Chị về hưu khi tuổi đời chơi vơi quãng giữa năm mươi và sáu chục, sau ba mươi năm mải miết với công việc nuôi quân. Xa bụi than và khói bếp, rau quả và cá thịt, chị đổi khác. Cởi bộ đồng phục bếp núc và cái tạp dề cay nồng mùi gia vị, chị lộng lẫy bất ngờ.
Thành ngữ “dễ như thay áo” rất đúng với chị. Có những bộ đồ chị chỉ xỏ vài lần, bỏ thì tiếc nên cứ dồn lại trong những thùng các tông để trên nóc tủ, chờ sự nuối tiếc nguôi ngoai thì đẩy lên xe rác. Nếu chịu khó đếm thì những khi người giao hàng gọi cửa đưa áo quần hay mỹ phẩm cho chị nhiều hơn những lần giao các nhu yếu phẩm.
Nghe anh bảo “sắm mà không dùng hết, phí”, chị liền vin vào cành cao: “Em mà kể vô. Mấy cô bạn kia tủ quần áo nhiều như shop thời trang”. Chưa vừa lòng, khi soi gương tự sướng với trang phục mới, chị liền nhờ mắt tinh của mấy nữ sinh thuê trọ bên cạnh, hỏi mà cứ như mớm cho kẻ trả lời: “Đẹp không?”.
Ngược với chị, anh không đặt nặng mang mặc. Khi còn tại ngũ, anh là sĩ quan cấp cao, được phát trang phục từ đại lễ đến đồ lót, với số đo chính chủ. Về hưu, anh vẫn đảo qua đảo lại mấy bộ đồ dân sự có niên đại lâu hoắc nhưng vợ không để mắt. Chị bảo “người anh rất khó sắm đồ” rồi kích vào chỗ lởm khởm của “nửa kia” để củng cố nhận định của mình: “Số đo chiều dài của quần và vòng bụng của anh chắc bằng nhau nhỉ?”. Chị cười cười, anh thì như mếu.
Thời vợ chồng quấn quýt cả khi vào bếp đã qua, giờ có khi xa cả trên giường ngủ. Chị làm đẹp hàng đêm, từ bôi kem dưỡng da đến đắp mặt nạ rồi tự dùng máy massage tới khá muộn. Người chị lúc nào cũng thơm như lọ nước hoa mở nắp. Bởi thức khuya nên chị bảo anh ngủ riêng để khỏi phiền đôi bên.
Tầm gần sáng mát trời nào đó, chồng nhón chân qua buồng vợ, khẽ đưa tay ôm thân hình quen thuộc. Chị giật mình, hất tay anh, lặng một lúc rồi cất giọng khó chịu: “Hơi thở anh nặng mùi quá!”. Liền đó, chị xoay mặt, lăn sát vô tường, dựng cách ngăn bằng chiếc gối ôm để giữa. Anh ngồi ngay đơ trong bóng tối rồi lặng lẽ trở ra… Không ít đêm, anh ngần ngừ đứng trước cửa buồng vợ rồi quay ra tủ dép, xỏ giày, đi bộ.
Mùi khó ngửi tiếp tục đẩy vợ chồng xa nhau. Anh về quê (để phụng dưỡng mẹ cha và tranh thủ tăng gia), rồi quay ra phố mang theo cả mùi gắn với ruộng vườn. Có lần anh khệ nệ bê bao rau củ từ cổng vào nhà, chị liền nhăn mặt tránh xa, phẩy tay như đuổi tà: “Anh vừa rải phân bánh dầu, rửa tay không sạch đúng không? Hôi kinh khủng!”. Mặt vui ngời ngời của chồng sau nhiều ngày mới gặp lại vợ bỗng xịu xuống.
Lần khác, nhìn chồng sạm đen sau những ngày đội nắng ở quê, vợ bảo: “Trông anh như nông dân”. Ánh mắt săm soi cùng giọng nói không phải đùa khiến anh chưng hửng, gắt lại: “Em không cần so sánh, anh là gốc nông dân từ kiếp trước”. Anh cúi xuống nhìn đôi bàn tay chai sần, lem nhem mủ rau củ rồi ngước nhìn vẻ dửng dưng của vợ, giọng móc máy: “Em là người thành phố được hai mươi mốt năm rưỡi rồi, nhỉ?”. Chị lẳng lặng bỏ đi.
