Thương mại 2 chiều Việt - Mỹ gần chạm mốc 111 tỷ USD sau 10 tháng của năm 2024, bằng mức thực hiện cả năm 2023.
Thương mại Việt Nam - Mỹ đang tăng trưởng ấn tượng, phục hồi mạnh mẽ sau năm 2023 sụt giảm dưới tác động của kinh tế suy yếu, tiêu dùng xuống thấp.
Trong 10 tháng năm 2024, thương mại Việt - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, bằng với kim ngạch thương mại 2 chiều của cả năm ngoái.
Trong đó, tăng mạnh mẽ hơn cả ở chiều xuất khẩu với kim ngạch gần 98,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%.
Nhiều năm qua, Mỹ luôn giữ ngôi là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt-Mỹ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, với 111,5 tỷ USD.
Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại 2 chiều vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD.
Sang năm 2023 giảm xuống còn 110,8 tỷ USD, (giảm 10,5% so với năm 2022), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022, nhập khẩu từ Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, giảm 4,5%. Thặng dư thương mại với Mỹ đạt 83,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với năm 2022.
Với kết quả đạt được trong 10 tháng, năm nay là năm thứ 4 liên tiếp thương mại giữa hai nước cán mốc trăm tỷ USD.
Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn kỳ vọng, xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn tới đây thuận lợi, bởi đây là thị trường có sức tiêu dùng hàng hóa cực lớn, với hơn 300 triệu dân.
Không ít doanh nghiệp Việt xem Mỹ là thị trường quan trọng hàng đầu, đặc biệt với ngành hàng điện tử, may mặc, giày dép, nội thất và nông thủy sản.
Số liệu thống kê hết tháng 9/2024, có 13 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD.
Ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 17,32 tỷ USD; tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 15,5 tỷ USD; dệt may đứng thứ 3 với hơn 12 tỷ USD.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định: "Triển vọng và tiềm năng hợp tác Việt - Mỹ đang trên đà bứt tốc mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam.Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý trước các chính sách về phòng vệ thương mại, nhất là với một số ngành hàng thuộc diện cảnh báo sớm, cần lưu trữ hồ sơ xuất khẩu...".
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt top đầu, vì thế, đây cũng là thị trường điều tra nhiều nhất với hàng Việt Nam.
Đến nay, Mỹ đã điều tra gần 70 vụ liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, phổ biến nhất là thép, gỗ, sợi, tôm, cá tra, mật ong.
Tại Báo cáo Triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho biết, các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn vừa qua.
Quan trọng hơn, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, thực hiện các trụ cột hợp tác bao phủ nhiều lĩnh vực, là nền tảng để thương mại song phương sớm đạt 200 tỷ USD.
Thế Hải