Nghi kỵ, chia rẽ, lòng tham đem lại bao khổ đau bởi chiến tranh, các Tôn giáo chưa đủ năng lực cảm hóa lòng người, mặc dù Tôn giáo có mặt trong nhân loại từ hàng ngàn năm qua, nhưng dường như còn khép kín trong phạm trù Tín ngưỡng, phục vụ tín lý, tôn sùng niềm tin, mà bỏ quên cộng đồng và xã hội.
Hình ảnh được tạo bởi công nghệ AI.
Hòa nhập mà không hòa tan là một đặc tính của Tôn giáo. Sắc thái Tôn giáo luôn là biểu tượng trong không gian. Tháp nhà thờ cao trong bầu trời là tâm hướng thượng, mái chùa quê thầm lặng sau lũy tre làng là thu mình hướng nội nhìn lại chính mình. Thanh âm lảnh lót chuông nhà thờ như vang vọng vinh danh Thượng đế, âm ỷ tiếng chuông chùa là len lỏi từng thôn xóm như đánh thức tình người.
Con người mãi tô bồi cho hình thức lý tưởng, say mê thực dụng, quên nhiệm vụ Tôn giáo khi đến trần gian, xa dần lời khấn nguyện lúc chịu phép thụ phong chức sắc, “khấn nguyện trọn đời chịu nghèo khó” nhưng khó mà nghèo; quên lý tưởng phát tâm khi xuống tóc bước vào cửa Phật: “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn…” nhưng khó mà độ chính bản thân, phiền não sân hận hơn thua tràn đầy nhục thể! Đó, chính là yếu tố đánh mất lý tưởng ban đầu, xây bức tường ngăn cách giữa Tôn giáo và xã hội.
Mua bó rau vài chục đồng vẫn trả giá, biết đâu công sức người trồng và người bán đáng giá hơn bó rau? Bức tường vô tình vì quen sự tính toán đã ngăn cách cảm thông với nhau, thì chả trách xã hội giàu nghèo vẫn còn quá cách biệt bởi tình người.
Những chuyến từ thiện từ Nam ra Bắc dang tay cứu giúp đồng bào cơ nạn là văn hóa giao tiếp cảm thông, phá tan bức tường ngăn cách vô hình; cảm thông cái nghèo từ miền Tây sông nước thì sá gì chiếc cầu kết nối hai bờ.
Chùa thường xây cất bất cứ nơi đâu, không riêng cho khu vực có tín đồ, thường hòa hợp với cộng đồng đa Tôn giáo, làm từ thiện bất cứ nơi nào, không phân biệt lương giáo; thể hiện văn hóa giao tiếp từ lúc đạo Phật có mặt.
Cầu do cộng đồng Phật giáo xây dựng trước nhà thờ Công giáo không những kết nối hai bờ mà còn kết nối tình người giữa hai tôn giáo từ lâu chưa có sự giao tế tương thân.
Biết bao tấm lòng hảo tâm, góp phần làm nên cầu nối hai bờ từ Miền Tây sông nước. Các đoàn từ thiện nơi phố thị, trong đó có chư Tăng tổ chức chia sẻ tới mọi miền. Từng cây cầu đặc biệt được hình thành bằng tấm lòng hiện hữu ngay trước cổng giáo đường Công giáo, nơi miền sâu, vùng xa hẻo lánh…
Đức Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Sài gòn Giuse Nguyễn Năng chia sẻ trước các chức sắc Tôn giáo: Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, nhân sỹ trong buổi họp mặt, ca ngợi trước việc làm của một Thượng Tọa.
Cuộc sống, quá khứ cũng như hiện tại trong xã hội ta, tình cảm đã bị chia cắt trong một số ít người sùng phụng Tôn giáo. Chiếc cầu là biểu tượng không những vượt qua sự ngăn cách địa lý mà còn xóa tan thành kiến trong tình người, biểu tượng của lòng nhân ái, sự bao dung với tâm không phân biệt của người con Phật.
“Đức cha Phan xi cô kêu gọi xóa tan bức tường ngăn cách vô hình, hãy xây một nền văn hóa gặp gỡ, hãy xây một cây cầu, đừng xây bức tường ngăn cách chúng ta! Đừng làm tê liệt chúng ta, giết chết chúng ta…”.
Những tâm hồn thoáng đạt, chân chính tràn đầy tình người, thường xóa tan tính đố kỵ, ngờ vực: “lạy Chúa từ tôn, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.
Tôn giáo là Tình người, “Chúa ở cùng anh chị em”, có nghĩa trong anh chị em đều có Chúa. Phật giáo nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính: Khác biệt ngôn ngữ mà bản chất tương đồng.
Hình ảnh được tạo bởi công nghệ AI.
Mười kiết sử trong Phật giáo dạy rõ những hạt giống làm cho ta đọa lạc, ngăn cách chia rẽ anh em, người tu là người buông xả bản ngã, hòa hợp với đồng loại, hòa nhập với thiên nhiên. Cái vô ngã cao quý Phật dạy, do nghiệp lực chúng sinh biến thành bản ngã to lớn, làm nên bức tường vô hình ngăn cách, nhìn nhau bằng lăng kính đa màu.
Thánh Phan Xi Cô, hiện thân sự nghèo khó hòa mình với đời sống cơ hàn thì Phật giáo buông xả để hiển lộ Chân Như Phật tính, phá tan bức tường ngăn cách giữa mình và vạn loại. Một hình thức kết nối hai bờ Mê - Vọng. Chiếc cầu của một Thượng Tọa xây dựng trước cổng nhà thờ Công giáo là biểu tượng hiện thực nhất: Đôi bờ kết nối, không lạ!
Xuyên suốt bài viết, dễ thấy: Đôi bờ vật lý có thể được kết nối bằng những chiếc cầu hữu hình. Nhưng đôi bờ tâm thức - Vọng và Thức, Chấp và Xả - cần được kết nối bằng cây cầu của Từ bi và Trí huệ. Đây là cách chúng ta vượt qua mọi cách ngăn, mọi bức tường vô hình, để cùng tiến về bến bờ an lạc. Những hình tượng dưới đây chứa đựng biết bao điều:
Cầu Giác ngộ nối đôi bờ Vọng - Thức
Cầu Từ bi, tín ngưỡng vượt tường ngăn
Cầu Giới huệ trải lòng thương cứu khổ
Cùng dựng xây cầu Bát Nhã - Niết bàn
Tác giả: Minh Mẫn