Thủy lợi Mai Châu - Gánh nặng hạ tầng cũ giữa yêu cầu mới

Thủy lợi Mai Châu - Gánh nặng hạ tầng cũ giữa yêu cầu mới
7 giờ trướcBài gốc
Dù quản lý tới 80 công trình thủy lợi với tổng diện tích phục vụ hơn 1.100 ha lúa và 56 ha hoa màu, huyện Mai Châu lại không thu được tiền từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng này trong cả năm 2024. Điều đó đặt ra câu hỏi: Hiệu quả của hệ thống thủy lợi cũ đang ở đâu trong bài toán phát triển nông nghiệp hiện đại?
Để thích ứng với việc thiếu nước tưới, tại xã Mai Hạ, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu và các loại cây chịu hạn khác.
Công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn hiện mới đáp ứng được chức năng quản lý nhà nước. Khâu khai thác và bảo vệ công trình thì chưa có đủ nhân lực để thực hiện tốt - đây là thực tế đã được UBND huyện Mai Châu thẳng thắn chỉ ra khi đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Câu chuyện đó càng rõ nét khi soi vào thực địa. Toàn huyện có 80 công trình, từ hồ chứa đến đập dâng, phần lớn được xây dựng từ những năm 70. Không hồ sơ gốc, không định giá được tài sản, chưa tổ chức cắm mốc giới hành lang bảo vệ. Nhiều công trình có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả tưới tiêu. Cá biệt, ở một số nơi, hành vi chăn thả gia súc trên bề mặt đập khiến công trình bị xâm phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Có một thực tế không chỉ ở Mai Châu, đó là hệ thống kênh, mương trải dài qua nhiều xã, xóm, địa hình chia cắt, cán bộ lại kiêm nhiệm. Kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Hình thức "đặt hàng” với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình chỉ dừng ở mức duy trì dòng chảy và vận hành cơ bản, chưa bao gồm các hoạt động nâng cấp, sửa chữa hay quản lý tổng thể, dẫn đến hiệu quả khai thác còn hạn chế. Việc "không thu vẫn phải chi” khiến hệ thống này ngày càng trở thành gánh nặng âm thầm đối với ngân sách và sản xuất nông nghiệp tại chỗ.
Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương được khuyến khích, song đối với Mai Châu, đây là giải pháp bắt buộc phải triển khai. Để ứng phó với thiếu nước sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã Mai Hạ, Vạn Mai, thị trấn Mai Châu… lãnh đạo nhân dân chuyển đổi diện tích canh tác xa nguồn nước, thường bị hạn sang trồng dưa hấu, rau màu, ngô, lạc để thích ứng với điều kiện khô hạn. Hiện, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng trên 130 ha đất lúa không đảm bảo nước tưới, trong đó diện tích trồng dưa hấu đạt trên 60ha, tập trung chủ yếu tại Mai Hạ và Vạn Mai. Việc người dân phải chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình trạng thiếu nước tưới cho thấy những thách thức mà hệ thống thủy lợi hiện tại gặp phải trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện, trước thực trạng đó, ngoài triển khai các biện pháp để thích ứng với điều kiện khô hạn, huyện Mai Châu đã đề nghị tỉnh bố trí nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối, kênh mương nội đồng; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho việc cắm mốc hành lang bảo vệ, lắp đặt thiết bị quan trắc và đào tạo lực lượng quản lý cơ sở…
Những kiến nghị không mới song trở nên cấp bách khi đặt trong bối cảnh hệ thống thủy lợi hiện tại trên địa bàn huyện đã vận hành theo kiểu "được đến đâu hay đến đó”, còn để phát huy hiệu quả, dường như là điều quá sức.
Không ai phủ nhận vai trò sống còn của thủy lợi với sản xuất nông nghiệp miền núi. Nhưng cũng không thể tiếp tục để những công trình vài chục năm tuổi, đã xuống cấp tiếp tục "gồng gánh”. Bài toán của Mai Châu không chỉ là sửa một chiếc đập hay nạo vét một con mương. Đó là nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một cơ chế quản lý linh hoạt, đủ pháp lý và đủ thực tiễn - nơi các cấp chính quyền cơ sở được tiếp sức cả về nguồn lực lẫn quyền hạn, để người dân không còn phải "tự bơi” trong mỗi mùa khô. Bởi thủy lợi nếu đứng bên lề của cuộc cải cách hạ tầng và quản lý sẽ không thể là điểm tựa bền vững cho những cánh đồng no ấm.
Minh Vũ
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/12/201044/thuy-loi-mai-chau-ganh-nang-ha-tang-cu-giua-yeu-cau-moi.htm