Thương chiến Mỹ - Trung đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu tới bước ngoặt

Thương chiến Mỹ - Trung đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu tới bước ngoặt
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Điều này thể hiện qua hoạt động mua hàng giảm mạnh trong tháng 4 sau một giai đoạn đổ xô tích trữ - theo Chỉ số Biến động chuỗi cung ứng toàn cầu GEP.
“Việc hoãn phần lớn thuế quan đối ứng là một sự giải tỏa lớn đối với các nhà sản xuất ở cả Mỹ và Trung Quốc”, Phó chủ tịch phụ trách tư vấn John Piatek của GEP nói với hãng tin CNBC. “Chỉ số Biến động chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi cho thấy nhu cầu sản xuất ở Trung Quốc đã giảm mạnh, còn các nhà sản xuất ở Mỹ đã ồ ạt tích trữ hàng hóa đầu vào quan trọng để phòng ngừa tác động của thuế quan”.
Tuy nhiên, theo ông Piatek, thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và Trung Quóc sẽ không sớm giải quyết được mối lo của các nhà sản xuất Mỹ về làm thế nào để giảm được các rủi ro liên quan tới Trung Quốc về lâu về dài. “Trong lúc các công ty sản xuất của Mỹ ứng phó để giảm rủi ro và hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bối cảnh thay đổi nhanh chóng và sự bất định đang phủ bóng lên triển vọng của họ, đồng thời đặt ra thách thức đối với đầu tư cơ bản và chuỗi cung ứng của họ”, ông nói.
Chỉ số Biến động chuỗi cung ứng GEP của châu Âu, châu Á, Anh và Bắc Mỹ. Giá trị trên 0 phản ánh chuỗi cung ứng bị kéo căng, dưới 0 thể hiện chuỗi cung ứng ít căng thẳng hơn - Nguồn: GEP/CNBC.
Chỉ số Biến động chuỗi cung ứng toàn cầu GEP theo dõi các yếu tố như điều kiện nhu cầu, mức độ khan hiếm hàng hóa, chi phí vận chuyển, mức tồn kho, và sự ùn ứ của đơn hàng dựa trên khảo sát hàng tháng khoảng 27.000 doanh nghiệp.
“Những ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên của thuế quan đối với các nhà sản xuất trên toàn cầu đã được thể hiện”, ông Piatek phát biểu. Dữ liệu của GEP biến động chuỗi cung ứng nên được xem như một lời cảnh báo về những gì có thể xảy đến nếu việc giảm thuế quan không được kéo dài sau khi kết thúc giai đoạn “đình chiến” 90 ngày và thương chiến leo thang trở lại.
Ông Piatek miêu tả tốc độ các công ty ở Bắc Mỹ ồ ạt tích trữ hàng hóa trong tháng 4 là “đáng lo ngại”. Ngoài ra, “những dấu hiệu đầu tiên của việc các nhà sản xuất kỳ vọng nhu cầu giảm và khan hiếm nguồn cung cũng tăng lên”, thể hiện qua hoạt động mua hàng của các nhà sản xuất châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023.
Chỉ số tích trữ hàng hóa của châu Âu, châu Á, Anh và Bắc Mỹ. Giá trị trên 0 phản ánh chuỗi cung ứng bị kéo căng, dưới 0 thể hiện chuỗi cung ứng ít căng thẳng hơn - Nguồn: GEP/CNBC.
Một điểm sáng bù đắp lại sự suy giảm sản xuất ở châu Á và châu Á là khu vực châu Âu - nơi thời kỳ suy thoái của sản xuất công nghiệp đã khép lại.
Ở Anh - quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ - hoạt động sản xuất yếu đi nhiều, thể hiện qua hoạt động của các nhà cung ứng giảm xuống mức gần thấp kỷ lục theo số liệu của 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, công suất chuỗi cung ứng ở Đức và Pháp - vốn không được sử dụng hết trong vòng 1 năm qua - đã bắt đầu cho thấy sự tăng trưởng. Ông Piatek thận trọng nói rằng sự tăng trưởng này có thể đảo ngược nếu điều kiện thương mại toàn cầu xấu đi.
Dữ liệu của GEP cũng cho thấy sự gia tăng của công suất dôi dư trong các chuỗi cung ứng ở châu Á trong tháng 4, nhất là ở Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.
Chỉ số nhu cầu đầu vào của châu Âu, châu Á, Anh và Bắc Mỹ. Giá trị trên 0 phản ánh chuỗi cung ứng bị kéo căng, dưới 0 thể hiện chuỗi cung ứng ít căng thẳng hơn - Nguồn: GEP/CNBC.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC gần đây, CEO Stephen Edwards của cảng Virginia, Mỹ nói rằng nếu tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng phụ thuộc vào Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu, hải cảng này ở vào một vị thế tốt để phục vụ cho sự tăng trưởng đó.
“Sự tăng trưởng nhanh nhất của chúng tôi trong 4 năm qua đến từ tiểu lục địa Ấn Độ, tiếp theo là Việt Nam và châu Âu”, ông Edwards nói. Trái lại, trong 4 năm qua, lượng hàng hóa từ Trung Quốc cập cảng Virginia không tăng trưởng.
“Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Nhưng nếu chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển khỏi Trung Quốc theo thời gian, cho dù môi trường thương mại mới có ra sao, thì đó là một cơ hội cho chúng tôi. Vẫn chưa có nhiều thỏa thuận thương mại được ký kết, nhưng tôi cho rằng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ giảm, và với Đông Nam Á và châu Âu sẽ tăng. Chúng tôi nghĩ là mình ở vào một vị thế tương đối thuận lợi”, ông Edwards nói thêm.
Bình Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/thuong-chien-my-trung-day-chuoi-cung-ung-toan-cau-toi-buoc-ngoat.htm