Thương hiệu Việt Nam - câu chuyện về một dân tộc vươn mình

Thương hiệu Việt Nam - câu chuyện về một dân tộc vươn mình
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 30/4 năm nay, Việt Nam kỷ niệm tròn 50 năm đất nước thống nhất (1975-2025). Nhân dịp này, Tri thức - Znews trò chuyện cùng ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh. Ở tuổi 77, bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn giữ phong thái điềm đạm, sắc sảo khi chia sẻ về hành trình đối ngoại của đất nước hơn nửa thế kỷ, về câu chuyện thương hiệu Việt Nam trong tâm thức quốc tế, cũng như những trăn trở cho tương lai phát triển của đất nước.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh: Hoàng Vũ.
Từ nhà giáo đến nhà ngoại giao
- Bà từng chia sẻ cơ duyên từ một giảng viên Đại học Sorbonne Paris sau đó trở về, cống hiến cho ngoại giao nước nhà. Trong bước chuyển đó, có yếu tố nào khiến bà đi đến quyết định không một chút băn khoăn, hay nói dễ hiểu là giúp bà tìm thấy lẽ sống của mình?
- Tôi đến với hành trình đối ngoại từ những năm đất nước còn chia cắt. Khi đó, tôi đang là sinh viên ở Pháp, học ngành Ngữ văn Anh và sau này giảng dạy Anh văn, Văn học Anh tại Đại học Sorbonne, Paris. Phải đặt vào bối cảnh châu Âu những năm 1960 để hiểu được hành trình ấy. Thập niên 60 là thời kỳ phong trào giải phóng dân tộc nổi lên khắp thế giới. Tinh thần đòi độc lập dân tộc rất sâu đậm, từ châu Phi, châu Á cho tới Mỹ Latinh. Thế giới lên án chế độ Apartheid ở Nam Phi, phong trào đòi quyền tự quyết của nhân dân Palestine cũng dâng cao.
Trong bối cảnh đó, phong trào phản đối chiến tranh Mỹ ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, không chỉ ở Pháp mà còn ở các nước Bắc Âu, Đức, thậm chí ngay trong lòng nước Mỹ, đâu đâu cũng vang vọng tiếng nói vì Việt Nam.
Ấn tượng sâu sắc với phong thái đĩnh đạc, chính trực và trình độ ngoại giao của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong tôi nảy nở một niềm tin sâu sắc: Việt Nam có thể đàng hoàng bước ra thế giới.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Khi hai phái đoàn Việt Nam (phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đến Paris để đàm phán, không khí quốc tế rất bất lợi cho Mỹ và thuận lợi cho Việt Nam. Đặc biệt, phái đoàn miền Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu đã gây ấn tượng nổi bật.
- Cụ thể, bà Nguyễn Thị Bình đã để lại ấn tượng ra sao?
- Lúc đó, phe chống Việt Nam cố tình bôi nhọ, khắc họa hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam như những người nông dân quê mùa. Họ tưởng tượng ra một phái đoàn "cục mịch", thô kệch.
Nhưng khi bà Bình xuất hiện - một phụ nữ nhỏ nhắn, giản dị, nhưng tự tin, không trang điểm cầu kỳ, không dùng túi xách hàng hiệu, nói tiếng Pháp lưu loát, phong thái đài các - thì tất cả đã ngỡ ngàng. Xuất thân từ một gia đình trí thức, bà Bình thể hiện sự chững chạc và trí tuệ vượt trội. Báo chí quốc tế khi ấy đã phải thừa nhận sự khác biệt ấy. Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời còn nổi bật vì có đến bốn phụ nữ, trong khi các phái đoàn còn lại toàn là nam giới.
Thời ấy, tôi tham gia phong trào sinh viên, trí thức Việt Nam yêu nước tại Pháp, hàng ngày theo dõi sát sao các hoạt động của hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ấn tượng sâu sắc với phong thái đĩnh đạc, chính trực và trình độ ngoại giao của họ, nhất là phái đoàn miền Nam, trong tôi nảy nở một niềm tin sâu sắc: Việt Nam có thể đàng hoàng bước ra thế giới. Từ đó mà tôi bắt đầu quan tâm, gắn bó với hoạt động đối ngoại. Bên cạnh đó, tại hội sinh viên, tôi đảm nhận mảng quốc tế vì vốn ngoại ngữ tốt.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quốc hội thăm Mỹ và gặp gỡ Hạ Nghị sĩ George Miller năm 2003 (ảnh trái). Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cùng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Bỉ trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và EU năm 2002. Ảnh: NVCC.
