Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Một miền ký ức không thể phai mờ
Những ngày hành quân thần tốc
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, ông vinh dự góp mặt ở 4 chiến dịch lớn: Mậu Thân 1968, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Trong ký ức của ông, Chiến dịch Hồ Chí Minh là “một chương đặc biệt” - nơi mà từng khoảnh khắc, từng ngày đêm như khắc sâu vào trái tim.
Ngày 18/3/1975, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, ông cùng gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ hành quân từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào Đông Hà, chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Huế và Đà Nẵng. Ngày 26/3, Trung đoàn 27 có mặt tại Huế - và Huế được giải phóng ngay trong ngày. Ba ngày sau, đơn vị vượt đèo Hải Vân, tiến vào bán đảo Sơn Trà, góp phần giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng.
Chưa kịp nghỉ ngơi, Trung đoàn nhận lệnh cấp tốc quay trở ra Đông Hà, chuẩn bị hành quân tiếp vào Đồng Xoài, tiến về Sài Gòn. Cả cuộc hành quân thần tốc ấy, cả đơn vị sống bằng lương khô, thịt hộp, lạc rang, nước suối và bằng một tinh thần không gì lay chuyển được.
“Tôi còn nhớ rõ một đoạn đèo Ăng Pung khi ấy bị tắc nghẽn nghiêm trọng vì quá nhiều đơn vị dồn lại. Không còn cách nào khác, tôi ra lệnh cho công binh mở đường vòng xuyên rừng. Đó là lúc khó khăn nhất - rừng rậm, đường hiểm, người mệt rã rời… Giữa lúc ấy, đơn vị nhận được bức điện từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Bức điện ấy ký tên “Anh Văn” - cái tên thân thương và đầy uy lực. Khi ông phổ biến mệnh lệnh cho toàn đơn vị, bầu không khí như bừng lên. Những đôi mắt từng lờ đờ vì thiếu ngủ, những bước chân từng chậm chạp vì kiệt sức như bừng lửa. Anh em lại siết chặt dây balô, lặng lẽ mà quyết liệt bước tiếp. 12 ngày đêm sau, họ tiến vào Đồng Soài, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.
Gặp bà má miền Nam và bản đồ “sống”
Đêm ngày 29/4/1975, một đêm không thể quên! Sau khi vượt qua nhiều chốt chặn, Trung đoàn 27 tiến đến phía Tây Nam Thủ Dầu Một. Theo quy định của mặt trận, ông bắt liên lạc với cơ sở. Đợt ấy, anh Sáu Châu - Huyện đội đi cùng chị Hai Mỹ, qua khu nghĩa địa vào vùng Búng (nay là phường An Thạnh, tỉnh Bình Dương) thì trời tối sập, thỉnh thoảng địch lại bắn đì đùng.
Phát hiện một ngôi nhà có ánh đèn dầu le lói, ông cho trinh sát bò vào gần sát ngôi nhà và phát tín hiệu “Hồ Chí Minh” 3 lần, trong ngôi nhà có tiếng vọng ra “muôn năm”, mọi người vui mừng khôn xiết. Một bà má mở cửa bước ra, mời các ông vào nhà.
Má tên là Sáu Ngẫu, chồng má là ông Hai Nhương bị địch bắt năm Mậu Thân (1968) và đày ra Côn Đảo rồi hy sinh tại đó. Má có hai con, con gái là Phước 16 tuổi, con trai là Đức 14 tuổi. “Tôi nói với má: Chúng con có nhiệm vụ ngày mai theo trục đường 13 vào Sài Gòn, nhờ má cung cấp thông tin, chúng con không biết đường đi từ đây vào Sài Gòn. Sau đó, tôi đưa tấm bản đồ cho má xem, má cúi xuống nhìn bản đồ, nói: “Má không rành tấm bản đồ này”. Má vào buồng lấy ra tấm bản đồ khác của má, chữ của má rất đẹp - sau này tôi mới biết má từng là cô giáo dạy tiếng Pháp - đánh dấu ghi ký hiệu quan trọng trên bản đồ”, ông Hiệu nhớ lại.
Má Sáu cho biết: “Từ đây, theo trục đường 13 vào Lái Thiêu có trại Huỳnh Văn Lương, đào tạo hạ sĩ quan do một đại tá chỉ huy khoảng 2.000 học viên. Chúng đang rất hoang mang, không nên đánh vào, để án binh bất động, nên gọi đầu hàng để khỏi tốn đạn và hy sinh xương máu của ta. Cần đánh thẳng vào Lái Thiêu, địch bị vỡ trận ở Bến Cát, chúng đang dồn quân vào cố thủ Sài Gòn”.
