Được nhiều người hoạt động cùng thời đánh giá cao về tư duy mẫn tiệp và về tinh thần trách nhiệm, ông đã cùng các thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng có nhiều đóng góp trong việc tạo nên các điểm mốc quan trọng gắn liền với công cuộc “Đổi mới” về kinh tế của đất nước. Các đóng góp đó đã tích cực góp phần đưa Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng mạnh mẽ với thế giới. Người Đô Thị xin trân trong giới thiệu bài viết của Chuyên gia Phạm Chi Lan - nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, như một nén hương tưởng nhớ ông.
* * *
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế độc lập.
Tôi gặp anh Trần Đức Nguyên lần đầu tiên vào khoảng giữa những năm 1980, khi anh đang làm việc ở Ban Kinh tế Trung ương, tại một cuộc hội thảo do chúng tôi tổ chức có anh đến dự. Lần gặp đó mở màn cho quan hệ làm việc ngày càng gắn bó giữa anh Nguyên với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nơi tôi làm việc và với cá nhân tôi.
Khi hỏi tôi về VCCI, anh ngạc nhiên và thích thú khi thấy đây là một tổ chức phi chính phủ mà dám xin tự chủ về tài chính từ năm 1983, và từ khi tự chủ thì ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả hơn, với một đội ngũ nhỏ mà tinh nhuệ, làm việc rất chuyên nghiệp. Đặc biệt trong những năm sau này, khi tôi tham gia Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1996), rồi Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng như trong bao hoạt động những năm sau khi Ban giải thể (2006), mấy anh em càng sát cánh bên nhau.
Cho đến nay, nhìn lại cả quãng đời đi học và làm việc, kể cả sau khi nghỉ hưu tới bây giờ, tôi thấy rõ anh Trần Đức Nguyên cùng anh Trần Việt Phương là hai người tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất, giúp tôi trưởng thành nhiều nhất. Các anh Vũ Quốc Tuấn, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Ký ở Ban Nghiên cứu, hay các bác Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc ở IDS... cũng có nhiều ảnh hưởng tới tôi. Đó là những nhà trí thức lớn (tuy bằng cấp chính thức của vài người không cao), với tầm vóc về tư duy và sự hiểu biết, ý chí và khả năng học hỏi, sáng tạo, lòng yêu nước thương dân, tinh thần tận tụy hiến dâng cho Tổ quốc, lối sống trung thực, trong sáng, phong thái khẳng khái, chính trực của họ thực sự là tấm gương lớn đối với tôi.
Trong bài viết này tưởng nhớ anh Trần Đức Nguyên, không thể kể hết mọi điều, tôi chỉ xin ôn lại một số câu chuyện đáng nhớ về anh Trần Đức Nguyên.
Ông Trần Đức Nguyên (bên phải) trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu/Báo Quảng Bình
Chuyến đi Hàn Quốc năm 1990
Giữa năm 1982, Samsung là công ty đầu tiên được chính phủ Hàn Quốc cho phép làm ăn với nước Việt Nam thống nhất, và vài năm sau các công ty lớn khác như Daewoo, LG, Hyundai, Sunkyong... lần lượt vào Việt Nam. Mặt khác, dù quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc chưa hình thành, tận dụng vị thế của một tổ chức phi chính phủ, VCCI đã cùng các công ty Hàn Quốc tổ chức cho một số nhà kinh tế Hàn Quốc từ Đại học Yonsei, từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hàn Quốc(KDI)... vào Việt Nam, vừa tìm hiểu về kinh tế Việt Nam, vừa chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hàn Quốc sau chiến tranh. Anh Trần Đức Nguyên thường rất hào hứng đến dự các cuộc chia sẻ của các học giả Hàn Quốc và nêu nhiều câu hỏi với họ.
