Thường trực Chính phủ họp cho ý kiến về hai dự án luật và đề xuất chương trình lập pháp năm 2026

Thường trực Chính phủ họp cho ý kiến về hai dự án luật và đề xuất chương trình lập pháp năm 2026
14 giờ trướcBài gốc
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Mai Văn Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã tập trung thảo luận và cho ý kiến đối với ba nội dung trọng tâm gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) và đề xuất của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đối với các cơ quan chủ trì trong việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Theo đó, các dự án cần thể hiện rõ ràng các nội dung bị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc đơn giản hóa; các vấn đề liên quan đến phân cấp, phân quyền; những điểm còn có ý kiến khác nhau; và các nội dung cần báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật phải đảm bảo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Quan điểm chỉ đạo là: "Những gì đã chín muồi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, triển khai hiệu quả và nhận được sự đồng thuận rộng rãi thì cần nhanh chóng luật hóa và đưa vào thực tiễn. Những vấn đề còn đang diễn biến phức tạp, chưa rõ ràng thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội".
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Phương thức quản lý cần chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và chủ thể của quá trình cải cách. Cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với kỹ thuật lập pháp, Thủ tướng chỉ đạo các văn bản luật cần xây dựng theo hướng khung, mang tính nguyên tắc, tập trung vào những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung cụ thể, nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và tốc độ phát triển nhanh của xã hội.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận xây dựng pháp luật với tinh thần khoa học, bám sát và tôn trọng thực tiễn. Pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, coi thực tiễn là thước đo hiệu quả, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bắt nguồn từ quy định pháp luật.
Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy các xu hướng mới như phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm tốt hơn thì nên để khu vực này đảm nhận, phát huy tối đa nguồn lực xã hội.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/thuong-truc-chinh-phu-hop-cho-y-kien-ve-hai-du-an-luat-va-de-xuat-chuong-trinh-lap-phap-nam-2026-319819.html