Tổ hợp dệt 29-3 ngày khánh thành năm 1976.
Danh dự của công thương gia sau ngày giải phóng
Trong căn phòng truyền thống, ông Chính mân mê những bức ảnh đen trắng, những dòng lưu niệm của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi về thăm công ty. Ông như đang tua chậm quá trình hình thành, phát triển, những giai đoạn cực thịnh cũng như tận cùng gian khó của “gia đình” mà ông gắn bó gần như cả cuộc đời.
Tháng 7-1975, phát biểu tại hội nghị đầu tiên của Ban Quân quản và công thương gia TP Đà Nẵng, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh vừa động viên vừa “khích tướng” đội ngũ công thương gia yêu nước. Rằng Đà Nẵng lớn như thế này nhưng từ cây tăm xỉa răng đến cái khăn lau mặt cũng phải mua từ TPHCM. Làm thế nào đó công thương gia yêu nước phải biến 8 chữ vàng trong kháng chiến “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” thành “Trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa” mà hình thành cho được những cơ sở sản xuất để tạo công ăn việc làm cho dân.
Trăn trở của lãnh đạo cũng là trăn trở của đội ngũ công thương gia. Ông Chính và ông Hà Ngọc Thông được cử khăn gói vào TPHCM “du học” ngành dệt. Dấu chân hai chàng trai xứ Quảng len lỏi nào ngã tư Bảy Hiền, Chợ Lớn xem những người Quảng Nam, người Hoa dệt như thế nào để học hỏi. Nhưng… Thời điểm này các cơ sở sản xuất tư nhân gần như không còn hoạt động, nhà máy, xí nghiệp đứng im thì không biết học cái gì. Cái khó ló cái khôn, từ học nghề hai thanh niên chuyển sang ý định đưa những cỗ máy dệt về Đà Nẵng. “Bí mật kinh doanh nên dù máy móc không còn hoạt động, họ cũng quyết giữ nghề. Tôi đánh bạo hỏi nếu chúng tôi mua lại máy, rồi thuê các ông về Đà Nẵng chuyển giao công nghệ, hợp tác làm ăn có được không? Lúc đầu họ không tin nhưng thấy mình chân thành nên sau cũng nhảy xe về cùng”. Thế là những cỗ máy cồng kềnh được chuyển về Đà Nẵng, quy chế hoạt động, điều lệ của một tổ hợp dệt được xây dựng.
“Đẻ con” đã khó, đặt tên cũng rất kỳ công, bàn ra tính vào đủ cả. Nhưng cuối cùng tất cả nhất trí lấy cái tên 29-3! “Vậy là đúng một năm sau ngày giải phóng thành phố, tổ hợp dệt 29-3 chính thức ra đời với khoảng 50 công nhân đầu tiền”, ông Chính nhớ lại.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (giữa) và lãnh đạo TP Đà Nẵng chúc mừng năm mới, động viên Nhà máy Dệt may 29-3 sản xuất kinh doanh.
Từng ôm công nhân khóc vì nhà máy “chết lâm sàng”
Những sản phẩm dệt đầu tiên vừa tung ra thị trường thì tổ hợp dệt 29-3 “đói” nguyên liệu. Ra Bắc xin mua thì vướng cơ chế vì lúc này chỉ có 3 thành phần kinh tế là quốc doanh, công tư hợp doanh hoặc hợp tác xã mới được cấp mua. Đến năm 1978 công ty bắt đầu giai đoạn mới với hình thức công tư hợp doanh sau một cuộc đấu tranh căng thẳng và phức tạp. Nhưng cuộc “cách mạng” lớn của Dệt may 29-3 là cái mốc 30-4-1984, Xí nghiệp công tư hợp doanh Dệt 29-3 chính thức lên quốc doanh, trở thành Nhà máy Dệt 29-3. Đây cũng là thời điểm chiếc khăn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu và cũng là thời điểm đánh dấu một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Đà Nẵng tổ chức sản xuất 3 ca, 4 kíp.
Dệt may 29-3 cũng là đơn vị đầu tiên đổi mới cơ chế. Sau 1986, Dệt may 29-3 được chọn làm thí điểm thực hiện quyết định 217 của Chính phủ, hạch toán kinh tế một cách đầy đủ, tự chủ trong sản xuất kinh doanh, thị trường ổn định, ăn nên làm ra, người lao động có việc làm và tạo ra nhiều đóng góp cho Đà Nẵng.
Đùng một cái, Liên Xô sụp đổ kéo theo các nước Đông Âu khiến 29-3 rơi vào khủng hoảng, hoạt động sản xuất kinh doanh gần như đứng bánh vì hơn 50% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường truyền thống này. “Nguồn tiêu thụ bị cắt đứt, cả công ty như chết lâm sàng, buộc phải cắt giảm lao động, công nhân thất nghiệp ôm nhau khóc. Vừa xót xa, vừa bế tắc vô cùng”, ông Chính bùi ngùi nhớ lại.