Đến đầu năm 1990, khi công cuộc Đổi mới của Việt Nam đã mang lại những kết quả ban đầu, các cuộc trao đổi này được đẩy lên một bước mới. Phía Hàn Quốc và VCCI lên kế hoạch tổ chức một đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc hội thảo giới thiệu về kinh tế và cơ hội đầu tư ở Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức chính thức với qui mô lớn tại thủ đô Seoul. Đây là cơ hội để giới thiệu công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, thúc đẩy hai nước tiến tới thiết lập quan hệ bang giao chính thức, đồng thời là dịp tốt để một số chuyên gia về chiến lược của ta trực tiếp trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc để củng cố, bổ sung cho những ý tưởng mới theo dự thảo Chiến lược phát triển 1991-2000 của mình.
Với tầm quan trọng của cuộc Hội thảo, chúng tôi trình xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và được Phó Thủ tướng chấp thuận. Anh Nguyên lúc đó là Tổ phó Tổ soạn thảo Chiến lược 1991-2000 (tổ trưởng là Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Phan Văn Khải) được cử làm trưởng đoàn cho chuyến đi này, cùng 3 trong 11 thành viên khác của Tổ soạn thảo Chiến lược (các anh Nguyễn Hồng Phong, Lương Xuân Quỳ, Nguyễn Thành Bang).
Ngoài ra đoàn còn có anh Võ Hồng Phúc (Vụ trưởng Vụ Công nghiệp - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), anh Hoàng Văn Huấn (phó vụ trưởng - Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư -SCCI), tôi (lúc đó là Phó Tổng thư ký VCCI) và anh Trần Vũ Hoài (ban Quan hệ Quốc tế VCCI) đi dịch cho đoàn.
Với tôi, cái “lãi” lớn nhất là chuyến đi đã góp phần giúp các nhà chiến lược của ta “mục sở thị” về cách một nền kinh tế thị trường vận hành, và nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của khu vực tư nhân, của việc phải tạo lập môi trường kinh doanh tốt cho khu vực tư nhân, FDI và các doanh nghiệp lớn nhỏ phát triển...
Những ngày chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chuyến đi này đã cho tôi ấn tượng mạnh và sự cảm phục sâu xa đối với anh Trần Đức Nguyên. Tôi đi từ sự ngạc nhiên ban đầu trước sự hiểu biết của anh về kinh tế Việt Nam, với cách nhìn thực tế, thẳng thắn và sắc sảo hiếm thấy trong giới lý luận và quan chức thời đó, đến cách anh hỏi rất thành thật về doanh nghiệp Việt Nam, về so sánh giữa doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh ở Việt Nam với các nước láng giềng và các nước có nền kinh tế thị trường khác, về việc làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển...
Anh cũng hỏi rất nhiều về Hàn Quốc, Nhật Bản, về Đài Loan, Singapore, về cách mà Thái lan, Malaysia vươn lên vượt qua miền Nam Việt Nam về kinh tế sau năm 1975. May mà những năm làm việc ở VCCI giúp tôi có nhiều dịp được gặp, được nghe các thương gia, chuyên gia kinh tế, các nhà ngoại giao và phóng viên trong và ngoài nước, được đọc nhiều tài liệu, thông tin về kinh tế các nước, kể cả về kinh tế miền Nam trước đây, nên có nhiều điều để kể với anh. Tôi mến mộ nhất về cách anh luôn chú ý nghe, thỉnh thoảng chất vấn hoặc hỏi sâu thêm, và nhiều khi rất trầm ngâm suy nghĩ về những vấn đề của kinh tế nước ta, để rồi nói rằng Chiến lược phải làm sâu hơn hoặc rõ hơn điều này điều khác.
Trong những ngày ở Hàn Quốc, anh Nguyên và cả nhóm Chiến lược đã lắng nghe rất nhiều, hỏi thêm phía bạn rất nhiều, rồi cuối mỗi ngày và đặc biệt trên đường về, đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề. Một trong những điều vui nhất là các anh đều bảo: đây là lần đầu tiên các anh đi một nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa, và qua Thái Lan, rồi Hàn Quốc, các anh đã phần nào thấy sự khác biệt giữa một nước đang phát triển và một nước mới công nghiệp hóa, để rồi từ đấy có thể suy ngẫm thêm về con đường phát triển của nước ta.
