:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Tái khám theo lịch.
- Trong thời gian điều trị nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cha mẹ cần chú ý theo dõi sức khỏe của con, đặc biệt với những trẻ có yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc gia đình có tiền sử tăng huyết áp.
Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ và đo huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Giảm cơn tăng huyết áp với những cách làm đơn giản!
BS. Nguyễn Hữu Thảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-tang-huyet-ap-tre-em-169250116220701601.htm