Chợ Cầu ở huyện Gio Linh phong phú mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân -Ảnh: D.C
Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gio Linh Trần Hữu Hải cho biết, hơn 5 năm thực hiện đề án, lĩnh vực TM-DV phát triển khá mạnh, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của huyện. Bước đầu hình thành và có xu hướng tăng nhanh các loại hình kinh doanh theo hướng tích cực, văn minh và hiện đại.
Tập trung ưu tiên phát triển đa dạng các loại hình TM-DV có quy mô vừa và nhỏ tại các đô thị, các điểm đông dân cư. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị mini, mạng lưới chợ dân sinh và cửa hàng bán lẻ truyền thống có bước phát triển (hiện có 1 chợ loại II, 10 chợ loại III, 3 siêu thị). Các cụm TM-DV tại trung tâm xã được hình thành, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia.
Đến nay, có 15/15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về lĩnh vực thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Toàn huyện có 5 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể, 9 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hàng hóa, 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP...
Dịch vụ hỗ trợ và ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn từng bước được đẩy mạnh. Dịch vụ vận tải, kho bãi, hậu cần nghề cá có bước phát triển tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người dân.
Toàn huyện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, với tổng công suất 101.590 CV, trong đó, có 168 tàu có chiều dài trên 15 m đánh bắt xa bờ, với công suất 92.192 CV và có thường xuyên 1.589 lao động tham gia đánh bắt; 1 cảng cá loại 3 và 2 cảng cá loại 2; 17 cơ sở sản xuất nước đá; 10 cơ sở cung ứng dầu, 1 cơ sở sửa chữa tàu thuyền, 5 cơ sở sửa chữa máy thủy và một số cơ sở cung ứng nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm phục vụ hậu cần nghề cá...
Hoạt động kinh doanh du lịch, lan tỏa hình ảnh về mảnh đất, con người Gio Linh, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm. Khu dịch vụ du lịch Gio Hải với diện tích 13,8 ha do Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư với số vốn gần 5.800 tỉ đồng.
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đã đầu tư 258 tỉ đồng (nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á) xây dựng cảng du lịch, nâng cấp mở rộng bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang. Dự án mở rộng bãi tắm Cửa Việt do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng mức gần 7 tỉ đồng.
Tiếp tục kêu gọi tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch khu rừng nguyên sinh xã Linh Trường 70 ha; đầm sinh thái An Trung thị trấn Cửa Việt 15 ha; trải nghiệm câu cá tại các hồ đập thủy lợi Hà Thượng, Kinh Môn, Trúc Kinh, Phú Dụng... Tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Đồi 31, hệ thống giếng cổ Gio An... nhằm kết nối các tour du lịch. Đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng điểm du lịch cộng đồng xã Gio An với kinh phí 5,4 tỉ đồng (ngân sách tỉnh 5 tỉ đồng, ngân sách huyện 400 triệu đồng). Công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch được quan tâm đẩy mạnh.
Tích cực tham gia các hội chợ thương mại, lễ hội văn hóa-ẩm thực, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa được khai thác có hiệu quả. Cơ sở lưu trú trên toàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Hiện nay có 36 cơ sở lưu trú (10 khách sạn, 26 nhà nghỉ, có tổng cộng 516 phòng và 860 giường).
Dịch vụ tắm biển nghỉ dưỡng thu hút nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh, trong năm 2024 thu hút khoảng 300 ngàn lượt du khách. Hoạt động bán buôn, bán lẻ phát triển mạnh ở các thị trấn và điểm đông dân cư các xã, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Tạo việc làm từ hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch cho khoảng hơn 1.000 lao động. Năm 2024, cơ cấu ngành TM-DV chiếm 22,55%; khoảng 4.935 cơ sở kinh doanh TM-DV.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển TM-DV đến năm 2025; tập trung phát triển thương mại theo hướng đa dạng hóa các loại hình hoạt động kinh doanh, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ đầu mối, chợ nông thôn, thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Phấn đấu giá trị sản xuất ngành TM-DV năm 2025 tăng 10-11% so với năm 2024. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 112-KH/HU ngày 9/8/2019 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 83-CTHĐ/HU ngày 25/7/2017 thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 16/7/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hoài Diễm Chi