Các anh cũng nhìn Hàn Quốc với một con mắt khác hẳn, bớt định kiến về Hàn Quốc như một nước độc tài, quân phiệt, mà thấy rõ họ đã vươn lên mạnh mẽ, giỏi giang như thế nào, đặc biệt trong việc tập trung phát triển nguồn lực con người và cơ chế hợp tác hiệu quả giữa 3 giới “quan, học, thương” (quan chức nhà nước, giới trí thức và doanh nhân) để chỉ hơn 35 năm sau khi kết thúc chiến tranh đã "hóa rồng", trong điều kiện không có “rừng vàng biển bạc” như nước ta. Sau chuyến đi này, các chuyên gia Hàn Quốc tiếp tục được mời sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, và năm 1992 quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hàn Quốc và Việt Nam được thiết lập.
Với tôi, cái “lãi” lớn nhất là chuyến đi đã góp phần giúp các nhà chiến lược của ta “mục sở thị” về cách một nền kinh tế thị trường vận hành, và nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của khu vực tư nhân, của việc phải tạo lập môi trường kinh doanh tốt cho khu vực tư nhân, FDI và các doanh nghiệp lớn nhỏ phát triển trên cơ sở cạnh tranh, để từ đó nền kinh tế thị trường có thể hình thành vững chắc, tạo nền tảng cho sự thành công của công cuộc Đổi mới và phát triển lâu dài ở nước ta. Các anh cũng thêm hào hứng muốn biết, muốn học hỏi kinh nghiệm của các "con rồng châu Á" và các nước phương Tây khác trong phát triển kinh tế-xã hội, trong việc xây dựng quan hệ giữa nhà nước và thị trường..., và “đặt hàng” chúng tôi cung cấp thông tin, tài liệu nghiên cứu khi có thể.
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Trần Đức Nguyên - Trưởng ban, người thứ ba từ trái, hàng đầu trong ảnh. Ảnh tư liệu
Dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 1992
Đầu năm 1992, tôi được một công ty tư vấn của Anh ở Thái lan mời sang Bangkok dự lễ ra mắt cuốn sách Vietnam -The Birth of Opportunities (Việt Nam - nơi sản sinh các cơ hội kinh doanh) mà VCCI và tôi đã bỏ ra hơn 6 tháng trời giúp họ nghiên cứu, gặp gỡ các quan chức, chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài ở Việt Nam để soạn thảo.
Cuốn sách dầy gần 400 trang, khổ to, in rất đẹp, với thông tin, tư liệu và phân tích phong phú và đầy đủ chưa từng có về kinh tế và cơ hội kinh doanh ở Việt Nam sau chiến tranh và trong bước đầu Đổi mới. Công ty đó cũng tài trợ cho tôi tham gia đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) ở Davos, Thụy sĩ vào tuần cuối tháng 1, đầu tháng 2.1992. Vậy là tôi lại có dịp đi với anh Nguyên, lúc đó đã về làm trợ lý của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng Phó Thủ tướng Phan Văn Khải và mấy vị khác trong chuyến đi này.
Không khí ở Davos thực sự khác hẳn so với mọi cuộc hội thảo hay diễn đàn quốc tế khác. Là Diễn đàn do tư nhân sáng lập, nhưng Davos thu hút cả các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ của nhiều nước, các chính khách lừng danh, gặp gỡ và đối thoại với các ông bà chủ các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các tổ chức kinh tế quốc tế lớn, các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, nhà báo tên tuổi... với tâm thế và cách đối thoại khá bình đẳng.
Những người trí thức trẻ sớm xếp bút nghiên đi hoạt động cứu nước cũng có những cách làm thật khác, thật sáng tạo! Và họ không bao giờ quên sự học, nên luôn tìm được cách để trau dồi kiến thức, học hỏi cái mới để làm được những việc mới hơn, khó hơn.
Mỗi năm, Davos thường có vài vị khách được đặc biệt quan tâm và năm đó, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải là vị khách như vậy. Ngoài các phiên họp chung, phiên riêng cho Việt Nam do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì thu hút nhiều khách “có máu mặt” tham dự. Mấy chục cuốn Vietnam -The Birth of Opportunities bầy ra để tặng khách hết bay ngay. Sau khi nghe đoàn của ta trình bầy về Việt Nam đổi mới với các đường lối, chính sách phát triển mới, các vị khách tham dự đã hào hứng nêu lên nhiều câu hỏi và đề xuất về hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam.
