Thượng tôn pháp luật để những kiểu 'bố đời' không còn đất sống

Thượng tôn pháp luật để những kiểu 'bố đời' không còn đất sống
2 ngày trướcBài gốc
Khi cặp vợ chồng đánh người và liên tục hỏi “Mày biết tao là ai không?” bị Công an quận 1, TP.HCM bắt khẩn cấp, nhiều người đã thốt lên “thật đáng cái đời”. Nhiều người còn nói rằng bây giờ thì công an đã nhanh chóng cho họ biết họ là ai rồi.
Gần đây, công an liên tiếp bắt khẩn cấp nhiều người hoặc khởi tố nhiều bị can do liên quan đến hành vi bạo lực sau va chạm giao thông nói riêng và ẩu đả nơi công cộng nói chung.
Cụ thể, mới đây Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thùy Trang về tội cố ý gây thương tích, do tối 30-12-2024, tại trạm chắn tàu hỏa ở đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), Trang đánh nhân viên gác chắn sau mâu thuẫn liên quan việc mở rào chắn.
Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng đã khởi tố Bùi Văn Hoàng Anh về tội gây rối trật tự công cộng. Trước đó, hơn 16 giờ ngày 15-12-2024, Hoàng Anh mâu thuẫn với một tài xế xe tải khi dừng đèn đỏ rồi lao lên cabin xe tải đấm đá túi bụi người này. Dù người phụ nữ đang ôm cháu nhỏ hoảng loạn can ngăn nhưng Hoàng Anh vẫn liên tục chửi bới và lao vào đánh tài xế.
Đêm 31-12-2024, một cặp vợ chồng đã hành hung ba người đi đường sau va chạm giao thông. Ảnh cắt từ clip
Một sự kiện khác đã thu hút sự quan tâm của dư luận là vụ “mày biết tao là ai không” xảy ra đêm 31-12-2024. Tại đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, cặp vợ chồng đã cùng lao vào đánh, chửi bới và lớn tiếng thách thức: “Mày biết tao là ai không” đối với người có va chạm giao thông với mình. Anh tài xế xe ôm công nghệ vào can ngăn cũng bị họ đánh. Công an quận 1 đã bắt khẩn cấp cặp vợ chồng này để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
Các vụ ẩu đả do va chạm xã hội nói chung và va chạm giao thông nói riêng như nêu trên là những tình huống bạo lực xảy ra giữa các cá nhân hoặc nhóm người sau khi có sự xích mích, bất đồng quan điểm hoặc xung đột lợi ích. Đây là những tình huống căng thẳng “tăng thêm” gây phiền toái cho cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, có thể để lại hậu quả tâm lý và pháp lý nghiêm trọng cho các bên liên quan.
“Mày biết tao là ai không” cũng như việc sẵn sàng động thủ vì những mâu thuẫn, va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống không những thể hiện sự thiếu tôn trọng, sẵn sàng làm tổn thương người khác mà còn cho thấy sự thiếu văn hóa của chính người nói. Câu nói này hoàn toàn không những không phù hợp với giao tiếp xã hội, mà còn có khả năng gây ra xung đột và bạo lực. “Mày biết tao là ai không” thể hiện tâm lý luôn muốn hơn người, bất kể người nói thực sự có quyền lực và vị thế hay không. Khi nói ra câu nói này, người nói phần nào cũng muốn che giấu sự tự ti, muốn người khác sợ hãi mình để thỏa mãn cái tôi và thấy mình an toàn hơn.
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực có thể khiến người ta dễ cáu gắt và sẵn sàng gây hấn khi gặp xung đột do va chạm giao thông hay mâu thuẫn trong cuộc sống. Vấn đề ở đây là nhiều người chưa biết học cách kiềm chế, để cảm xúc tiêu cực dẫn dắt, dẫn đến những ứng xử không phù hợp với chuẩn mực văn hóa và yêu cầu của pháp luật.
Về mặt pháp lý, khi công an khởi tố vụ án tài xế Hoàng Anh nói trên để điều tra về hai tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, nhiều người hiểu rằng Hoàng Anh chỉ có thể bị xử lý về một trong hai tội này. Bởi hành vi đánh người hoặc đánh nhau nơi công cộng nếu không gây ra thương tích thường bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành theo luật định như xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng; xâm phạm đến các hoạt động đi lại, làm việc, vui chơi; xâm phạm đến nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại; ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.
Nếu gây thương tích cho người khác, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS 2015) hoặc giết người (Điều 123 BLHS) tùy vào thương tích và tính chất, mức độ của hành vi…
Đáng chú ý, sau khi bắt khẩn cấp cựu tuyển thủ Lê Duy Mạnh, Công an TP.HCM cho biết đây là việc làm thể hiện sự kiên quyết của Ban giám đốc Công an TP.HCM trong chỉ đạo xử lý nghiêm những hành vi xem thường pháp luật, hành xử côn đồ, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người khác chỉ để giải quyết mình mâu thuẫn nhỏ nhặt phát sinh trong quá trình tham gia giao thông, lễ hội hoặc các giải thi đấu thể thao. Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế trên đường phố, nơi công cộng như đã xảy ra trong thời gian qua tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà người vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Công an TP khuyến cáo người dân cần phải thượng tôn pháp luật trong giải quyết các mâu thuẫn; hành xử bạo lực chỉ làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Sự quyết liệt xử lý, không khoan nhượng từ lực lượng công an đối với những hành vi côn đồ nơi công cộng là lời cảnh tỉnh đối với những thái độ hung hăng, bố đời, giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm; từ đó tạo dựng ý thức ứng xử tử tế cho cộng đồng của tất cả mọi người. Chính từ những hành vi ứng xử chuẩn mực, mỗi người đã góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, nghĩa tình, công bằng và an toàn.
PHƯƠNG LOAN
Nguồn PLO : https://plo.vn/thuong-ton-phap-luat-de-nhung-kieu-bo-doi-khong-con-dat-song-post828622.html