Thương chiến Mỹ-Trung 2.0 mới ở mức thăm dò sức chịu đựng

Thương chiến Mỹ-Trung 2.0 mới ở mức thăm dò sức chịu đựng
8 ngày trướcBài gốc
Mục tiêu thực sự của chính quyền Mỹ
Là đối thủ kinh tế lớn nhất nhưng cũng là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, Trung Quốc hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Tổng thống Trump vừa quyết định nâng thuế lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc và có hiệu lực ngay lập tức. Ông Trump cũng quyết định hoãn áp thuế với tất cả các nước trừ Trung Quốc trong vòng 90 ngày đồng thời giảm mức thuế đối ứng cho các nước xuống 10% trong thời gian này.
Ông Trump cho biết nhiều nước đã liên lạc với chính quyền của ông để đàm phán và không trả đũa các biện pháp thuế quan của Mỹ và đó chính là lý do ông quyết định hoãn áp thuế. Với quyết định tiếp tục tăng thuế đối với Trung Quốc, có thể thấy ông Trump lần này rất quyết liệt, không nhượng bộ và sẵn sàng leo thang, điều đó cũng dễ hiểu khi ông Trump từng nhiều lần gọi tên Trung Quốc trong các thông báo về thuế quan và thâm hụt thương mại.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và việc xử lý vấn đề thương mại, thuế quan với Trung Quốc và buộc nước này nhượng bộ sẽ là một thành công và là tấm gương cho mọi đối tác thương mại khác của Mỹ. Có thể thấy rằng ông Trump cũng đang áp dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt khi vừa có các biện pháp cứng rắn nhưng cũng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán. Ông Trump từng khẳng định bóng đang nằm trong sân của Trung Quốc và rằng nước này "rất muốn đạt được thỏa thuận, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu".
Ông Trump cũng gợi ý rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng một cú điện thoại. Đối với Trung Quốc, ông Trump kết hợp áp lực tối đa với những lời mời gọi đàm phán bất ngờ, như từng đề xuất cắt giảm thuế nếu Bắc Kinh nhượng bộ về TikTok. Tuy nhiên, việc tăng thuế lên 84% cùng một loạt các biện pháp trả đũa khác bao gồm hạn chế đất hiếm cho thấy Trung Quốc sẵn sàng "ăn miếng trả miếng", đồng thời tận dụng các đòn bẩy kinh tế khác như kiểm soát nguyên liệu chiến lược.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế (Ảnh: Reuters)
Khả năng leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc này là rất cao và về phía Mỹ, ông Trump có thể tiếp tục tăng thuế hoặc áp dụng các biện pháp phi thuế quan như cấm vận công nghệ. Tuy nhiên, cả hai bên đều đối mặt rủi ro: Mỹ có thể rơi vào suy thoái do giá cả tăng vọt, còn Trung Quốc có thể mất thị trường xuất khẩu lớn nhất, ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2025.
Cuộc chiến thương mại này không chỉ là cuộc đấu giữa hai nền kinh tế. Ông Trump muốn định hình lại trật tự thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ, trong khi Trung Quốc quyết bảo vệ vị thế của mình. Kết cục phụ thuộc vào việc bên nào sẵn sàng nhượng bộ trước, nhưng với những diễn biến hiện tại, điều này còn xa vời.
Trung Quốc đáp trả như thế nào?
Có thể nói, so với những phản ứng trước đây của Trung Quốc trước các đòn áp thuế của Mỹ, quyết tâm và cường độ của đợt trả đũa lần nay là cao, nhanh và mạnh nhất kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018. Trung Quốc đang cho thế giới thấy mình đã chuẩn bị rất kỹ và sẵn sàng quyết đấu với Mỹ, thậm chí nếu cần có thể tách rời, thay vì chấp nhận xuống nước và để Mỹ “tự tung tự tác”.
Điều này đã được thể hiện qua bình luận đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc khi Thủ tướng Lý Cường ngày 8/4 tuyên bố trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, rằng chính sách vĩ mô của Trung Quốc năm nay đã tính đến đầy đủ các yếu tố bất ổn, nước này “có đủ các công cụ chính sách dự trữ, hoàn toàn có khả năng chống lại các tác động bất lợi từ bên ngoài”.
Nhiều bài viết trên truyền thông chính thống Trung Quốc cũng khẳng định, sau cuộc thương chiến đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Trump, Bắc Kinh đã có nhiều bước tiến về tự chủ công nghệ và công nghiệp, điều chỉnh thị trường nội địa và hệ thống tài chính.
Trong bài xã luận hôm 7/4, Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định thuế quan của Mỹ sẽ gây tác động lớn đến nước này, song không phải thảm họa “trời sập”. Từ sau cuộc thương chiến lần thứ nhất vào năm 2017, dù Mỹ gây sức ép thế nào, Trung Quốc vẫn phát triển và tiến bộ, thể hiện sự kiên cường “càng bị ép, càng mạnh hơn”.
Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia nhận định, các cuộc thảo luận chính sách tại Trung Quốc hiện nay tập trung vào hai kịch bản, gồm thế giới đang bước vào giai đoạn phân tách thành các khối đối đầu nhau, hoặc chuyển tiếp sang kỷ nguyên toàn cầu hóa mà không có sự tham gia của Mỹ.