Gặp riêng Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, một số vị còn hứa sẽ tích cực vận động để Việt Nam sớm bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế và Mỹ sớm rỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Cả đoàn Việt Nam rất phấn chấn và thêm vững tin ở công cuộc Đổi mới của nước nhà, đặc biệt về việc mở cửa với thế giới bên ngoài. Đúng là năm sau đó, 1993, các tổ chức tài chính quốc tế quan trọng nhất như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Một loạt các nước phương Tây thiết lập quan hệ chính thức với ta, và đầu năm 1994 Mỹ tuyên bố rỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.
Ngoài những bài viết rất chuẩn mực với văn phong sang trọng được anh Trần Đức Nguyên chuẩn bị cho Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trình bầy tại các cuộc tiếp xúc khác nhau trong chuyến đi này, một câu chuyện ngoài lề cũng cho tôi một “phát hiện” mới về anh Nguyên. Chuyến đi Davos lần ấy rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán của ta, nên đêm 30 Tết, chúng tôi quyết định cùng nhau đến nơi ở của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (cách khá xa nơi đoàn ở) để cùng vui Tết.
Quây quần bên lò sưởi, sau khi trò chuyện và ăn uống vài thứ bánh kẹo, chúng tôi quay sang hát các bài hát Việt cho đỡ nhớ nhà. Đàn chim Việt và Bến Xuân của Văn Cao là bài đầu tiên được hát lên. Rồi đến Thiên thai, Trương Chi, Sơn nữ ca, Làng tôi, Tình ca (Phạm Duy)... Chúng tôi ngạc nhiên thấy anh Nguyên hát khỏe, diễn cảm khá hay, biết nhiều bài và nhớ rất đúng nhạc điệu cùng lời ca của các bài hát đó. Trên đường về, tôi hỏi chuyện, mới được anh kể cho biết thời trẻ anh đã vừa tham gia các hoạt động yêu nước, vừa tiếp tục học và đã sử dụng các bài hát này trong công tác dân vận như thế nào. Anh bảo những bài hát như thế dễ đánh thức và thấm vào lòng yêu nước của người dân nhất, hơn hẳn khối bài tuyên truyền mà dân không hiểu được!
Tôi nghe mà thầm nghĩ: “Chà, những người trí thức trẻ sớm xếp bút nghiên đi hoạt động cứu nước cũng có những cách làm thật khác, thật sáng tạo! Và họ không bao giờ quên sự học, nên luôn tìm được cách để trau dồi kiến thức, học hỏi cái mới để làm được những việc mới hơn, khó hơn”.
Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong một lần trả lời phỏng vấn. Ảnh tư liệu/Báo Dân Trí
Tổ chức đại hội và bước ngoặt mới của VCCI
Từ năm 1992, chúng tôi ở VCCI nhận thấy rất rõ đã đến lúc VCCI cần và có thể tổ chức Đại hội để đưa ra Điều lệ mới, phương hướng hoạt động mới và tổ chức lại VCCI cho phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước Đổi mới, cơ chế kinh tế thị trường và mở cửa về kinh tế đối ngoại hình thành ngày càng rõ nét.
Tôi được anh Đoàn Ngọc Bông, Tổng thư ký VCCI giao nhiệm vụ chủ trì cùng vài anh em khác chấp bút soạn thảo các văn bản cho Đại hội VCCI, đồng thời vận động các cơ quan chính phủ ủng hộ khát vọng mới của VCCI. Sau khi hoàn thành dự thảo, tôi mang đến hỏi ý kiến anh Nguyên và anh Việt Phương. Chỉ bằng vài đường nét, câu chữ góp ý thêm, anh Nguyên cùng anh Việt Phương đã giúp chúng tôi hoàn thành các dự thảo Điều lệ và Báo cáo phương hướng hoạt động của VCCI với nhiều ý tưởng hoàn toàn mới, rộng mở, mạnh mẽ, phù hợp với cơ chế thị trường, với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
Các văn bản này sau đó đã được các cơ quan chính phủ liên quan vui vẻ chấp thuận, và đến khi VCCI trình bầy xin ý kiến của doanh nghiệp tại các cuộc họp trước Đại hội ở 3 miền đất nước cũng như khi ra Đại hội đã được các doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh và nhanh chóng biểu quyết thông qua.
