Thông tin tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ: Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững diễn ra ngày 15/11 cho thấy, trong những năm qua, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực ASEAN.
PGS, TS. Đào Thanh Trường – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: Trong gần 30 năm, thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.
“Từ năm 1995 - 2023, thương mại song phương đã tăng từ 450 triệu USD lên hơn 100 tỷ USD, bất chấp những thách thức như đại dịch và bất ổn kinh tế toàn cầu” – PGS. TS. Đào Thanh Trường thông tin.
Các chuyên gia trao đổi bên lề Diễn đàn.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đạt gần 88 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77,9 tỷ USD, tăng 24,5%, còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam là 9,8 tỷ USD, tăng 5,3%.
Đặc biệt, Hoa Kỳ lần đầu tiên trở thành thị trường lớn nhất cho nông - lâm - thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.
Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.340 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11,8 tỷ USD. Các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như: Boeing, SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy... đang ngày càng tăng cường sự hiện diện và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khẳng định niềm tin vào tiềm năng của môi trường đầu tư Việt Nam.
Đồng thời, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT, VinFast cũng đang tích cực mở rộng đầu tư vào Hoa Kỳ. Sự kết nối này mang lại lợi ích kinh tế to lớn, mở ra cơ hội hợp tác bền vững và tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), tin rằng vẫn có nhiều thuận lợi để mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Thứ nhất, đó là sự hỗ trợ tích cực trong vấn đề ngoại giao, đây là nền tảng cho sự hợp tác lâu dài của hai quốc gia.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên độc lập. Nước Mỹ cũng coi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn trong số các nước châu Á. Thặng dư thương mại đã có sự tăng trưởng, cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới và thị trường Mỹ.
Đặc biệt, Việt Nam đang tích cực tạo môi trường kinh doanh tin cậy và mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ. Đến nay, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, thể hiện họ tin tưởng vào sự ổn định của môi trường đầu tư và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, trong tương lai, vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, điện tử, sản xuất ô tô, năng lượng sạch, năng lượng xanh, dịch vụ tài chính, đầu tư, hạ tầng, kinh tế số và an ninh mạng… “Đây là những lĩnh vực có thể đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia vào thị trường Mỹ”, ông Tuấn gợi mở.
Chia sẻ tại Diễn đàn, GS. Andreas Hauskrecht của Đại học Indiana, cho rằng động lực chính giúp Việt Nam đạt được những điều này là công cuộc cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường. Cùng với đó, sự kiện bước ngoặt khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam vào năm 1994. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam sẽ khó có thể viết tiếp câu chuyện thành công này nếu không có những sự dịch chuyển vĩ mô mang tính chiến lược. Bởi ông cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế.
GS. Andreas Hauskrecht phân tích và chỉ rõ, Việt Nam có độ mở thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới, dẫn tới sự thiếu ổn định và đặc biệt dễ tổn thương trong một số tình huống.
Về vấn đề thặng dư thương mại lớn với Mỹ, theo ông Andreas Hauskrecht, một nền kinh tế với quy mô như Việt Nam mà có thặng dư thương mại hơn 100 tỷ USD với Mỹ là không bền vững và đặt Việt Nam vào vị thế rất dễ tổn thương với các phản ứng chính sách từ Mỹ.
Ngoài ra, vị giáo sư cho rằng nhân khẩu học – vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam – đang là những con số tốt. Tuy nhiên, dân số Việt Nam dù vẫn tăng nhưng tăng chậm.
TS. Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng nhấn mạnh, một thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện tại là phụ thuộc quá nhiều vào lao động giá rẻ với năng suất thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia.
Việt Nam cũng đang phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Trong khi đó, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển ở mức thấp 0,43% GDP (2021), thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (4,5%) hay Trung Quốc (2,4%). Về đào tạo nhân lực, các trường đại học của Việt Nam thiếu sự kết nối với các ngành công nghệ đổi mới sáng tạo.
Do đó, theo TS. Vũ Hoàng Linh, Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển kỹ năng cho người lao động. Ngoài ra, cần khẩn trương phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với việc tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và công ty vừa và nhỏ. Đây là những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng lao động...
Hồng Hương