Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC 2025 diễn ra trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động lớn. (Nguồn: Bangkok Post)
Thành lập năm 1997, BIMSTEC là tổ chức khu vực gồm bảy nước thành viên là Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và Bhutan. Cuộc gặp trực tiếp lần đây nhất của lãnh đạo các nước BIMSTEC là Thượng đỉnh lần thứ tư tại Nepal năm 2018.
Thượng đỉnh lần thứ năm, do Sri Lanka đăng cai, diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/3/2022. Chủ tịch BIMSTEC Thái Lan dự kiến tổ chức Thượng đỉnh lần thứ sáu từ ngày 3-4/9/2024 nhưng do nội bộ chưa ổn định nên đã phải hoãn lại.
Tâm điểm ở Bangkok
Với chủ đề “Thịnh vượng, kiên cường và cởi mở”, hội nghị lần này xem xét tiến độ hợp tác giữa các thành viên BIMSTEC trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thành lập khu vực thương mại tự do, kết nối giao thông, hợp tác năng lượng, an ninh và quốc phòng, phòng chống thiên tai và ứng phó đại dịch… Các lãnh đạo sẽ thảo luận cách thức để truyền động lực cho hợp tác và định hướng tương lai theo Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Thượng đỉnh 2025 dự kiến thông qua Tầm nhìn BIMSTEC Bangkok 2030, một lộ trình chiến lược với các mục tiêu dài hạn về hợp tác kinh tế, tính bền vững của môi trường, an ninh khu vực và ra Tuyên bố chung theo nguyên tắc đồng thuận.
Bên lề Thượng đỉnh còn có nhiều hoạt động song phương quan trọng. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi sau khi cựu Thủ tướng Sheikh Hasina bị lật đổ ngày 5/8/2024 và tị nạn ở Ấn Độ. Sau Hội nghị, Thủ tướng Modi thăm Thái Lan và Sri Lanka từ ngày 4-6/4. Các hoạt động này khẳng định cam kết của New Delhi với chính sách Láng giềng trước tiên và Hành động hướng Đông.
Thủ tướng nước chủ nhà Paetongtarn Shinawatra đón người đồng cấp Narendra Modi lần thứ ba thăm Thái Lan, ngày 3/4. (Nguồn: X)
Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli cũng thăm song phương Thái Lan dịp này. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thủ tướng Nepal tới đất nước nụ cười trong lịch sử 65 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Oli có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà, gặp gỡ doanh nghiệp, dự kiến ký kết một số thỏa thuận về du lịch và văn hóa.
Đối với Thủ tướng Sri Lanka Harini Amarasuriya, chuyến thăm Thái Lan là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng 11/2024. Bên cạnh đó, việc Thái Lan mời người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing tham dự hội nghị cũng là động thái gây chú ý. Theo Bangkok Post, điều này một phần do BIMSTEC không có quy định cấm tham dự của đại diện chính quyền quân sự Myanmar.
Nhiều kỳ vọng
Các nước BIMSTEC có tiềm năng to lớn trong hợp tác khu vực. Sự gần gũi về mặt địa lý và các mối quan hệ lịch sử của các quốc gia BIMSTEC tạo ra một nền tảng độc đáo cho sự hợp tác, kết nối Nam Á và Đông Nam Á. Khu vực này có hơn 1,7 tỷ người và tổng GDP là 4,7 nghìn tỷ USD. Các quốc gia thành viên đứng đầu một số sản phẩm và dịch vụ toàn cầu như hàng may mặc (Bangladesh), cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (Ấn Độ), dịch vụ hàng hải (Sri Lanka), hàng tiêu dùng (Thái Lan), năng lượng (Nepal và Bhutan), tạo cơ hội lớn cho chuỗi giá trị khu vực.
Do vậy, nhiều kỳ vọng đã được đặt vào Thượng đỉnh BIMSTEC lần này, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, với thuế quan, các biện pháp phi thuế quan và các hạn chế thương mại ngày càng trở nên phổ biến, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và thực hiện hàng loạt biện pháp áp thuế nhập khẩu, đe dọa chiến tranh thương mại trên toàn cầu, cùng với cạnh trạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị cũng có thể bị lu mờ bởi trận động đất tàn khốc gần đây ở nước láng giềng Myanmar.
Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC lần thứ 6 khởi động với Phiên họp thứ 25 các quan chức cấp cao BIMSTEC tại Bangkok, ngày 2/4. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Thái Lan)
Trong khi đó, bản thân tiến trình hội nhập của BIMSTEC còn hạn chế. Tổ chức 27 năm tuổi này bị cho là vẫn còn thiếu cam kết chính trị từ lãnh đạo các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự và dành ưu tiên cho các hoạt động của nhóm. BIMSTEC vẫn trì hoãn việc thể chế hóa mặc dù đã thông qua Hiến chương chính thức năm 2022. Kết nối và thương mại được cải thiện, song thương mại nội khối vẫn hạn chế, năm 2023 mới đạt 53,49 tỷ USD. Các nước thành viên đã ký thỏa thuận khung năm 2004, khối còn gặp khó khăn trong việc đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện do bất đồng về danh sách mặt hàng nhạy cảm, sự miễn cưỡng mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và các vấn đề phi thuế quan.
Thay vào đó, các quốc gia thành viên ký kết riêng lẻ nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, dẫn đến các thỏa thuận thương mại bị phân mảnh. Ngoài ra, các kế hoạch kết nối vẫn chưa được triển khai trên thực tế. Ban thư ký BIMSTEC tại Dhaka cũng không có đủ nguồn tài chính để hoạt động, làm hạn chế khả năng thực hiện các dự án cũng như thu hút nhân sự có tay nghề, ảnh hưởng đến hiệu quả chung, cản trở việc vận động, tiếp cận và truyền đạt các mục tiêu của BIMSTEC...
Tóm lại, BIMSTEC có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Vịnh Bengal. Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC 6 sẽ cho thấy mức độ quyết tâm và cam kết cũng như các sáng kiến và sự linh hoạt của các nhà lãnh đạo tổ chức này có đủ để vượt qua những thách thức toàn cầu và khu vực nhằm mở rộng quy mô hội nhập khu vực Vịnh Bengal lên một cấp độ cao hơn từ nay tới 2030.
------------------
* Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ và Sri Lanka.
TS. Tôn Sinh Thành*