Gia tăng giá trị sản phẩm
Chè kho Đại Đồng của huyện Thạch Thất từ lâu được biết đến là món quà quê dân dã. Thức quà được nhiều người chọn mua để biếu, tặng người thân, bạn bè vào mỗi dịp lễ Tết, Xuân về. Chủ cơ sở sản xuất chè kho Bằng An (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) Kiều Thị Kim Khánh cho biết, đơn vị luôn lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí quan trọng nhất, bởi vậy quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chất lượng chè kho của cơ sở sản xuất Bằng An càng được khẳng định khi gia đình tham gia Chương trình OCOP và được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt 3 sao. Qua đây, lượng sản phẩm tiêu thụ tăng gấp 2 - 3 lần.
Thương hiệu OCOP giúp sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Lâm Nguyễn
Bao đời nay, người dân làng nghề ướp trà sen Quảng An (quận Tây Hồ) luôn tự hào khi tạo ra loại trà ướp sen tao nhã, tinh khiết, từng được tiến Vua. Hiện nay, hàng chục hộ dân ở làng Quảng An vẫn gìn giữ cái nghề không chỉ để mưu sinh mà còn là cả một nét văn hóa - nghệ thuật. Trưởng ban đại diện Hội làng nghề truyền thống ướp trà sen Quảng An Lưu Thị Hiền cho biết, với chất lượng được khẳng định, 2 sản phẩm của hội làng nghề đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 4 sao. “Việc các sản phẩm trà ướp sen Quảng An được công nhận OCOP mở ra những cơ hội mới cho hội làng nghề, nhất là trong việc tiếp cận thị trường và kết nối các tour tuyến du lịch văn hóa nhằm gia tăng giá trị kinh tế - xã hội…” - bà Lưu Thị Hiền nói thêm.
Nổi tiếng trăm năm, làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm Dương Liễu (huyện Hoài Đức) được biết đến như là “thủ phủ” của các loại miến. Chủ cơ sở sản xuất miến xưa Minh Huệ (thôn Gia, xã Dương Liễu) Phí Đình Huệ chia sẻ, nghề làm miến được gia đình gìn giữ đã qua nhiều thế hệ. Miến xưa được sản xuất theo phương thức truyền thống với 100% nguyên liệu từ củ dong riềng; đặc biệt là không sử dụng chất tẩy trắng, phẩm màu, phụ gia và chất bảo quản. Nhờ tiêu chuẩn chất lượng tốt, miến xưa Minh Huệ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, được thị trường đón nhận tích cực, giúp sản lượng tiêu thụ tăng hơn 30%.
Vẫn còn không ít khó khăn
Có thể khẳng định, thương hiệu OCOP đã góp phần mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm của các làng nghề, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Ở chiều ngược lại, sự phát của các làng nghề cũng tạo ra nguồn sản phẩm OCOP dồi dào, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho thấy, từ năm 2021 đến nay, TP đã công nhận được thêm 38 làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề truyền thống, đưa tổng số làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề truyền thống được công nhận lên con số 337.
Sự phát triển của các làng nghề giúp tạo ra 761 trong tổng số 3.317 tổng sản phẩm OCOP của TP Hà Nội (bằng khoảng 23%). Không chỉ vậy, sản phẩm OCOP của các làng nghề được đánh giá rất cao nhờ đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm tại các làng nghề: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông), Vân Hà (huyện Đông Anh), Minh Khai (huyện Hoài Đức)… có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Thông qua triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển kinh tế nông thôn, các làng nghề đã có sự tăng trưởng về doanh thu qua từng năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, đồng thời tạo ra nhiều việc làm giúp nâng cao thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn...
Dù vậy, khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với làng nghề chưa phải đã hết. Hội trưởng Hội làng nghề thêu Cổ Chất (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chương cho biết, làng nghề hiện còn khoảng 40 hộ, hiện có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm dù đa dạng nhưng vẫn thiếu đột phá về thiết kế, mẫu mã. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm chưa được chú trọng, chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề nhìn chung còn khó khăn…
Nghệ nhân Vũ Văn Ca (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) chia sẻ, sự phát triển của các làng nghề khảm trai đã và đang mang lại những giá trị rất lớn trên khía cạnh kinh tế - xã hội. Dù vậy, các hộ sản xuất làng nghề hiện vẫn đối diện nhiều khó khăn, nhất là trong khâu quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. “Dù có tới 7 thôn làng có nghề nhưng hiện nay xã Chuyên Mỹ vẫn chưa có điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn để quảng bá sản phẩm đến với du khách thập phương. Cũng bởi vậy, các tour tuyến đưa khách đến tham quan, mua sắm tại làng nghề này hiện cũng rất hạn chế” - Nghệ nhân Vũ Văn Ca nói thêm.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP gắn với các làng nghề, hai nhiệm vụ đặt ra cho Hà Nội là cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề; đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để thúc đẩy phát triển làng nghề, TP xác định 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Ưu tiên số 1 là xây dựng và thực hiện chính sách; tiếp đến là áp dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại. “Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn Hà Nội…” - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tại các làng nghề, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, trong hai năm 2023 - 2024, TP đã phát triển được 16 Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Dự kiến trong năm 2025, TP sẽ công nhận thêm 5 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; đưa tổng số Trung tâm thiết kế sáng tạo được phát triển thành 21 trung tâm. Qua đó, tạo điều kiện để thúc đẩy đổi mới sản phẩm OCOP.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ thể tại các làng nghề đổi mới mẫu mã, thiết kế sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, gới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP từ các làng nghề Hà Nội.
Thị trường trong nước có dư địa rất lớn cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Hà Nội; song thị hiếu tiêu dùng cũng ngày một khắt khe hơn và người dân có rất nhiều lựa chọn. Do đó, để có thể khai thác được thị trường trong nước, trước khi nghĩ đến con đường xuất khẩu, các chủ thể tại các làng nghề cần tập trung chuẩn hóa sản phẩm OCOP thông qua cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Minh Tiến
Tùng Nguyễn