- Vậy, đâu là cột mốc đưa bà từ giảng đường đến mặt trận đối ngoại?
- Năm 1972, tôi trở về Sài Gòn, giảng dạy tại Đại học Sư phạm. Đến năm 1978, tôi tham gia Đoàn thanh niên Việt Nam dự Liên hoan Thanh niên, Sinh viên Thế giới tổ chức tại LaHabana, Cuba. Trên chuyến bay đến Cuba, tôi gặp lại ông Xuân Thủy, Trưởng phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Một năm sau, ông đề nghị tôi ra miền Bắc tham gia mặt trận đối ngoại.
Ban đầu tôi còn do dự: cuộc sống miền Bắc khi ấy còn rất mới lạ với tôi. Nhưng ông thuyết phục: "Cô làm giáo dục tốt, nhưng người làm giáo dục tốt thì không thiếu. Tuy nhiên một người từng sống hàng chục năm ở phương Tây, hiểu văn hóa, phong tục, tư duy phương Tây như cô thì hiện tại miền Bắc đang rất cần". Cuối cùng tôi quyết định nhận lời, chuyển ra Bắc. Đó là bước ngoặt lớn đời tôi: từ giáo dục rẽ sang ngoại giao.
- Công tác trong lĩnh vực ngoại giao ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau đã giúp gì cho bà với tư cách là một nhà ngoại giao?
- Nhìn lại, tôi thấy mình đã kinh qua cả bốn kênh đối ngoại: Đối ngoại Đảng (1978-1983): Theo dõi, thúc đẩy quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng quốc tế; Đối ngoại Nhà nước: làm việc tại Bộ Ngoại giao chuyên trách về ngoại giao đa phương và từng giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (1995-2000);
Đối ngoại Nghị viện: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI (2002-2007); Đối ngoại Nhân dân: Từ 2015, làm Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, tiếp tục tiếp khách quốc tế, làm việc với các tổ chức quần chúng nhân dân, các hội đoàn các nước.
Chính nhờ trải nghiệm đầy đủ các kênh này, tôi có một cái nhìn phong phú, đa chiều về công việc đối ngoại của đất nước.
- Bà có một nguyên tắc nhất quán nào cho hành trình ngoại giao đó?
- Kim chỉ nam của tôi luôn là: Dù vận động như thế nào, mục tiêu lớn nhất vẫn phải là độc lập chủ quyền, hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Có những lúc, chiến thuật ngắn hạn phải điều chỉnh linh hoạt, nhưng chiến lược và mục tiêu tối thượng thì không bao giờ được quên.
Ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh khác nhau, ta phải biết dung hòa giữa khách quan (tình hình thế giới, khu vực, song phương) và chủ quan (điều kiện đất nước). Kim chỉ nam như sợi chỉ đỏ trong thân mình nhưng theo từng thách thức và giai đoạn cụ thể phải cân nhắc và chọn lựa phương án khả thi; hoặc nếu chưa thấy khả thi thì hạ quyết tâm để biến nó thành khả thi.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, xây dựng thương hiệu quốc gia là một yêu cầu thiết yếu khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Ảnh: Hoàng Vũ.
Sức mạnh mềm của Việt Nam
- Ngoại giao đã đóng góp thế nào cho hành trình giành độc lập, tự do, hòa bình của Việt Nam?
- Hiệp định Paris là một chiến thắng ngoại giao bằng sức mạnh mềm. Và trong những năm sau đó, Việt Nam đã biết "tiến công chính trị" hiệu quả: biểu tình, vận động dư luận quốc tế, không chỉ đánh bằng súng đạn. Mặt trận ngoại giao đã cùng các mặt trận khác đưa đến chiến thắng chung cuộc cho cách mạng.
- Vậy còn sau khi hòa bình lập lại, ngoại giao đã thúc đẩy hành trình hội nhập quốc tế như thế nào?