Từ ngày chị đu đưa cùng nhóm bạn, bữa cơm trong nhà thất thường và thiếu vắng. Hai con đã ra riêng, chỉ vợ chồng nhưng nhiều bữa chỉ có một. Buổi sáng, chị nhảy nhót cùng đám bạn rồi ăn và uống cà phê ở quán, trong khi anh điểm tâm qua loa với cơm nguội hay mì gói. Có lần anh nấu cơm và chờ chị về ăn tối nhưng nhận được vẻ thờ ơ: “Chờ chi, em ăn rồi”.
Khẩu vị anh chị cũng khác. Chị bảo, ăn rau sống có nhiều dưỡng chất, đẹp da nên xơi cả rổ. Nếu hạ cấp ví chị ăn rau như tằm ăn dâu thì con tằm này khá bự, trong khi chị không để ý chồng gắp rau rón rén như để nếm. Anh dè dặt là bởi bụng dạ gần đây dở chứng, nếu thỏa thích rau sống, sẽ té re… như hoa cải.
Anh muốn có bữa liên hoan mời các bạn để mừng “hạ ba lô, giã từ vũ khí”. Chủ trương thì chị đồng ý nhưng cách bố trí lại khác. Theo anh, làm ở nhà vừa ấm cúng, vừa vệ sinh an toàn thực phẩm, lại tiết kiệm. Chẳng chần chừ, chị bảo: “Đưa nhau ra quán đi anh”. Ngó vẻ không thông của chồng, chị nói thêm, sợ đi chợ rồi lúi húi cả buổi, lại thu dọn lúc tàn cuộc. Anh im, kiên trì chờ vợ đổi ý nhưng chị ngó xuống, giọng ái ngại: “Em mới làm móng tay”. Chị sắp đến du lịch cùng đám bạn.
Cái thời ngó xuống đám ruộng hay bếp than đã thành xa xưa, nay chị hay nhìn lên ngay trong đám bạn chơi cùng. “Vợ chồng bà kia đi Trung Quốc ba lần rồi, sắp tới sẽ đi Tây Âu và Bắc Mỹ”. “Bà nọ đi chơi suốt mùa, mặc con gái bận rộn bán mua cùng cửa hàng tạp hóa”. Lại có bà nghỉ hưu, thỏa sức chu du và múa hát, mặc con thuê ô sin trông cháu… Kể về những kẻ ưu tiên “thương mình”, chị không giấu được háo hức, cứ như mong ước vậy.
Chị không để ý sự mang mặc của chồng nhưng em gái của anh thì không. Anh em cùng về thăm cha mẹ ở quê, em cứ đứng nhìn mấy bộ đồ lưu niên của anh trên dây phơi rồi bước lại lật xem cỡ áo và cả những chiếc quần xịp rách ngay “ngã ba nhạy cảm”. Em quay sang anh, bảo: “Áo dễ mua nhưng quần phải tới tiệm may, anh đi với em nhé”. Anh cười xòa: “Cô không phải lo, cứ để anh”. Quay lại nhà, em liền chuyển phát nhanh cho anh năm chiếc áo và chục quần xịp. Nhìn chồng thử áo, vợ khen vừa vặn rồi ngồi lặng, có vẻ thẹn khi thấy chồng được người khác (dù là em gái) quan tâm chăm sóc.
Hôm vợ chồng cùng đi đám cưới con của bạn học, chị thêm một lần xấu hổ. Khi tiệc gần tàn, cả đám bạn đồng môn của cha mẹ chú rể rủ lên sân khấu chụp hình. Chị giật mình thấy ai cũng đồ veston láng bóng, trong khi anh lạc lõng, với áo trắng mới toanh (do em gái bố trí) và quần xanh bạc màu do quân nhu trang bị. Cô bạn đứng gần cúi xuống nhìn chân anh mang dép (thay vì mang giày như tất cả) rồi ghé tai chị: “Đồ bảnh của ảnh đâu”. Chị chưa hết lúng túng thì cô khác hích nhẹ vào vai, cười cười, khen chê kiểu năm mươi, năm mươi: “Vợ như bà hoàng, còn chàng kìa…”. Chị đỏ mặt, cúi xuống.
Ra về, chị giành chạy xe, bởi anh vừa nâng ly tới tấp. Tới chỗ rẽ vào nhà mình, chị đột ngột quay ngược ra đường lớn. Anh ngạc nhiên: “Đi đâu?”. Chị đáp gọn: “Tới tiệm may, may đồ cho anh”. Chồng á lên rồi vỗ nhẹ vai vợ: “Thôi, để mai”. Chị dứt khoát: “May ngay và luôn, không mai mốt chi hết”.
Anh bất chợt đưa tay ôm lấy vợ.
Nguyễn Trọng Hoạt