Anh Nguyên cũng giúp VCCI mời được Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự Đại hội và có bài diễn văn làm nức lòng doanh nghiệp, với sự đánh giá cao và khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh và cam kết Chính phủ sẽ ủng hộ VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong mọi hoạt động nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, hỗ trợ sự phát triển và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, sau Đại hội, anh Nguyên còn gợi ý và tự tay chấp bút giúp chúng tôi có được văn bản lịch sử số 310-TTg là “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quan hệ công tác giữa các cơ quan chính quyền với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”. Văn bản này được ban hành ngày 25.6.1993, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn Điều lệ mới của VCCI bằng Quyết định số 203 -TTg ngày 27.4.1993 (đúng 30 năm sau ngày thành lập VCCI).
Quyết định 310-TTg đưa ra 12 Điều với những nội dung mới, tốt và thuận lợi chưa từng có cho VCCI, như: Chủ tịch VCCI được mời dự các cuộc họp của Chính phủ bàn về các vấn đề có liên quan (Điều 4); Khi cần thiết, Chính phủ có thể ủy quyền hoặc thông qua VCCI để thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với các tổ chức phi chính phủ ở các nước và với các nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (Điều 5)... Cũng trên cơ sở Quyết định 310-TTg, VCCI bắt đầu được chính thức mời tham gia các ban soạn thảo luật và văn bản pháp quy mới về kinh tế, kinh doanh.
Cuối năm 1993, VCCI được mời tham gia Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp, và tôi với cương vị Tổng Thư ký VCCI được tham gia Ban Chỉ đạo, còn anh Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI tham gia Tổ soạn thảo Luật. Chúng tôi bắt tay vào một hoạt động/ chức năng mới rất thú vị, hữu ích nhưng cũng rất vất vả, đầy thách thức, để rồi sau này việc đó trở thành một thứ nghiệp mà anh Huỳnh và tôi cùng nhiều anh em Ban Pháp chế VCCI đã đeo bám suốt bao năm trời.
Tham gia Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ (1996-2006)
Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định thành lập Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. 61 chuyên gia trong Nam ngoài Bắc, trong đó có 3 chuyên gia người Việt ở nước ngoài, được Thủ tướng mời tham gia Tổ Tư vấn để giúp Thủ tướng trong việc nghiên cứu, đề xuất, đóng góp ý kiến về các đường lối, chính sách đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.
Năm 1996, Thủ tướng quyết định tổ chức lại Tổ Tư vấn, thu hẹp về nhân sự, và tôi được mời tham gia Tổ Tư vấn mới này.
Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải lên thay Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ Tư vấn.
Năm 1998, Tổ Tư vấn được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tên tiếng Anh gọi tắt là PMRC (Prime Minister’s Research Commission). Tôi tiếp tục tham gia theo chế độ thành viên không chuyên trách, trong khi vẫn làm việc ở VCCI. Tháng 5.2003, tôi nghỉ hưu ở VCCI và trở thành thành viên chuyên trách ở PMRC, cho đến khi Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu và PMRC được giải thể cuối tháng 7.2006.
Quan trọng nhất, tôi học được ở anh Nguyên và các anh tinh thần tận hiến cho sự nghiệp chung, lòng yêu nước cao cả, sự trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, sự tỉnh táo, nhậy bén trong công việc và đức tính khiêm nhường nhưng cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn, can trường trong xử lý mọi việc.
