Thượng đỉnh BRICS ở Nga: Bàn loạt vấn đề nóng

Thượng đỉnh BRICS ở Nga: Bàn loạt vấn đề nóng
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 22-10, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 16 chính thức khai mạc tại TP Kazan (Nga) và kéo dài tới ngày 24-10. Hội nghị năm nay sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nhóm và quốc tế, tập trung vào việc tăng cường chủ nghĩa đa phương nhằm đạt được sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng.
Bàn nhiều vấn đề
Theo Nga, trong nhiệm kỳ chủ tịch BRICS năm nay, Moscow sẽ ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác trên ba lĩnh vực chính: chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, và quan hệ văn hóa và nhân đạo, theo đài CGTN.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc vào ngày 22-10 tại TP Kazan (Nga). Ảnh: brics-russia2024.ru
Ông Yury Ushakov - người phát ngôn của tổng thống Nga - cho biết tình hình các cuộc xung đột cấp bách hiện nay trên thế giới, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, sẽ được thảo luận tại phiên đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh BRICS vào ngày 22-10.
Trong khi đó, đài Russia Today đưa tin rằng làn sóng mở rộng tiếp theo của BRICS sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Tổng thống Putin cho biết có ít nhất 34 quốc gia bày tỏ sự mong muốn gia nhập BRICS như Malaysia, Thái Lan, Nigeria, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ,.. Điều này chứng minh sức hấp dẫn độc đáo của BRICS đối với các quốc gia trên khắp các châu lục khác nhau, đặc biệt là các quốc gia Nam bán cầu., đồng thời cho thấy sức hấp dẫn từ các cơ hội phát triển mà BRICS có thể mang lại cũng như bản chất bao trùm và cởi mở của nhóm này.
Các chuyên gia tin rằng việc thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị kinh tế và chính trị toàn cầu sẽ là ưu tiên hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh. Ông Vương Hữu Minh - nhà nghiên cứu tại Viện Các nước đang phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - nói với CGTN rằng vì đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng, nên có thể sẽ có các cuộc thảo luận về cách thức tích hợp hiệu quả các thành viên mới vào khuôn khổ BRICS và liệu có nên thay đổi cơ chế mở rộng trong tương lai hay không.
Ông Vương cho rằng các chủ đề như thúc đẩy việc thành lập hệ thống thanh toán BRICS, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác năng lượng, bảo vệ chuỗi cung ứng và thúc đẩy hợp tác khoa học cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh. Ngoài các vấn đề trên, hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng sẽ tăng cường quản trị quốc tế và tìm kiếm tiếng nói lớn hơn của các quốc gia đang phát triển trong các vấn đề toàn cầu.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ thượng đỉnh BRICS, Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng lần thứ tư sẽ diễn ra với chủ đề “Nam bán cầu: cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự hội nghị theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 là hội nghị đầu tiên dành cho các quốc gia thành viên mới của nhóm. BRICS thành lập năm 2006, bao gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga. Nam Phi gia nhập nhóm năm 2011. Tháng 1-2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã trở thành thành viên mới của BRICS.
Ý nghĩa lớn đối với thế giới
Trước thềm thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Putin đã tổ chức họp báo với các phương tiện truyền thông của BRICS hôm 18-10. Ông Putin cho hay ông tin chắc rằng BRICS có triển vọng ổn định và đáng tin cậy, vì các bên tham gia thống nhất với nhau dựa trên các giá trị chung
Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc vào ngày 22-10 tại TP Kazan (Nga). Ảnh: brics-russia2024.ru
"Tổ chức này có triển vọng tốt, ổn định và đáng tin cậy. Tôi xin nhắc lại một lần nữa: sự tự tin của tôi dựa trên thực tế là chúng tôi thực sự có những giá trị chung, sự hiểu biết chung về cách xây dựng mối quan hệ với nhau” - ông Putin nhấn mạnh. Theo đó, lãnh đạo Nga cho hay BRICS sẽ phát triển trên một nền tảng vững chắc và chính nền tảng này sẽ là “yếu tố thiết yếu của trật tự thế giới mới - đa cực, đáng tin cậy về mặt an ninh và phát triển cho tất cả các dân tộc tham gia vào tổ chức này".
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga - bà Valentina Matviyenko nhấn mạnh rằng thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sẽ là sự kiện quan trọng quyết định tiến trình lịch sử tiếp theo và đó là quá trình khách quan và không thể đảo ngược, theo hãng thông tấn TASS. “Tôi tin rằng vào năm 2024, sự phát triển của nhân loại sẽ được thiết lập tại Kazan. Ba ngày của hội nghị thượng đỉnh BRICS và các cuộc đàm phán của các nhà lãnh đạo thế giới tại CH Tatarstan sẽ có ảnh hưởng quyết định đến tương lai của chúng ta” - bà Matviyenko nói.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Cuba tại Liên Hợp Quốc - ông Ernesto Soberon Guzman nói rằng BRICS đang trở thành một giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính quốc tế, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). “BRICS đóng vai trò quan trọng trong trật tự kinh tế quốc tế, tạo ra sự cân bằng giữa các cường quốc lớn không phải lúc nào cũng hoạt động vì lợi ích của các nước đang phát triển. Các nước BRICS có lợi ích chung và khả năng to lớn cho thương mại nước ngoài” - ông Guzman lưu ý.
Đại sứ Iran tại Trung Quốc Mohsen Bakhtiar nhấn mạnh BRICS là một tổ chức rất quan trọng cam kết thúc đẩy chương trình nghị sự của Nam bán cầu. “Cơ chế này đã trở thành một trong những cơ chế đa phương lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới về mặt dân số, quy mô kinh tế và diện tích. [BRICS] cam kết thúc đẩy sự phát triển của Nam toàn cầu. Trên thực tế, các cơ chế và thể chế quốc tế hiện tại không thể tạo ra điều kiện tốt cho sự phát triển của Nam toàn cầu” - ông Bakhtiar cho hay.
Tổng thống Brazil hủy dự thượng đỉnh BRICS
Ngày 20-10, Văn phòng tổng thống Brazil thông báo Tổng thống Inacio Lula da Silva đã hủy chuyến công du Nga để dự hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 vì vấn đề sức khỏe, nhưng sẽ tham gia trực tuyến, theo TASS.
Theo cổng thông tin Metropoles của Brazil, ông Lula da Silva đã gặp tai nạn tại nhà và bị đập vào sau đầu. Nhà lãnh đạo Brazil sau đó đã được đưa đến bệnh viện nhưng bác sĩ “khuyến cáo ông không nên thực hiện các chuyến bay dài”.
Do đó, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira sẽ dẫn đầu đoàn cấp cao của Brazil dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.
THẾ VINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/thuong-dinh-brics-o-nga-ban-loat-van-de-nong-post815896.html