Với việc đẩy mạnh đối thoại kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ, cũng như với Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây, dường như Trung Quốc đang hướng nhiều hơn tới kịch bản thứ hai.
Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc ủng hộ quan điểm cho rằng, khủng hoảng thương mại toàn cầu là cơ hội để Trung Quốc khẳng định vị thế của mình. Theo họ, Trung Quốc đang phát đi thông điệp quan trọng đến thế giới về việc không thể nhân nhượng, vì càng nhượng bộ càng bị ép thêm.
Đến nay vẫn chưa rõ ngoài những biệp pháp đáp trả thời gian qua, như đánh thuế bổ sung tương đương, kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, đưa các công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy và kiểm soát xuất khẩu, kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)..., Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra những đòn trả đũa nào khác.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Niu Tanqin, một tài khoản WeChat đối ngoại nổi tiếng có quan hệ với Tân Hoa xã, Trung Quốc đã chuẩn bị 6 biện pháp đối phó trước đe dọa tăng thuế của ông Trump, bao gồm tăng mạnh thuế quan đánh vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành và cao lương; cấm nhập khẩu thịt gia cầm của Mỹ; ngừng hợp tác về fentanyl; tiến hành các biện pháp đối phó trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, bao gồm hạn chế sự tham gia của các công ty Mỹ vào hoạt động mua sắm và hạn chế hợp tác kinh doanh như tư vấn pháp lý; giảm thậm chí cấm nhập khẩu phim ảnh Mỹ và điều tra những lợi ích mà các công ty Mỹ đạt được từ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc.
Trong đó, việc Trung Quốc áp thuế đối với dịch vụ thương mại của Mỹ được cho là một động thái quan trọng khi Washington đã có thặng dư thương mại về dịch vụ với Bắc Kinh suốt thời gian dài. Nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp quyết liệt trong lĩnh vực này, sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các công ty Mỹ.
Ngoài ra, trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ kiểm soát xuất khẩu đất hiếm nhẹ, vốn quan trọng đối với thiết bị y tế, xe điện và điện thoại thông minh.
Một chiến thuật khác Bắc Kinh cũng có thể áp dụng theo truyền thông quốc tế là cấm các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và ngăn cản các công ty Trung Quốc tham gia vào kế hoạch phục hồi ngành sản xuất của ông Trump.
Có thể nói, Washington và Bắc Kinh vẫn đang thăm dò giới hạn của nhau. Rõ ràng, dù hai siêu cường có xuống nước hay hướng tới việc đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán hay không, thì việc “ăn miếng trả miếng” về thuế quan đều sẽ khiến cả hai bên phải chịu tổn thất, đồng thời tác động nghiêm trong đến chuỗi cung ứng và thương mại kinh tế toàn cầu.
Rủi ro trước mắt
Các mức thuế quan cao kỷ lục qua lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tạo ra cơn địa chấn đối với kinh tế thế giới và có nguy cơ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khó lường. Cho đến thời điểm hiện nay, mối lo ngại lớn nhất của các tổ chức tài chính, giới đầu tư và phần còn lại của thế giới có thể là câu hỏi, đâu sẽ là đỉnh điểm căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Đối đầu Mỹ-Trung hiện nay không chỉ đơn thuần là cạnh tranh ảnh hưởng, xung đột thương mại mà gần như đã biến thành “chiến tranh toàn diện không khói súng” thực sự khi thiệt hại về kinh tế khó có thể đong đếm. Giới chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ này với các ngôn từ khá nặng nề như “cuộc chiến tranh hạt nhân về kinh tế” nếu không tạm dừng thuế quan, “một cuộc tấn công theo kiểu sử dụng vũ khí hạt nhân và hoạt động kinh doanh toàn cầu” với các nguy cơ về sự sụp đổ của trật tự thế giới về tiền tệ, địa chính trị, thị trường tín dụng, phá sản hàng loạt…
Mặc dù đối đầu Mỹ-Trung về thương mại gia tăng căng thẳng nhưng hai bên vẫn còn phụ thuộc lẫn nhau tương đối chặt chẽ, ví dụ như nhiều tập đoàn lớn của Mỹ vẫn bám trụ tại Trung Quốc, hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hai nước đang trong tình trạng “bên bờ vực chiến tranh”, thăm dò sức chịu đựng lẫn nhau bằng các mức thuế quan không tưởng.
Nếu chỉ áp đặt thuế quan thì hai bên dường như vẫn có cơ hội đàm phán hạ nhiệt căng thẳng. Chiến tranh thương mại thực sự nổ ra, các hệ quả tiêu cực lập tức xuất hiện nếu Chính quyền Tổng thống Trump áp dụng thêm các biện pháp mang tính hủy diệt hơn, ví dụ như loại Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán Swift quốc tế, hủy niêm yết của các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ. Với các hệ lụy nghiêm trọng, có lẽ cả Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc kỹ càng trước khi áp dụng các biện pháp bổ sung trừng phạt lẫn nhau.
Phạm Huân, Bích Thuận/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuong-chien-my-trung-20-moi-o-muc-tham-do-suc-chiu-dung-post1190930.vov