Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng sôi động. Riêng năm 2024, chỉ số TMĐT của tỉnh tăng 6 bậc so với năm 2023, vươn lên vị trí thứ 18/58 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá xếp hạng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, TMĐT ở Việt Nam nói chung, tại Hà Nam nói riêng hiện đang gặp không ít những khó khăn, thách thức như việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng dịch vụ logistics; niềm tin của người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến và nhất là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ TMĐT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT được xác định là một trong 3 mục tiêu chính trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Việc triển khai ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, hợp tác xã hiện nay còn gặp khó khăn do trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu; kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ làm công tác TMĐT còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp có thói quen sử dụng mô hình thương mại truyền thống và chưa nắm bắt được hết lợi ích của TMĐT mang lại nên vẫn chưa mặn mà trong việc đầu tư về công nghệ và nhân lực để triển khai ứng dụng TMĐT. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá bán… nên chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, ngay cả từ phía trung tâm, đội ngũ cán bộ có trình độ công nghệ thông tin, am hiểu về TMĐT cũng còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam.
Người dân quét mã QR Code để thanh toán khi mua sắm hàng thời trang.
Về góc độ của doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Dư, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Minh, doanh nghiệp chuyên kinh doanh, phân phối thiết bị nhà vệ sinh, đồ trang trí nội thất cho biết: Từ nhiều năm trước, Hoàng Anh Minh đã xác định được tầm quan trọng của TMĐT trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, kỳ vọng. Một trong những nguyên dân chính là do chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự chuyên về mảng bán hàng online, tư vấn, chăm sóc khách hàng trực tuyến.
Để phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức tập huấn về TMĐT cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo triển khai hiệu quả việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng, chữ ký số từ xa lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận tiện; chỉ đạo triển khai thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Thời gian qua, các sàn TMĐT của Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel là Postmart.vn, Voso.vn cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT cho trên 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong toàn tỉnh. Các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh các bước, cách thức bán hàng online, livestream bán hàng trên một số nền tảng TMĐT phổ biến; phổ biến kỹ năng, cách thức tiếp cận khách hàng trên livetream và xây dựng chiến lược livestream bán hàng... Sở Công thương phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về TMĐT cho trên 500 người là cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tuyên truyền, khuyến khích các tiểu thương trong chợ hưởng ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với Cục Thuế và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (nhất là hệ thống các cửa hàng tiện lợi) thực hiện thanh toán điện tử. Nhờ đó, phần lớn các đơn vị bán lẻ, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh hiện đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TMĐT, một trong những giải pháp trọng tâm đã và đang được các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh triển khai là tổ chức các hội nghị tập huấn, nâng cao nhận thức về TMĐT cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TMĐT, từ đó làm tốt công tác hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý hoạt động TMĐT của các cơ quan còn hạn chế. Trình độ chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin của cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh TMĐT chưa cao.
Trước những khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực cho phát triển TMĐT, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nam đặt mục tiêu, 100% cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh được tập huấn chuyên sâu về TMĐT; phấn đấu có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT. Đến năm 2030, tỉnh Hà Nam có 60% số xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 60% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động…
Nguyễn Oanh