Thương hiệu Thành phố Sáng tạo Việt Nam

Thương hiệu Thành phố Sáng tạo Việt Nam
một ngày trướcBài gốc
Việc tham gia UCCN có tác động rất tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của cả nước nói chung, các thành phố nói riêng và hướng đến mục đích thúc đẩy sự hợp tác hài hòa giữa các thành phố, nhìn nhận sáng tạo và đổi mới là những yếu tố then chốt để hướng tới phát triển đô thị bền vững và bao trùm. Sau Hà Nội, Hội An và Đà Lạt, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hạ Long, Đà Nẵng và Vũng Tàu.
Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng thành phố sáng tạo
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), UCCN được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy "nguồn lực văn hóa" và "sáng tạo văn hóa" làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian, Thiết kế, Điện ảnh, Ẩm thực, Văn học, Nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và Âm nhạc.
Hiện nay, thế giới đã có hơn 350 thành phố của hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: Đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.
"Đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế" - PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là hình thành được 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước là: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Từ đó đến nay, trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn nhưng cũng có rất nhiều chuyển biến tích cực, tính kết nối quốc tế đã có sự cởi mở hơn. Đặc biệt, thông qua quá trình hội nhập quốc tế, những người làm nghiên cứu, những người làm hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu và đề xuất đưa Hà Nội tham gia vào UCCN. Đến năm 2019, chúng ta đã thành công khi đưa Hà Nội gia nhập Mạng lưới này. Từ đó, thành phố sáng tạo đã trở thành một từ khóa được mọi người tìm hiểu, được các địa phương quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để vươn tới.
Đề án xây dựng mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong UCCN do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đề ra một lộ trình cho một số thành phố Việt Nam lần lượt nộp hồ sơ gia nhập UCCN trong giai đoạn 2023-2030. Tháng 10/2023, thành phố Đà Lạt và thành phố Hội An đã được công nhận là thành viên chính thức của UCCN tại hai lĩnh vực Âm nhạc và Thủ công và Nghệ thuật dân gian, theo đúng lộ trình của Đề án.
Từ một chiến lược chúng ta đặt ra, cho đến ngày hôm nay đã thực hiện vượt chỉ tiêu khi có 3 thành phố đã được gia nhập UCCN. Điều đó thể hiện sự chuyển động mạnh mẽ hơn của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tính kết nối với khu vực và toàn cầu. Đây là một thành công mang tính đột phá của Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng thành phố sáng tạo.
Thành phố sáng tạo là động lực để phát triển kinh tế theo hướng bền vững
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa cho biết: Mục tiêu trở thành thành viên UCCN không chỉ là một danh hiệu mà đó còn là dịp để chính quyền, cộng đồng sáng tạo và người dân địa phương khám phá ra thế mạnh của thành phố, là động lực để tăng cường sinh kế, phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững.
Sau các thành phố Hà Nội, Đà Lạt và Hội An tham gia UCCN, điều đáng mừng là các thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hạ Long, Đà Nẵng, Vũng Tàu... đều đã chủ động, tích cực xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng hồ sơ, thể hiện quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của chính quyền thành phố.
"Việc xây dựng thành phố sáng tạo phải thực hiện cùng với việc duy trì các giá trị văn hóa bản sắc đậm chất truyền thống của mỗi vùng đất" - TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế.
Việc xây dựng thành phố sáng tạo phải thực hiện cùng với việc duy trì các giá trị văn hóa bản sắc đậm chất truyền thống của mỗi vùng đất. Ví dụ như với thành phố Hạ Long có nhiều tiềm năng về văn hóa và sáng tạo, tuy nhiên để tìm ra thế mạnh nổi bật nhất, thành phố cần thời gian để nghiên cứu, đánh giá, hướng tới một tầm nhìn dài hạn.
Hay với thành phố Huế, cần thổi hơi thở của cuộc sống đương đại vào trong di sản để đem lại tài sản với giá trị kinh tế cao. Từ đó đem đến sản phẩm du lịch mới, phát triển dịch vụ theo hướng xanh, bền vững. Không chỉ là thành phố dựa trên nền tảng bảo tồn giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, mà còn là một thành phố sáng tạo, đổi mới, thông minh theo hướng phát triển bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và gắn liền với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, các thành phố cần lưu ý khi xây dựng và hoàn thiện hồ sơ gia nhập UCCN cũng như quá trình tham vấn phải có sự tham gia của tất cả bên liên quan, đặc biệt là đại diện của cộng đồng sáng tạo và người dân địa phương; hướng tiếp cận phải bao trùm hướng tới cả các đối tượng dễ bị tổn thương; cam kết lâu dài và bố trí đủ nguồn lực về tài chính, nhân lực; tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế với các thành phố trong cùng UCCN.
Hồng Hà
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/thuong-hieu-thanh-pho-sang-tao-viet-nam-20250125131354612.htm