Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
5 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Phạm Thị Phúc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi gặp mặt
Đồng chí Phạm Thị Phúc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi gặp mặt. Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: K’ Mák – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; đại diện các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND, cùng các đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo công tác chuẩn bị và các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, nghe báo cáo các nội dung, vấn đề cần đề xuất, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chia làm hai đợt họp tập trung, dự kiến đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11, đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 30/11/2024 tại Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp lần này sẽ tiến hành xem xét thông qua 16 dự án luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề xuất Đoàn ĐBQH về những nội dung cấp thiết, cần kiến nghị tại Kỳ họp Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương
SỚM GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung quan trọng, cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ
Đối với nội dung này, tại Văn bản số 6161/BCT-CN, ngày 19/8/2024, Bộ Công thương có ý kiến về việc các vấn đề nêu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công thương. Tuy nhiên, để hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch khoáng sản, đề nghị Bộ Công thương tổng hợp vướng mắc này của tỉnh Lâm Đồng cùng với các địa phương khác để đề nghị đơn vị có thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể đối với diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản theo Quyết định số 866 bao trùm rất lớn tại một số địa phương trong tỉnh để thuận lợi trong việc lập, triển khai thực hiện quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phát triển đô thị… của địa phương.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Công thương để xác định phạm vi, ranh giới khu vực quy hoạch khoáng sản để có giải pháp xử lý cụ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo dư địa cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đề nghị Bộ Công thương có giải pháp xử lý tổng thể, triệt để các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai các quy hoạch khoáng sản trên.
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt
CẮT GIẢM THỜI GIAN, THỦ TỤC CẤP PHÉP KHAI THÁC ĐẤT ĐẮP
Đại biểu cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cắt giảm thời gian, thủ tục trong việc cấp phép khai thác khoáng sản để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong hoạt động khai thác mỏ đất đắp để phục vụ thi công các dự án.
Cụ thể, các trường hợp khai thác đất, vật liệu san lấp sử dụng để đắp nền, san lấp cho các dự án không thuộc phạm vi dự án đã được phê duyệt, trước khi khai thác đất san lấp phải lập hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Việc thực hiện thủ tục này sẽ thực hiện qua nhiều bước (điều chỉnh bổ sung quy hoạch, thăm dò mỏ, đấu thầu khai thác mỏ…), do đó, sẽ mất rất nhiều thời gian và hiện nay có một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang thiếu các mỏ đất đắp để phục vụ thi công các công trình, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn thủ tục xử lý phần diện tích đất dôi, dư trong quá trình múc đất để hạ thấp độ cao. Nhu cầu san gạt mặt bằng để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của người dân đang là vấn đề cấp thiết và chính đáng tại nhiều địa phương có địa hình đa số là đồi, núi dốc.
Người dân làm thủ tục xin hạ độ cao thì lại vướng vào quy định tại khoản 1, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định vật liệu xây dựng thông thường gồm cát, đất sét làm gạch, ngói… sử dụng cho mục đích làm vật liệu san lấp thuộc nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Điều này gây nhiều khó khăn cho người dân vì phần đất múc đi không sử dụng vào mục đích làm vật liệu xây dựng mà chỉ cần hạ độ cao lấy mặt bằng để làm nhà ở, canh tác sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sử dụng của đất…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng K' Mák phát biểu đề xuất kiến nghị tại buổi gặp mặt
HỖ TRỢ LÂM ĐỒNG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN CAO TỐC
Kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm hoàn thiện việc tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án thành dự án riêng, độc lập với dự án đầu tư xây dựng công trình để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trước công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong giai đoạn triển khai công tác đầu tư.
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể thời gian phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia cho cấp tỉnh.Tỉnh Lâm Đồng đề xuất thời điểm phân bổ là vào Quý I năm cuối kỳ quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch, cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện là sau thời gian 1 tháng kể từ thời điểm cấp quốc gia phân bổ; cấp huyện chịu trách nhiệm hoàn chỉnh việc lập trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong năm đầu của kỳ quy hoạch như Luật Đất đai đã quy định.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất Đoàn ĐBQH quan tâm, kiến nghị điều chỉnh quy định về thay đổi vốn đầu tư, về lĩnh vực thương mại, về độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non, về thống nhất bộ sách giáo khoa để giảm kinh phí, tránh lãng phí cho người dân, về chế độ chính sách liên quan đến đội ngũ y bác sĩ ngành y tế hiện quá thấp, không thu hút nguồn nhân lực phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành Trung ương về một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan và trình các bộ ngành Trung ương xem xét thẩm định trong thời gian tới. Do đó, đề nghị các bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc thẩm định, phê duyệt hoặc hướng dẫn các nội dung liên quan đến dự án, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm khởi công dự án.
Một số nội dung cụ thể mà Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị liên quan đến 2 dự án cao tốc này là Chính phủ quan tâm, xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay vốn quy định trong Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, ngày 07/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, ngày 31/3/2027 về tín dụng đầu tư của Nhà nước cho phù hợp với khoản 1, Điều 77 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xử lý chồng lấn giữa Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản theo thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ với Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi làm việc trực tuyến của Thành viên Chính phủ với 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng ngày 9/10/2024, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 65 Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, để tháo gỡ triệt để các vướng mắc và triển khai thực hiện dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để địa phương thực hiện theo quy định trên…
ĐBQH Nguyễn Tạo - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ghi nhận các ý kiến đề xuất để tổng hợp, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
ĐBQH Nguyễn Tạo - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu trên cơ sở kiến nghị của cử tri Lâm Đồng.
ĐBQH Nguyễn Tạo khẳng định: "Chúng tôi sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử, phát biểu kiến nghị liên quan đến lĩnh vực về đầu tư công nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương, những bất cập xoay quanh Quyết định 866 về quy hoạch khoáng sản, về quy hoạch sử dụng đất... Về giao thông, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đầu tư hoàn chỉnh các Quốc lộ 28, 28B, 27; nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến quốc lộ xuống cấp…
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt
Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn Đoàn ĐBQH tỉnh chắt lọc, lựa chọn để kiến nghị Trung ương những vấn đề sát đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đại phương, nhất là những vấn đề khó khăn cần được tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án và những tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Đồng chí Phạm Thị Phúc mong muốn các ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đóng góp trí tuệ, tâm huyết, tích cực tham gia các hoạt động tại Kỳ họp lần này; mang tiếng nói của cử tri và Nhân dân Lâm Đồng đến với diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 một cách thực chất, hiệu quả nhất.
NGUYỆT THU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202410/thuong-truc-tinh-uy-gap-mat-doan-dbqh-tinh-lam-dong-73c131e/