Khó nhất là ở cầu Vĩnh Bình, có rào dây kẽm gai, gài mìn, nếu không chiếm được cầu thì không thể có đường vào Sài Gòn, nên phải chiếm bằng được. Má dặn kỹ: “Các con phải đánh thật nhanh. Nếu địch phá cầu Vĩnh Bình, xe tăng không qua được. Còn đường vòng qua cầu sắt Lái Thiêu, tuy xe tăng không qua được, nhưng bộ binh có thể đột kích”.
Không những chỉ đường, má còn xin được dẫn đường cho đơn vị. Nhưng ông từ chối, hứa sẽ quay lại thăm má sau chiến thắng. Má trao cho bản đồ, nắm tay và nói: “Nhất định các con sẽ toàn thắng”.
Phá vỡ tuyến phòng thủ cuối cùng
Rạng sáng ngày 30/4/1975, theo kế hoạch, Trung đoàn 27 mở đợt tấn công tổng lực. Lực lượng xe tăng, bộ binh, pháo binh phối hợp đánh vào cầu Vĩnh Bình và tiến thẳng vào Bộ Tư lệnh thiết giáp. Địch chống trả yếu ớt, một phần vì bị bất ngờ, phần khác vì đúng như má Sáu nói - chúng chưa kịp củng cố.
Khoảng 10 giờ, Trung đoàn 27 đánh chiếm được Bộ Tư lệnh thiết giáp, bắt sống Chuẩn tướng Phạm Hà Thành - Cục trưởng Cục Quân y Sài Gòn, cùng nhiều sĩ quan cao cấp. Trung đoàn cũng chiếm giữ 13 căn cứ quan trọng, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Bắc, mở đường cho các mũi tấn công vào nội đô.
“Chính thông tin từ má đã giúp chúng tôi rút ngắn thời gian, giảm thương vong. Nếu không có má, có lẽ phải đánh cứ điểm một, mất cả tuần lễ và chắc chắn có nhiều người ngã xuống. Sau đó, tôi tổ chức 3 xe quay trở lại Lái Thiêu, nơi má ở. Khi đến nơi, đồng bào hai bên đường đổ ra đón, mang chôm chôm, xoài, hoa... tặng bộ đội như ngày hội. Tôi bước vào nhà, ôm chặt lấy má: “Chúng con giữ lời hứa, trở về thăm má rồi đây”.
Từ đó, năm nào ông cũng vào thăm má. Má từng ra Hà Nội thăm đơn vị. Sau này, khi ông đi công tác ở Nga thì má mất. Về nước, ông cùng anh em và gia đình xây mộ cho má, dựng bia Trung đoàn 27 ghi ơn trên mộ má. Từ đó, ngày 30/4 hằng năm, ông lại cùng các cựu chiến bình đến dâng hương tưởng nhớ má.
Với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, má là hình ảnh tiêu biểu cho những người mẹ miền Nam - kiên cường, bình dị nhưng vĩ đại. Má Sáu Ngẫu đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và đang làm quy trình tuyên dương Anh hùng.
“Nếu có ai hỏi tôi điều gì làm nên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi sẽ trả lời rằng: Ngoài sự lãnh đạo tài tình của Bộ Tổng tư lệnh, ngoài ý chí của chiến sĩ giải phóng, còn có một yếu tố không thể thiếu đó là nhân dân. Và trong lòng nhân dân ấy, có một “bà má” đã trở thành bất tử trong trái tim người lính”, Thượng tướng Hiệu cho biết.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh năm 1947 tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ông nhập ngũ năm 1965, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam suốt 10 năm, từng giữ nhiều chức vụ từ tiểu đội trưởng đến trung đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 812 và Trung đoàn 27. Năm 1972, ông là tiểu đoàn trưởng tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị.
Năm 1973, khi mới là Thiếu tá, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau chiến tranh, ông học tại Liên Xô và Học viện Quốc phòng.
Ông từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 (1980), Tư lệnh Quân đoàn 1 (1988); Phó Tổng Tham mưu trưởng (1995), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1999-2011), phụ trách công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu chiến lược. Ông nghỉ hưu năm 2011 và được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga phong tặng danh hiệu Viện sĩ danh dự - một vinh dự hiếm hoi dành cho các tướng lĩnh quốc tế.
Đình Khương