Thường Xuân nâng cao công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân

Thường Xuân nâng cao công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân
3 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Cầm Bá Thiện (thứ 2, bên trái) và bác sĩ Lò Quốc Anh (thứ 2, bên phải) hội chẩn bệnh cùng y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân.
Những tấm gương bác sĩ tiêu biểu người DTTS
Hơn ai hết, y, bác sĩ người DTTS hiểu những vất vả, khó khăn của đồng bào mình. Họ chọn theo ngành y rồi trở về quê hương với quyết tâm mang những dịch vụ y tế chất lượng phục vụ Nhân dân.
Sinh ra và lớn lên tại xã Vạn Xuân, bác sĩ CKI Cầm Bá Thiện, dân tộc Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thường Xuân đã có hơn 30 năm công tác gắn bó, cống hiến cho ngành y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc. Ông luôn cởi mở trong công tác trao đổi chuyên môn, chỉ dạy tận tình cho các y, bác sĩ trẻ để xây dựng tập thể đội ngũ y, bác sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chuyên môn ngày càng cao. Trên cương vị là phó giám đốc bệnh viện, ông cùng ban giám đốc luôn quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp các khoa, phòng hợp lý, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Đồng thời, nỗ lực đưa các dịch vụ kỹ thuật mới, khó về triển khai tại bệnh viện. Ông cũng tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có đề tài đã được ứng dụng trong thực tiễn và công tác quản lý, như: “Nghiên cứu thực trạng công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến tại BVĐK huyện Thường Xuân”, “Nghiên cứu thực trạng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại BVĐK huyện Thường Xuân”...
Cùng với bác sĩ Thiện là đội ngũ bác sĩ trẻ, như một “luồng gió mới” đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc huyện Thường Xuân. Tiêu biểu như bác sĩ trẻ Lò Quốc Anh, là người con dân tộc Thái đang công tác tại BVĐK huyện Thường Xuân. Ngay từ khi trở thành sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Quốc Anh luôn nghĩ tốt nghiệp sẽ trở về phục vụ người dân quê hương mình. Anh cho biết: “Đời sống đồng bào dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tuy rằng những hủ tục đã không còn nhưng nhận thức về sức khỏe sinh sản của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em còn hạn chế... Vì vậy, tôi chọn chuyên ngành sản phụ khoa, lĩnh vực rất cần thiết cho đồng bào”.
Về công tác tại BVĐK huyện Thường Xuân từ năm 2013, Quốc Anh được ban giám đốc tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, đến nay, anh đã có bằng thạc sĩ chuyên ngành sản phụ khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Trong những năm qua, anh cùng với các đồng nghiệp đã triển khai nhiều danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và một số kỹ thuật vượt tuyến như: Triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật lấy thai lần 1; phẫu thuật lấy thai lần 2; phẫu thuật chửa ngoài dạ con; phẫu thuật chửa ngoài vỡ tử cung máu ngập bụng... Trong quá trình khám, chữa bệnh, bác sĩ Quốc Anh luôn tuân thủ đúng quy trình, cộng với lợi thế am hiểu phong tục, tiếng nói của đồng bào nên anh thường khai thác được rất kỹ các thông tin về người bệnh cũng như các triệu chứng, biểu hiện của bệnh, do đó đã giúp anh có phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhân.
Không chỉ là giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề, bác sĩ Quốc Anh còn là người luôn gương mẫu, hòa đồng, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, cuộc thi trong và ngoài ngành do các cấp phát động, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp hết mình. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, anh thường xuyên tới các trạm y tế để hỗ trợ chuyên môn, tham gia các đợt khám bệnh tình nguyện tại thôn, bản. Bên cạnh đó, anh luôn chủ động học hỏi, trao đổi nghiệp vụ với các bác sĩ có chuyên môn cao ở trong và ngoài tỉnh để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Các bác sĩ Cầm Bá Thiện, Lò Quốc Anh là hai trong số các bác sĩ có “tâm”, có “nghề” tại BVĐK huyện Thường Xuân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong hai năm 2023, 2024 bệnh viện đã cử 7 bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa 1; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia các lớp đào tạo, hội thảo khoa học trong và ngoài tỉnh... nỗ lực vươn lên làm chủ các kỹ thuật mới, khó. Đồng thời với sự hỗ trợ của hệ thống khám chữa bệnh từ xa, y, bác sĩ bệnh viện có thể kết nối trực tiếp với các chuyên gia y tế ở tuyến trên để hội chẩn và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Song song với hoạt động chuyên môn, BVĐK huyện Thường Xuân chú trọng nâng cao y đức cho cán bộ, nhân viên toàn đơn vị. Đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện luôn thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế trong bệnh viện và 12 điều y đức. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ bệnh nhân. Nhờ những nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, đến nay BVĐK huyện Thường Xuân đã trở thành địa chỉ y tế tin cậy, uy tín với người dân địa phương.
Trên địa bàn huyện Thường Xuân, còn nhiều y, bác sĩ tận tụy với ngành, quan tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tiêu biểu như: Bác sĩ Cầm Bá Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân; bác sĩ Lữ Văn Du, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Nhân; bác sĩ Lò Viết Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bát Mọt...
Có thể khẳng định, những năm qua, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được huyện Thường Xuân quan tâm, nhiều kỹ thuật chuyên sâu được ứng dụng ở tuyến huyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị được bổ sung. Cùng với bệnh viện tuyến huyện, tại các trạm y tế ở các xã, thị trấn cũng đã và đang được quan tâm, chú trọng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Đặc biệt, thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân đã phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS&MN; phòng, chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào DTTS&MN; nâng cao năng lực quản lý dân số; chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền, vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản; hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm. Đến nay, đã có 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thường Xuân được công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, giai đoạn đến năm 2030, vượt kế hoạch 6 đơn vị. Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm đạt 0,84%, vượt kế hoạch đề ra (0,74%). Năm 2025, Thường Xuân phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 12,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.
Bài và ảnh: Vân Anh
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/thuong-xuan-nang-cao-cong-tac-kham-chua-benh-cham-soc-suc-khoe-cho-nhan-dan-233639.htm