Thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025”, chiều 17/4, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh. Dự buổi giám sát có các đồng chí: Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Chi nhánh tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các hội, đoàn thể của tỉnh liên quan và các huyện, thành phố.
Quang cảnh buổi giám sát.
Trong thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp triển khai có hiệu quả của các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các địa phương nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến 20/3/2025 đạt 5.018 tỷ đồng, tăng 1.125 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giai đoạn 2023-2024, NHCSXH đã giải ngân cho 65.940 lượt khách hàng, với số tiền 3.229,2 tỷ đồng. Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội với dư nợ ủy thác là 4.886,7 tỷ đồng, chiếm 99,83% tổng dư nợ cho vay, với 98.843 hộ vay. Đặc biệt việc sử dụng vốn vay và tác động của các chương trình tín dụng đối với an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt hiệu quả rõ rệt. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2023, 2024 đã có 65.940 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và cuộc sống qua đó góp phần giúp 4.050 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, tạo việc làm cho 9.978 lao động, 70 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 2.258 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập; xây dựng 83.098 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 189 căn nhà cho người thu nhập thấp. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn giám sát và NHCSXH tỉnh đã thảo luận, đánh giá những thuận lợi và khó khăn, tồn tại, hạn chế; đồng thời thống nhất các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Chi nhánh tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống NHCSXH tỉnh trong thực hiện tín dụng chính sách, qua đó đã góp phần quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Đồng thời đề nghị NHCSXH chi nhánh tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách. Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới theo Chỉ thị số 39-CT/TW chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập trung phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương Trung ương giao hàng năm, đảm bảo đến năm 2030 tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức bình quân chung của toàn hệ thống. Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các tồn tại phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động tín dụng chính sách để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đồng thời góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh Văn Trọng