Ngày 13-12, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin nơi đây vừa tiếp nhận cấp cứu một bé trai 18 tháng tuổi bị ngã vào lu nước tại nhà không rõ từ lúc nào.
Bệnh nhi từ Tây Ninh vào viện trong tình trạng đã rất nguy kịch, nhịp tim rời rạc rồi ngưng tim. Các bác sĩ hồi sức khoảng một giờ nhưng tim vẫn không đập lại, chẩn đoán khả năng bé bị thiếu ô-xy não quá lâu.
Thông thường, trẻ đuối nước ngưng tim ngưng thở quá 4 phút sẽ để lại di chứng nặng nề. Sau 10 phút ngưng thở thì sẽ khó cứu vì nạn nhân đã tổn thương toàn bộ não.
Gia đình cho biết bé ở nhà cùng anh trai 12 tuổi, bố mẹ đi làm. Khi anh trai phát hiện bé ngã vào lu nước đã nhờ người dì ở nhà đối diện đưa đến bệnh viện gần nhà cấp cứu, không rõ thời gian ngạt nước là bao lâu.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi tiếp nhận bệnh nhi 18 tháng tuổi bị ngã vào lu nước. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Nhi đồng 1 thỉnh thoảng có tiếp nhận trẻ gặp tai nạn đuối nước ở hồ bơi, ao và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu, bồn nước, hòn non bộ...
Nhiều trường hợp bác sĩ không thể cứu được, như bé trai 3 tuổi ở Long An ngã chúi đầu vào xô đựng nước hồi năm ngoái. Một số trẻ sống sót nhưng để lại di chứng nặng nề ở não do thiếu ô-xy quá lâu, phải nằm một chỗ.
Bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ ngưng tim, ngưng thở phải hồi sức tim phổi ngay, bởi rất nhiều trẻ đến viện vẫn không thể qua khỏi vì không được sơ cứu đúng cách ngay khi xảy ra tai nạn. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ đã tỉnh lại vẫn cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước.
Lưu ý, tuyệt đối không dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì làm mất thời gian quý giá để cấp cứu ngưng tim ngưng thở, cứu sống bệnh nhân. Cách xử trí này không làm nước trong phổi chảy ra ngoài, đồng thời có thể làm dịch trong dạ dày trào ra ngoài, tăng nguy cơ hít sặc.
Cạnh đó, cần nhớ tránh hơ lửa cho nạn nhân, bởi hành động này không giúp được gì mà còn có nguy cơ làm nạn nhân bị bỏng nặng.
THẢO PHƯƠNG