Đã đến lúc xóa bỏ suy dinh dưỡng và đảm bảo tương lai không ai bị đói. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong khi các quốc gia kém phát triển dễ bị mất an ninh lương thực nhất, ngay cả các quốc gia giàu có hơn cũng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực.
Đơn cử, các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh nhập khẩu 80% - 90% lương thực, trong khi đó, Singapore nhập khẩu 90% và nguồn cung lương thực của Haiti cũng phụ thuộc 50% vào nhập khẩu. Trên toàn cầu, 25% sản lượng lương thực được giao dịch quốc tế.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại thực phẩm toàn cầu
Hiện nay, khoảng 5.000 nghìn tỷ kilocalories được giao dịch mỗi ngày, gấp đôi con số ghi nhận trong năm 2000. Trong 25 năm qua, lượng giao dịch thực phẩm bình quân đầu người hàng ngày đã tăng từ 930 kilocalories lên 1.640 kilocalories. Giá trị của ngành này đã tăng vọt lên 2,3 nghìn tỷ USD, qua đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại thực phẩm trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi thương mại thực phẩm thường được thảo luận dưới góc độ kinh tế, tác động của nó đối với con người là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, làm suy yếu sự phát triển, cũng như làm suy yếu khả năng miễn dịch và làm sức khỏe suy giảm.
Thương mại và dinh dưỡng: Mối liên kết phức tạp
Hội nghị chuyên đề thường niên về nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra vào ngày 9/12/2024 đã nhấn mạnh mối quan hệ thiết yếu giữa thương mại và dinh dưỡng. Sự tham gia của các tổ chức như Liên minh Toàn cầu vì Dinh dưỡng Cải thiện (GAIN) đã nêu bật cách thương mại tăng cường an ninh dinh dưỡng toàn cầu.
Ghi nhận trong năm 2010, thông qua thương mại, sự đa dạng của thực phẩm có sẵn lớn hơn 60% so với sản xuất trong nước; đến năm 2020, con số này tăng lên gần 90%, qua đó tạo ra chế độ ăn uống lành mạnh hơn và kết quả sức khỏe tốt hơn cho người dân trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, gián đoạn thương mại có thể có tác động dây chuyền. Điều này được thể hiện rõ nhất khi xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung dầu hướng dương, dẫn đến giá dầu hướng dương toàn cầu tăng vọt. Bên cạnh đó, do đối mặt với áp lực trong nước, Indonesia đã cắt giảm xuất khẩu dầu cọ, khiến chương trình tăng cường dầu ăn của Bangladesh phải dừng lại. Điều này khiến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng tại đây trở nên trầm trọng hơn.
Trong một diễn biến có liên quan, kết quả nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Nature Food cho thấy, hoạt động thương mại quốc tế đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng như rau, trái cây, đậu và hạt đã giúp giảm 1,4 triệu ca tử vong trên toàn cầu do các bệnh không lây nhiễm.
Tối đa hóa vai trò của thương mại trong dinh dưỡng
Có thể nói rằng, việc điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với mục tiêu sức khỏe là rất quan trọng. Tuy nhiên, thuế quan cao đối với thực phẩm dinh dưỡng và trợ cấp cho các sản phẩm không lành mạnh làm suy yếu các nỗ lực y tế công cộng. Do đó, các chính sách thương mại nên khuyến khích lựa chọn thực phẩm lành mạnh, ngăn chặn tiêu thụ các sản phẩm không tốt cho sức khỏe.
Nhìn chung, tiến trình này đã và đang có tiến triển. Cụ thể, Pakistan đã tiếp tục các chương trình tăng cường dinh dưỡng sau khi giảm thuế nhập khẩu đối với hỗn hợp vitamin và khoáng chất. Nigeria cắt giảm thuế đối với ngô, gạo lứt, lúa mì và đậu đen từ 20% xuống 5% vào năm 2024.
Ngoài ra, Fiji cũng giảm thuế nhập khẩu đối với rau và trái cây để thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Samoa và Tonga áp dụng thuế đối với thịt mỡ và đồ uống có đường để khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh…
Hiệp định WTO về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật và Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại có thể nói là đã trao quyền cho chính phủ các nước đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nhãn cảnh báo và chống thông tin sai lệch. Trong khi đó, Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại cũng hỗ trợ giảm thiểu tổn thất thực phẩm và chất dinh dưỡng bằng cách đẩy nhanh chuỗi cung ứng.
Thương mại là công cụ để xóa bỏ suy dinh dưỡng
Trong số các tổ chức quốc tế, WTO đóng vai trò then chốt trong tiến trình thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm lành mạnh hơn bằng cách giúp các quốc gia thành viên hiểu được tác động của chính sách thương mại đối với dinh dưỡng. Bằng cách tạo điều kiện tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng và điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với mục tiêu y tế toàn cầu, thương mại có thể là một công cụ mạnh mẽ để chống lại tình trạng suy dinh dưỡng.
Dù vậy, vẫn phải nhìn nhận rằng hiện còn tồn tại nhiều rủi ro. Trong đó thương mại không chỉ là về tăng trưởng kinh tế, mà còn là đảm bảo dân số toàn cầu khỏe mạnh và được nuôi dưỡng. Đã đến lúc xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và tạo ra một tương lai không ai bị đói hoặc phải chịu đựng những thiếu hụt có thể phòng ngừa được.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)