Thương mại Việt - Mỹ trước sóng gió thuế đối ứng 46%

Thương mại Việt - Mỹ trước sóng gió thuế đối ứng 46%
19 giờ trướcBài gốc
Ngay sau thông tin áp thuế của Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, hàng trăm mã giảm sàn, khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải mức thuế cuối cùng. Chính phủ Việt Nam vẫn còn cơ hội đàm phán để giảm tác động tiêu cực đến xuất khẩu.
Theo CNBC, chính quyền Tổng thống Trump dường như tính thuế theo công thức: Thuế quan = Thâm hụt thương mại song phương / Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó.
Cụ thể, Việt Nam xuất sang Mỹ 136,6 tỷ USD, nhập 13,1 tỷ USD, tạo thâm hụt 123,5 tỷ USD (90% tổng kim ngạch). Mỹ coi đây là mức "thuế" Việt Nam "áp" lên hàng hóa Mỹ, quyết định áp thuế 46% – bằng một nửa mức tính toán.
Thị trường chứng khoán vốn nhạy cảm với thông tin nên đã phản ứng tiêu cực nhất, giảm ngay 87,89 điểm, trong đó có 436 mã giảm sàn kịch biên độ. Hiện tượng trắng bảng bên mua xuất hiện trên diện rộng.
Việc Mỹ áp thuế 46% gây bất ngờ với khá nhiều chuyên gia quốc tế, và cũng gây bất ngờ với chính các doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam. Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ AmCham tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên với mức thuế mà Tổng thống Mỹ đưa ra với Việt Nam là 46%. Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng. Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của thuế quan, nhưng nếu Việt Nam tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhà đầu tư Mỹ sẽ tiếp tục đến Việt Nam để đầu tư, kinh doanh”.
Dự kiến, mức thuế áp lên hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 tới đây. Chính phủ Việt Nam sẽ có thời gian gần một tuần để đàm phán mức thuế cụ thể cho từng ngành hàng. Dự kiến, từ ngày 6/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sẽ thăm và làm việc tại Mỹ.
Ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Việc Mỹ áp thuế như này sẽ vừa ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ, vừa ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Không ai được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Để tránh rủi ro thì Việt Nam cần có chính sách tiền tệ linh hoạt để có thể ứng phó với các tác động từ thị trường”.
Song hành cùng Chính phủ, các ngành nghề xuất khẩu chủ lực sang Mỹ cũng đang lên các kịch bản ứng phó. Đơn cử như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản sẵn sàng để có thể tham gia các cuộc “điều trần” nếu như phía Mỹ yêu cầu chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ - là “quan hệ bổ trợ cho nhau”.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam nêu quan điểm: “Thương mại gỗ của Việt Nam và Mỹ là bổ trợ cho nhau. Không kìm hãm, không gây thiệt hại cho nhau. Mỹ có nhiều gỗ cần bán. Việt Nam đang nhập khẩu nhiều gỗ tròn, gỗ xẻ của Mỹ. Ngược lại, chế biễn gỗ là ngành công nghiệp bị đẩy ra khỏi nước Mỹ. Việt Nam có nhân công lao động chăm chỉ, có nguyên liệu dồi dào, ta chế biến ra nhiều sản phẩm gỗ đáp ứng nhu cầu của giới trung lưu Mỹ. Có chăng chỉ cạnh tranh với các nước thứ ba, chứ không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ”.
Các chuyên gia cũng đề xuất, Việt Nam có thể cam kết mua hàng Mỹ nhiều hơn, đưa ra các thỏa thuận song phương để cân bằng lại cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Bên cạnh đó là tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, giảm tác động tiêu cực vì bị áp thuế quá cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Trần Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/thuong-mai-viet-my-truoc-song-gio-thue-doi-ung-46-319549.htm