Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) chỉ ra rằng, ở các quốc gia có nhiều dãy núi chạy ngang qua, tại các khu vực của Brazil và thậm chí là vùng Caribbean hải đảo, có rất nhiều không gian có thể phát triển các nhà máy thủy điện dạng này. Hiện IDB đã xác định được 179 địa điểm tại 11 quốc gia trong khu vực để xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng.
Phòng máy của Tổ hợp Río Grande, một nhà máy điện tích năng ở tỉnh Córdoba, miền Bắc Trung bộ Argentina. Ảnh: IPS News
Các nhà máy thủy điện truyền thống cần xây đập trên một con sông, tạo ra một hồ nhân tạo cung cấp nước để chạy các turbin trong phòng máy tạo ra điện. Sau đó, nước được giải phóng và dòng sông tiếp tục chảy ra biển. Trong khi đó, bằng nguyên lý cơ bản nước chảy từ cao xuống thấp, thủy điện tích năng sẽ gồm 2 hồ chứa ở 2 độ cao khác nhau và 1 nhà máy thủy điện, khi nước từ mặt nước cao chảy qua các cấu trúc chảy xuống mặt nước thấp, năng lượng cơ học của dòng nước sẽ được biến đổi thành năng lượng điện.
Vào các khung giờ thấp điểm sử dụng điện, nhà máy thủy điện tích năng sẽ đảo ngược turbin và bơm ngược lại nước từ hồ chứa thấp lên hồ chứa cao. Nhờ sự ra đời của turbin thuận nghịch, thủy điện tích năng đã có thể giảm chi phí vận hành so với cách sử dụng turbin phát điện và máy bơm lúc trước. Thủy điện tích năng sản xuất điện phục vụ đời sống và tích điện vào thời gian rảnh rỗi, được mang ra dùng khi có nhu cầu.
Cho đến nay, mức độ phát triển của thủy điện tích năng cho thấy tính cạnh tranh về mặt chi phí, mặc dù hiệu suất kinh tế của từng cơ sở và ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào loại thị trường điện. Theo chuyên gia điện năng Arturo Alarcón của IDB, chi phí lắp đặt các nhà máy điện tích năng có thể cao do cơ sở hạ tầng và yêu cầu kỹ thuật, nhưng chi phí vận hành và bảo dưỡng tương đối thấp sau khi chúng đi vào hoạt động.
Ước tính, tùy vào các địa điểm thi công khác nhau ở Mỹ Latinh và Caribbean, chi phí lắp đặt dao động từ 1.200-2.400USD/KW. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, các dự án có tuổi thọ hữu ích là 50 năm trở lên và mặc dù lợi nhuận đầu tư đòi hỏi một thời gian dài, nhưng các nhà máy này mang lại hiệu suất ổn định. Bằng cách không làm xáo trộn các khu vực rộng lớn, thủy điện tích năng cũng tránh được tác động đến đa dạng sinh học và trong một số trường hợp, chúng có thể là nguồn nước tưới tiêu và là địa điểm làm đẹp hoặc làm mới cảnh quan.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh, đến tháng 2-2025, tổng sản lượng điện trong khu vực sẽ đạt 152TWh (152 triệu MWh), với 68,1% từ các nguồn tái tạo và 31,9% sử dụng dầu, khí đốt, than hoặc năng lượng hạt nhân. Nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất là thủy điện (chiếm 53,1% tổng số), tiếp theo là gió (8,5%), mặt trời (4,5%), năng lượng sinh học (1,5%) và năng lượng địa nhiệt (0,5%).
VIỆT LÊ