Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo

Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo
7 giờ trướcBài gốc
Sáng 16/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2025 với chủ đề: "Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo".
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập. Những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.
Theo Brand Finance – tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới, tăng một bậc so với năm 2023. Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đã kiên định theo đuổi.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia. Với các giá trị cốt lõi: chất lượng – đổi mới sáng tạo – năng lực tiên phong, chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.
Đại diện các đơn vị trong nước và quốc tế ấn nút chính thức khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia VIệt Nam năm 2025. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
"Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh - sạch - thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Chia sẻ thêm về chủ đề Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025: “Bứt phá từ đổi mới sáng tạo", ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, trải qua hơn 20 năm với sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số hiệu quả nhất định.
Ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Đầu tiên là về nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã được nâng cao rõ rệt. Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp quan tâm đến chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của chương trình tăng đều qua các năm. Năm 2024, kỳ xét chọn lần thứ 9 đã có 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng hơn 6 lần so với năm 2008, là năm đầu tiên tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, có sự góp mặt của 23 thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng 15% so với năm 2023. Đáng lưu ý, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, số lượng thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm tới 8 vị trí dẫn đầu, giá trị chiếm tới 88,8%.
Thành quả tiếp theo có thể kể đến là nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance) và đứng ở vị trí 241.
Cũng theo Brand Finance, Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Điều này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.
Thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD, bước đầu đánh đấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.
Bên cạnh đó là thành quả về giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Theo Brand Finance Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%.
Đến năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Brand Finance định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023 dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
"Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp với các nguồn lực trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với nền tảng đã được xây dựng và định hướng rõ ràng, chương trình sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên hành trình hội nhập, khẳng định vị thế “Thương hiệu Việt Nam – chất lượng, đổi mới, tiên phong” trên trường quốc tế," ông Hoàng Minh Chiến khẳng định
Cũng tại lễ khai mạc, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức Tọa đàm: “Đổi mới sáng tạo - Động lực bứt phá thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Theo đó, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu quốc gia, đồng thời đưa ra giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ Việt Nam.
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Phân tích về vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, ông Nguyễn Việt An – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Cục Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) lấy dẫn chứng về Bát Tràng như một mô hình tiêu biểu cho việc gắn kết giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo trong phát triển thương hiệu làng nghề.
"Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống lâu đời mà còn đặc biệt ở cách làm thương hiệu. Hàng trăm doanh nghiệp cùng hoạt động tại đây nhưng đều lấy Bát Tràng làm “thương hiệu chung”, vừa cạnh tranh vừa hỗ trợ nhau, cùng xây dựng hệ sinh thái sáng tạo với các tổ chức chuyên nghiệp đứng sau. Đặc biệt, Bát Tràng không cạnh tranh bằng giá cả hay sản lượng, mà chọn lối đi tinh xảo, đậm bản sắc, tạo nên giá trị bền vững và khác biệt. Khi biết tận dụng lợi thế riêng, kết hợp với đổi mới sáng tạo, làm thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp, làng nghề truyền thống Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra toàn cầu". Ông Nguyễn Việt An cho biết.
Theo ông Nguyễn Việt An, doanh nghiệp cần tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác từ các đối tác toàn cầu, cả về nguồn lực, tầm nhìn và cơ hội. Hiện nay, không gian hợp tác toàn cầu đang rất rộng mở. Việt Nam là đối tác tốt của nhiều quốc gia, có nhiều cơ hội đến từ các thị trường khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp cần có sự chủ động khi lựa chọn công nghệ, sản phẩm, mô hình phù hợp, thay vì bị cuốn theo dòng chảy biến động của thị trường.
Trình bày kinh nghiệm thực tế về đổi mới sáng tạo trong xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành Marketing, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) bày tỏ, nhờ đổi mới sáng tạo Vinamilk đã vươn lên thành thương hiệu sữa số 6 trên thế giới. Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu hôm nay không đảm bảo vẫn là nhà vô địch trong tương lai, chưa kể đến cách thách thức trong bối cảnh mới. Vì vậy, Vinamilk đã tái khẳng định là một thương hiệu uy tín, luôn đổi mới sáng tạo. Vinamilk không chỉ đơn thuần giữ vững thương hiệu, mà luôn làm mới mình để khách hàng cảm nhận rõ sự tiến bộ, đẳng cấp quốc tế nhưng vẫn với mức giá hợp lý.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-but-pha-tu-doi-moi-sang-tao/370292.html