- Sau ngày thống nhất, chúng ta gặp không ít khó khăn, trong số đó bao gồm việc bị cấm vận, có lúc bị hiểu sai. Nếu từ năm 1975 đến 1995, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đang chủ yếu ở thế cầm cự và ứng phó, thì từ 1995 trở đi, Việt Nam đã chủ động từng bước tháo gỡ các "nút thắt", mở cửa, hội nhập. Ba cột mốc trọng đại gỡ được thế khó khăn của chúng ta là: Đổi mới từ Đại hội VI năm 1986, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN năm 1995.
Chỉ hai năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997 - hội nghị quốc tế đa phương đầu tiên do Việt Nam đăng cai. Tôi vinh dự là một trong những người phụ trách chính.
Thêm gần 30 năm trôi qua, giờ đây vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã thay đổi ngoạn mục. Đó là thành quả chung của phát triển kinh tế - ngoại giao, hai trục sức mạnh rắn - mềm bổ trợ cho nhau. Giờ đây, nguyên thủ nhiều nước đến thăm Việt Nam song phương, chứ không nhất thiết phải nhân dịp hội nghị đa phương, có lẽ họ cho rằng Việt Nam là nước đáng để họ tìm hiểu thêm. Dĩ nhiên còn có cơ hội đầu tư buôn bán, hợp tác thương mại, nhưng ở góc nhìn của tôi, cái ban đầu chính là vì câu chuyện phát triển thành công (success story) của Việt Nam.
Nhìn lại hành trình 50 năm từ ngày thống nhất, Việt Nam ta đã luôn biết thích nghi và tranh thủ khi cơ hội đến với mình, đồng thời tự tạo môi trường vươn lên, được công nhận rộng rãi hơn với tư cách một thành viên tích cực có trách nhiệm, đáng tin cậy trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, rồi trên thế giới, kể cả tại Liên hợp quốc.
Kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới
- Nhiều năm nay bà tâm huyết với việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo bà, đâu sẽ là điều cốt lõi của thương hiệu đó?
- Việt Nam ta tự hào khi được thế giới biết đến với cà phê đặc sắc, gạo ngon, với nền ẩm thực lành mạnh, phong phú. Tuy nhiên, tôi nghĩ những điều ấy chỉ như mảnh ghép nhỏ trong bức tranh thương hiệu Việt Nam, chứ không thể là trọng tâm, càng không thể là toàn bộ thương hiệu đất nước.
Thương hiệu Việt Nam phải lấy cốt lõi là câu chuyện của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, là hành trình kiên cường vượt qua thử thách trong hàng nghìn năm lịch sử, để hội nhập và phát triển như hôm nay của một dân tộc.
Câu chuyện ấy phải cho thấy được Việt Nam đã thành công không chỉ trong những giai đoạn bảo vệ đất nước, mà còn cả công cuộc kiến tạo hòa bình và phát triển.
- Thế giới có đang giữ định kiến nào về Việt Nam mà chúng ta cần "can thiệp" để góc nhìn của họ khác đi?
Tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam là một dân tộc không bao giờ bỏ cuộc, của những con người kiên định, tự tin và duyên dáng, biết dung hòa và vươn lên, với triết lý sống hướng đến hạnh phúc.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
- Nhiều thập kỷ qua, "Vietnam War" (Chiến tranh Việt Nam) như cách quốc tế gọi cuộc chiến giành lại độc lập, tự do của nhân dân ta, đã trở thành một "nhãn hiệu" quen thuộc qua điện ảnh, sách báo. Bây giờ có lẽ hiểu biết của thế giới nói chung về ta đã cải thiện, đã khác trước.
Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên ký ức năm 1980 cùng bà Nguyễn Thị Bình đi dự Hội nghị Phụ nữ Thế giới ở Kenya. Khi đó, vẫn có người hỏi: "Ở Việt Nam còn chiến tranh không?" Câu chuyện này chắc cũng không còn mới, và từng có nhiều phiên bản rồi, thậm chí đến nay vẫn có người nhầm lẫn như vậy.
Tôi nghĩ định vị thương hiệu Việt Nam hôm nay là cho họ thấy câu chuyện của chúng ta, câu chuyện lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế… toàn diện lấy con người làm trung tâm. Như cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai từng nói: "Việt Nam là tên một đất nước, một dân tộc chứ không chỉ là tên một cuộc chiến". Nếu một ngày viết sách về Việt Nam, tôi sẽ mở đầu bằng câu ấy.
Tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam là một dân tộc không bao giờ bỏ cuộc, của những con người kiên định, tự tin và duyên dáng, biết dung hòa và vươn lên, với triết lý sống hướng đến hạnh phúc. Chữ ấy có trong tiêu ngữ của chúng ta. Chúng ta giành lấy độc lập tự do, chúng ta kiên quyết bảo vệ nền hòa bình của mình, cũng là để hạnh phúc.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tại Diễn đàn Thời khắc Việt năm 2024.
- Đâu là những trăn trở hiện nay của bà về tương lai Việt Nam?
- Tôi luôn tâm niệm con người là vốn quý nhất của Việt Nam. Do đó, trong kỷ nguyên vươn mình mà chúng ta đang bước vào, hai trăn trở lớn của tôi là nguồn nhân lực chất lượng cao và già hóa dân số.
Nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đón tiếp các tập đoàn kinh doanh - sản xuất công nghệ cao, cả kỳ vọng thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm tài chính của khu vực và sau này là cả quốc tế. Tất cả đều đòi hỏi nguồn nhân lực cao. Mà thời gian không cho phép kéo dài: Thời cơ đến ta phải khẩn trương.
Một câu chuyện dài hơi hơn, là vấn đề già hóa dân số có thể sẽ đe dọa thành tựu phát triển của ta. Tôi thấy những chính sách về nhà ở xã hội, miễn học phí phổ thông và sắp tới là miễn viện phí toàn dân là những dấu hiệu tích cực giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ. Câu chuyện dân số không thể cứ phó mặc cho lớp trẻ, mà phải có biện pháp hỗ trợ thiết thực, tạo công ăn việc làm và đảm bảo các nhu cầu cuộc sống để người trẻ yên tâm lập gia đình, sinh con. Điều này không thể dừng ở hô hào khẩu hiệu, mà cần chính sách cụ thể, rõ ràng, có lộ trình.
- Vậy theo bà, ngoại giao hay thương hiệu Việt Nam có thể đóng góp gì trong việc xây dựng nguồn "vốn con người" cho đất nước?
- Để thu hút nhân tài, một mặt cần chương trình đào tạo, giáo dục hiệu quả cho nguồn nhân lực trong nước. Mặt khác, ở những vị trí cần người trình độ cao, giỏi, cần có chiến lược thu hút nhân tài mà trong nước còn thiếu nhân sự phù hợp, cần thuê chuyên gia từ nước ngoài về, tại sao lại không ưu tiên người gốc Việt? Nếu được giới thiệu nhân tài đúng nhu cầu của ta thì phải có đãi ngộ hấp dẫn, xứng đáng để mời họ về. Ta sẵn sàng trả hậu cho một anh Tây da trắng, thì không lý gì lại không thể dành điều đó cho một kiều bào trình độ, năng lực tương đương. Chí ít thì cũng phải đủ để bạn đời, con cái không trách móc quyết định trở về của họ.
Để kêu gọi, ta cần tận dụng thời điểm này để quảng bá hình ảnh Việt Nam, môi trường nghiên cứu, phát triển kinh doanh, sản xuất ở Việt Nam hiện nay, xây dựng và lan tỏa tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc. Con người, đặc biệt là người châu Á, thường có khát khao tìm về nguồn cội của mình.
Nếu kể câu chuyện Việt Nam một cách hiệu quả, để kiều bào cảm nhận được bản sắc dân tộc, được tiếng gọi của quê hương, của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thì sẽ khiến họ thôi thúc cảm giác muốn tham gia, đóng góp vào hành trình này. Cùng với chính sách, chế độ phù hợp, vận dụng chiều kích tinh thần, tâm lý, văn hóa đó, có chiến lược truyền thông phù hợp cho những đối tượng khác nhau, tôi tin chúng ta sẽ chiêu mộ được nhân tài.
Tâm Anh
thực hiện
Nguồn Znews : https://znews.vn/thuong-hieu-viet-nam-cau-chuyen-ve-mot-dan-toc-vuon-minh-post1549504.html