Tổ Tư vấn và PMRC cho tôi cơ hội hiếm có để được làm quen, làm việc với những con người tuyệt vời nhất đối với tôi. Dù đã có những dịp gặp và làm việc với các anh Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Vũ Quốc Tuấn... trước khi tham gia Tổ Tư vấn, nhưng từ khi tham gia Tổ, tôi có thêm bao nhiêu “phát hiện” mới về các anh, đồng thời làm quen với một số anh khác cũng rất tuyệt vời như Đào Xuân Sâm, Nguyễn Thiệu, rồi Nguyễn Trung, Nguyễn Ký... Tôi thực sự thán phục các anh về tư duy hết sức mới mẻ, nhiều điều đi trước bao người khác, về khả năng đọc và học liên tục với hiệu suất cao, khả năng trình bầy, tranh luận và bảo vệ những ý tưởng đúng đắn, sáng tạo, khả năng lắng nghe và tiếp nhận những điều hay lẽ phải ... Về tài viết, anh Nguyên được mọi người trong Tổ công nhận là cây bút xuất sắc nhất, với khả năng tổng hợp cao, cách diễn đạt mạch lạc, văn phong sang, và khi cần thì vừa viết hay, vừa “lách” giỏi, để khéo léo đưa những ý tưởng, ngôn từ cần thiết vào các văn bản mà không bị “thổi còi”.
Quan trọng nhất, tôi học được ở anh Nguyên và các anh tinh thần tận hiến cho sự nghiệp chung, lòng yêu nước cao cả, sự trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, sự tỉnh táo, nhậy bén trong công việc và đức tính khiêm nhường nhưng cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn, can trường trong xử lý mọi việc. Trong biết bao cuộc họp, tọa đàm, tranh luận về các vấn đề phát triển, những ý kiến các anh đưa ra luôn rất phong phú, toàn diện từ nhiều góc độ, và luôn có thể bổ sung cho nhau, làm rõ thêm các khía cạnh cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, để rồi cuối cùng rút ra được những kết luận chính yếu về việc các chính sách và giải pháp của chính phủ cần phải đạt mục tiêu gì và làm như thế nào để giải quyết vấn đề được đặt ra. Và trong hầu hết các trường hợp, hai anh Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương thường là người được mời nói lời sau cùng, với sự tổng hợp, tóm lược các ý kiến không thể nào hay hơn. Rồi việc chấp bút để hình thành báo cáo gửi Thủ tướng thì gần như bao giờ cũng thuộc về anh Nguyên.
Ở Tổ Tư vấn hay PMRC, một trong những mảng việc nặng và vất vả nhất là viết các báo cáo, diễn văn cho Thủ tướng để trình bầy trước Quốc hội và trong các dịp khác nhau. Anh Nguyên là người đảm nhận nhiều nhất mảng việc này. Thông thường, bao giờ cũng có hội ý trong một nhóm thành viên có trách nhiệm về những nội dung liên quan, để cùng nhau bàn bạc, phác thảo đề cương và những nội dung chính cần đưa vào. Anh Nguyên thường đưa ra đề dẫn trước, mọi người góp ý thêm, rồi gút lại để anh Nguyên chấp bút. Mỗi năm cũng phải có vài dịp anh Nguyên phải làm việc thâu đêm ở cơ quan, rồi ngủ ngay trên bàn làm việc, để kịp hoàn thành bài viết cho lãnh đạo. Cũng may anh có sức khỏe tốt và bộ óc rất tinh tường để có thể làm việc với cường độ cao, mà sau mỗi đợt làm như thế, chỉ cần vài séc bóng bàn vào cuối buổi chiều đã có thể giúp anh tươi tỉnh, bắt tay vào công việc hàng ngày như thường!
Có quá nhiều kỷ niệm đẹp ở Tổ Tư vấn, PMRC và cả những năm sau đó với IDS và sau khi giải thể IDS mà tôi không thể kể hết ở đây.
Điều cuối cùng, tôi chỉ có thể nói rằng, với tôi, các anh Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương là những người Thầy, người Anh, người Bạn lớn mà tôi suốt đời mang ơn và không bao giờ có thể quên.
Anh Nguyên đã ra đi để được gặp lại anh Sáu Dân, anh Sáu Khải, các “chiến hữu” Việt Phương, Hoàng Tụy, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Ký... ở thế giới bên kia, nhưng chắc chắn những người còn lại sẽ không bao giờ quên Anh./.
Phạm Chi Lan
Hà Nội, tháng 4.2025.