Ông Huỳnh Văn Chính bên những dòng lưu niệm của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi về thăm công ty.
Cả bộ máy lãnh đạo bao đêm thao thức ngồi lại tìm giải pháp và đi đến quyết định ra “tâm thư” kêu gọi cán bộ, công nhân viên tham gia góp vốn để “chơi lớn”. “Góp gió thành bão”, với hơn 500 triệu đồng, một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó, một số chuyền may, thiết bị quan trọng được đưa về, còn con người được đưa vào TPHCM vừa “tu nghiệp” vừa tìm kiếm, mở rộng thị trường. “Tái ông thất mã”, mặt bằng có được từ việc giải phóng hơn 2.000 ngôi mộ để tiếp nhận dự án viện trợ của Liên Xô thất bại nằm bất động trước đó được công ty “gọi vốn” bằng việc đàm phán với một doanh nghiệp may của Đài Loan để cho thuê với giá 100.000 USD/năm…
Sau những giọt nước mắt xót xa, có lúc ngỡ đã rơi vào tận cùng của bế tắc, cuối cùng 29-3 cũng đã đứng vững và phát triển bằng sức mạnh của sự đồng thuận, những nước đi linh hoạt và táo bạo.
Phát triển bền vững giữa thành phố môi trường
Sau những năm 2000, sự tăng trưởng của Dệt may 29-3 bắt đầu đặt ra thách thức về bài toán môi trường. Cơ sở sản xuất của 29-3 tại 478 Điện Biên Phủ trở thành điểm nóng trong các cuộc họp HĐND. Cái khổ tâm của ông Chính là một vai chủ doanh nghiệp, vai còn lại là đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội… May mắn thay, đến 2003 tại một kỳ họp Quốc hội, ông Chính tiếp cận Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nghĩa- Chủ tịch Sài Gòn Co.op khi ấy cũng là đại biểu Quốc hội khóa XI với ông. Hai bên thảo luận hợp tác để cho ra đời Trung tâm thương mại siêu thị Co.opMart bây giờ. Vậy là giải được lời hứa với dân, là khi Dệt may 29-3 dời đi sẽ để lại cho bà con trên mảnh đất đó một siêu thị lớn.
Nhưng cơ sở hiện tại mà Dệt may 29-3 đang tọa lạc cũng tiếp tục xung đột với tiêu chí “thành phố môi trường”. Cái làm nên thương hiệu của 29-3 là dệt, là chiếc khăn bông, nhưng đây cũng là cái ảnh hưởng đến môi trường lớn nhất. “Nếu xác định bỏ khăn bông thì 29-3 coi như mất đủ thứ, từ sản phẩm linh hồn, sản phẩm quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao, uy tín xuất khẩu, đứa con tinh thần, niềm tự hào… Ray rứt lắm. Nhưng nếu không chịu đau thì không thể xây dựng nhà máy xanh trong lòng thành phố môi trường được. Sau nhiều trăn trở đành phải hy sinh!”, ông Chính cũng như Tổng Giám đốc Phạm Thị Xuân Nguyệt, người đã gần 45 năm sát cánh cùng ông Chính, vẫn còn tiếc nuối khi chấm dứt sứ mệnh của chiếc khăn bông vang bóng một thời để đổi lấy “nhà máy xanh”.
Nhà máy Dệt may 29-3 xây dựng văn hóa doanh nghiệp đồng hành cùng sự phát triển của Đà Nẵng.
Ngay cả trong bối cảnh đà tăng trưởng có chựng lại thì 29-3 vẫn chung thủy với slogan “Công ty chúng ta không lớn nhất nhưng quyết tâm phấn đấu trở thành một trong những đơn vị có uy tín nhất”. Uy tín với cộng đồng, với thành phố, với khách hàng và uy tín trong cam kết “đi cùng nhau”. Ở tuổi xấp xỉ 50, Dệt may 29-3 đã định hình văn hóa doanh nghiệp để công nhân có môi trường làm việc tốt, phúc lợi tốt, thu nhập tốt. Khi số hóa mạnh mẽ, AI xâm nhập vào đời sống sản xuất thì không thể không gia nhập đường đua, nhưng phải làm sao khi bước vào cổng công ty công nhân cũng có một gia đình, một tổ ấm. Thế mới có những cán bộ, những công nhân 2-3 thế hệ làm ở đây. “Hội đồng sáng lập bây giờ chỉ còn một mình tôi. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, tất cả anh em đều dốc cạn bầu nhiệt huyết với mong muốn góp phần phát triển kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh. Tôi đã hứa với lòng mình không nản lòng vượt qua những đắng cay thách thức để giữ vững thương hiệu 29-3 mà tôi đã cùng với các anh chị ấy đặt tên”.
“Đã tình nguyện một kiếp tằm/ Khó khăn vẫn phải góp phần nhả tơ”, ông Chính ví lãnh đạo, cán bộ công nhân viên tâm huyết với Dệt may 29-3 và cả bản thân mình như những con tằm miệt mài nhả tơ.
C.K