Quốc hội chiều nay thảo luận tổ về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là dự thảo luật bổ sung quy định "điều tra viên là trưởng công an cấp xã hoặc phó trưởng công an cấp xã".
Theo đó, trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã được thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh phân công có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Để điều tra viên thuộc cơ quan điều tra là trưởng và phó trưởng công an cấp xã có thể thực hiện đầy đủ các thẩm quyền, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị sửa đổi các quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ. Ảnh: Hoàng Hà
Việc này để bổ sung các thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác do điều tra viên được bố trí là trưởng, phó công an cấp xã.
Ông cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn để khi vận dụng, tiến hành quy định, tránh trường hợp suy diễn thêm một cấp điều tra.
Với góc độ cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ khẳng định "công an cấp xã không phải một cấp điều tra".
Đây là điều tra viên thuộc cơ quan điều tra được bố trí là trưởng hoặc phó công an cấp xã. Điều tra viên này thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng hình sự dưới chức danh tư pháp là điều tra viên, không phải chức danh hành chính là trưởng, phó công an cấp xã.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với dự thảo luật, bởi hiện cơ quan điều tra của công an tỉnh chỉ tập trung một đầu mối. Trước đây, công an cấp huyện có thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra nhưng tới đây không còn cấp này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Hoàng Hà
Ông phân tích, công an tỉnh "xa tít" vì mở rộng địa bàn hành chính cấp tỉnh, nếu không tăng cường cán bộ điều tra cho cấp cơ sở, khi có vụ việc, công an cấp xã chỉ có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý hiện trường, không có quyền điều tra, đợi công an tỉnh xuống thì "phải mất thời gian bao lâu?".
Để trở thành điều tra viên, trưởng, phó trưởng công an cấp xã ngoài bằng chuyên môn phải học 6 tháng, thông qua kỳ thi sát hạch. "Không phải công an nào được bố trí làm trưởng công an cấp xã cũng là điều tra viên", ông Hòa nhấn mạnh và cho rằng có thể yên tâm khi bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất mỗi xã, phường nên có 1-2 điều tra viên để đảm đương nhiệm vụ, vì địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới mở rộng hơn.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM) đặt vấn đề trưởng công an xã sẽ có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các quyết định tố tụng khác như bắt tạm giam, kê biên tài sản, khám xét. Đồng thời, sẽ có một bộ máy giúp việc cho trưởng và phó công an cấp xã được giao thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động điều tra.
“Vậy trưởng hoặc công an cấp xã được giao các quyền trên sẽ lấy danh nghĩa là gì, con dấu ra sao? Nếu lấy danh nghĩa công an cấp xã để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam sẽ phát sinh thêm một cơ quan điều tra công an cấp xã", ông nêu quan điểm.
Đại biểu Dương Ngọc Hải. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu dẫn chứng ở TPHCM sau khi sắp xếp có 168 phường, xã và đặc khu, đồng nghĩa phát sinh 168 cơ quan điều tra cấp xã và điều này hết sức vô lý trong bối cảnh đang chuyển mô hình cơ quan điều tra 3 cấp thành 2 cấp.
Ngoài ra, công an cấp xã thực hiện hoạt động tố tụng nhưng lấy danh nghĩa cơ quan điều tra công an cấp tỉnh với dấu của cơ quan điều tra công an cấp tỉnh và chữ ký của thủ trưởng cơ quan điều tra công an cấp tỉnh.
Nhìn lại với 168 phường, xã ở TPHCM, đại biểu băn khoăn một ngày sẽ có rất nhiều quyết định tố tụng được ban hành, nếu phải đưa hồ sơ lên công an cấp tỉnh để ký, đóng dấu "liệu có đảm đương nổi không?".
Trần Thường