Áp lực thuế chưa từng có
Đầu tháng 4/2025, chính quyền Mỹ chính thức ban hành gói thuế đối ứng mới, trong đó Trung Quốc tiếp tục là “tâm điểm”. Sáng nay, Mỹ tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Quốc lên 125%. Đây là mức thuế cao kỷ lục, được xem là bước leo thang mạnh mẽ nhất kể từ sau thương chiến năm 2018.
Mục tiêu của Washington không chỉ là cân bằng cán cân thương mại, mà còn nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc, hiện vẫn đóng vai trò “công xưởng toàn cầu” trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong một thế giới sản xuất đan xen, ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở Trung Quốc. Hàng loạt doanh nghiệp ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vốn đang là điểm trung chuyển, gia công hoặc nhập linh kiện từ Trung Quốc, cũng đang bị ảnh hưởng gián tiếp và ngày càng rõ rệt.
Doanh nghiệp Việt giữa dòng chảy đứt gãy
Với nhiều doanh nghiệp Việt, Trung Quốc là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng, từ nguyên vật liệu dệt may, linh kiện điện tử, phụ tùng cơ khí đến bao bì, thiết bị hỗ trợ sản xuất.
Doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ nhưng dùng nguyên liệu Trung Quốc, dù chỉ ở một khâu nhỏ cũng có thể rơi vào vòng “nghi ngờ”, dẫn đến rủi ro kiểm tra, trì hoãn thông quan, hoặc tệ hơn là bị loại khỏi đơn hàng. Rủi ro truy xuất nguồn gốc, điều tra phòng vệ thương mại từ Mỹ cũng đang hiện hữu.
Sau thương chiến 2018, nhiều doanh nghiệp Việt đã thảo luận về chiến lược “Trung Quốc +1”, tức giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách mở rộng nguồn cung, chuyển một phần sản xuất sang ASEAN, Ấn Độ hoặc nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, chiến lược này phần lớn vẫn chỉ nằm trên giấy. Nguyên nhân bao gồm: thiếu nguồn cung thay thế chất lượng, giá tốt như Trung Quốc; hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trong nước còn yếu; chi phí đầu tư thay đổi chuỗi cung ứng quá lớn so với lợi ích ngắn hạn; và tư duy “cầm chừng” của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, không sẵn sàng đầu tư dài hạn cho nội địa hóa.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam từng cho biết đang đẩy mạnh liên kết với các nhà cung cấp trong nước và khối ASEAN để thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng, bởi hệ sinh thái phụ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đủ sâu để thay thế hoàn toàn nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi có quy mô sản xuất, giá thành và năng suất vượt trội.
Vấn đề không chỉ là né Trung Quốc, mà là chứng minh được sản phẩm không có yếu tố Trung Quốc để vượt rào thuế Mỹ. Đây là bài toán hóc búa đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới vốn quen gia công, chưa kiểm soát được toàn bộ chuỗi giá trị.
Ứng phó với phòng vệ thương mại
Thực tế cho thấy, Việt Nam từng bị Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế khi hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất sang Mỹ. Từ năm 2019-2023, một số ngành như thép, gỗ công nghiệp, nhôm… đã bị áp thuế phòng vệ do nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp.
Hiện nay, với chính sách kiểm soát gắt gao từ Mỹ, nguy cơ bị áp dụng cơ chế kiểm tra gắt hơn, kéo dài thời gian thông quan, hoặc bị đưa vào diện giám sát đặc biệt là hoàn toàn có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không chuẩn bị kỹ.
Do đó, vai trò của các tổ chức thương mại, hiệp hội ngành hàng, và đặc biệt là Bộ Công Thương trở nên vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ xuất xứ và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Trước những thách thức chưa từng có tiền lệ, doanh nghiệp Việt cần hành động quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn. Cụ thể: Cần đánh giá lại toàn bộ chuỗi cung ứng, xác định các điểm phụ thuộc vào Trung Quốc, chủ động tìm nguồn thay thế và xây dựng kịch bản dự phòng. Chứng minh tính minh bạch, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, số hóa quy trình sản xuất, lưu trữ dữ liệu chứng minh xuất xứ. Tăng cường hợp tác và liên kết chuỗi nội địa, cùng các doanh nghiệp trong nước phát triển nguyên liệu đầu vào.
Trong dài hạn, cần đầu tư vào năng lực sản xuất - công nghệ - nhân lực, để không chỉ “né đòn thuế” mà còn vươn lên làm chủ chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị sản phẩm Việt.
Thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỗi biến động thuế quan hay rào cản kỹ thuật đều là phép thử cho năng lực thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh ấy, điều doanh nghiệp cần không chỉ là né tránh, mà là tiến lên một nấc thang mới về quản trị, minh bạch, và chủ động định vị mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu làm được điều đó, Việt Nam không chỉ “tránh bão” thành công, mà còn biến thách thức thành cơ hội, trở thành trung tâm sản xuất tin cậy, bản lĩnh và đẳng cấp trong mắt các thương hiệu toàn cầu.
AV