Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Dung Quỳnh
Tại diễn đàn, các nhà khoa học làm sáng tỏ thêm vấn đề chủ hộ, chủ trang trại còn gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nhà nông trao đổi với nhà khoa học về kiến thức sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kiến nghị cơ quan quản lý giải đáp một số vướng mắc, chủ trương, chính sách hỗ trợ nông nghiệp...
Với sự tư vấn của Ban cố vấn gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, sau khi trao đổi, các chuyên gia đã giải đáp gần 100 câu hỏi của người dân về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Thông qua đó, người dân có thêm kiến thức mới, kinh nghiệm bổ ích trong sản xuất nông nghiệp; quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi thú y, chăn nuôi thủy sản; cơ chế, chính sách của thành phố đối với phát triển nông nghiệp.
Các nhà khoa học và quản lý giải đáp cho người dân. Ảnh: Dung Quỳnh
Thường Tín là huyện thuần nông của Hà Nội. Bên cạnh việc cấy lúa, huyện còn phát triển mạnh trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi, thả cá. Do trên địa bàn các xã không có công chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy để thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất, tư vấn, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, 28/28 xã của Thường Tín đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, lực lượng là nhân viên khuyến nông viên cơ sở, hội viên các đoàn thể, đại diện hộ nông dân sản xuất giỏi.
Hiện các xã của Thường Tín đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững, tiêu biểu như: HTX rau Thanh Hà, xã Ninh Sở; HTX Thanh Bình xã Hòa Bình; HTX hoa, cây cảnh Hồng Vân; HTX nông nghiệp xã Vân Tảo; mô hình liên kết sản xuất lúa tại các xã Văn Tự, Tô Hiệu, Tân Minh, Khánh Hà, Thắng Lợi, Dũng Tiến…
Bên cạnh đó, Thường Tín cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giúp người sản xuất minh bạch sản phẩm, người tiêu dùng biết thông tin sản phẩm, thuận lợi cho công tác quản lý, chống gian lận thương mại. Trên cơ sở các vùng chuyên canh tập trung được thành phố quy hoạch, các xã chỉ đạo, xây dựng mô hình sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP: Vùng sản xuất dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Dũng Tiến; vùng bầu mướp theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Phú; vùng trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Dũng Tiến, Chương Dương; vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Minh, Ninh Sở; vùng trồng rau theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Lê Lợi...
Thực tế, một số hộ nông dân, HTX, trang trại còn lúng túng trong việc nâng cao năng suất hay phòng trừ, xử lý một số dịch bệnh trong canh tác, chăn nuôi. Vì vậy, Diễn đàn nhịp cầu nhà nông giúp người dân giải tỏa thắc mắc trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là cách tập huấn hiệu quả, có sự kết nối trực tiếp giữa các hộ nông dân đối với nhà khoa học, nhà quản lý, giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn...
Tại chương trình, các chuyên gia còn kết nối nông dân tới những địa chỉ cung cấp cây trồng, con giống chất lượng tốt, đồng thời tư vấn những loại thuốc trừ sâu, phân bón an toàn, giúp nâng cao năng suất.
Quỳnh Dung