Thủy sản vào Mỹ: đáng lo nhất là bị áp mức thuế cao hơn đối thủ

Thủy sản vào Mỹ: đáng lo nhất là bị áp mức thuế cao hơn đối thủ
8 giờ trướcBài gốc
Thuế Mỹ gây sức ép lên ngành thủy sản Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh
Bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh khi kim ngạch đạt khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ - thị trường đang áp mức thuế 10% trong 90 ngày đối với Việt Nam - đạt 498,4 triệu đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ.
Con số nêu trên đã phần nào cho thấy doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đang “chạy đua” giao hàng khi thuế ở mức 10%. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít áp lực cho doanh nghiệp ngành thủy sản.
Đơn hàng mới "đứng hình" chờ thuế
Các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đẩy mạnh thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu sang Mỹ trước khi hết thời gian hoãn áp dụng thuế đối ứng, tức trong thời gian được hưởng mức thuế 10%, khiến giá tăng tuần thứ hai liên tiếp.
Chẳng hạn, với mặt hàng tôm, đến giữa tháng 5-2025, tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg được thương lái thu mua khoảng 160.000 đồng/kg, loại 40 và 50 con/kg lần lượt có giá khoảng 140.000 và 130.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 và 30 con/kg có giá khoảng 200.000-250.000 đồng/kg.
Là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Cafatex, cho biết chịu áp lực rất lớn khi giá xuất khẩu vào Mỹ không tăng hoặc tăng ít, trong khi chi phí sản xuất tăng mạnh theo giá nguyên liệu.
Cầu tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt càng khiến tình hình căng thẳng hơn. “Tôm bị chết rất nhiều sau thả giống và kéo dài từ quí 4-2024 đến nay, trong khi giá xuất khẩu cá tra thấp, người nuôi thương phẩm không có lợi nhuận hoặc bị thua lỗ kéo dài cũng giảm nuôi, kể cả vùng nuôi của doanh nghiệp”, ông Kịch dẫn chứng.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX), thừa nhận thuế tăng 10% khiến việc tiêu thụ thủy sản ở thị trường Mỹ chậm hơn, nhưng còn bán được. “Bây giờ đang đói bụng, thì vẫn phải cần cơm ăn, tức mắc chút đỉnh cũng phải mua”, ông ví von và cho biết, hiện doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam đang tập trung cho các đơn hàng đã ký trước đó.
Ở thời điểm hiện tại, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và sang Mỹ nói riêng đang tăng, nhưng đây là con số chưa rõ ràng. “Doanh nghiệp đồng loạt giao hàng dĩ nhiên phải tăng, nhưng có thật sự tăng hay không phải đợi chính sách thuế Mỹ rõ ràng hơn mới đánh giá được”, ông Phẩm cho biết.
Câu hỏi được đặt ra, đó là việc đàm phán, ký mới đơn hàng ở thị trường Mỹ đang diễn ra như thế nào khi mức thuế vẫn chưa rõ ràng?
Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL (đề nghị không nêu tên), thừa nhận đơn vị này vừa ký đơn hàng mới với đối tác Mỹ, nhưng việc giao hàng sẽ phụ thuộc vào mức thuế chính thức. “Nếu thuế 10% hai bên chia đôi, nhưng nếu quá cao hợp đồng có thể bị vô hiệu”, vị này cho biết.
Với việc ký mới hợp đồng, ông Phẩm của STAPIMEX, cho biết mỗi đơn vị có cách phản ứng khác nhau, tức có đơn vị nằm chờ, có đơn vị cũng ký mới, nhưng có những điều khoản để giải quyết khi mức thuế đối ứng được xác định.
Theo đó, có đơn vị lấy mức thuế 10% như hiện nay làm chuẩn, nhưng kèm theo điều khoản “chia đôi” trong trường hợp tăng thêm 5%. “Nếu tăng cao quá thì hợp đồng vô hiệu”, ông Phẩm cho biết và nói rằng, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách ứng biến khác nhau, không ai giống ai.
Trong khi đó, ông Kịch của Cafatex cho biết, mọi đàm phán mới với thị trường Mỹ đã dừng lại để chờ chờ mức thuế chính thức Mỹ áp cho Việt Nam. “Khi đó, mới có đơn hàng mới và có chào giá cho khách hàng Mỹ”, ông Kịch cho biết.
Thuế cao hay thấp không đáng lo bằng thuế cao hơn đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Trung Chánh
Kịch bản thuế và tìm thị trường mới
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị “Thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu: cơ hội và hướng đi mới cho doanh nghiệp ĐBSCL” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho biết doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ hối thúc thực hiện đơn hàng trong giai đoạn thuế 10% giúp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, khi nhìn về phía trước, theo ông, kịch bản thuế với Mỹ có khả năng xảy ra cao nhất đối với Việt Nam là mức thuế được đưa về 20%, trong đó, có nhiều mặt hàng được miễn thuế, nhưng nông thủy sản sẽ chịu mức thuế chung, tức 20%. “Đây (mức thuế 20% cho nông thủy sản) là thách thức, bởi xu hướng chung của Mỹ là giảm thuế cho hầu hết các nước đối tác”, ông đánh giá.
Khi đó, những đối thủ cạnh tranh ở nhóm ngành nông, thủy sản, gốm Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan…, khả năng có mức thuế sau đàm phán thấp hơn Việt Nam. Bởi lẽ, thuế đối ứng của Bangladesh là 37%, Thái Lan 36% và Ấn Độ chỉ 26%, tức thấp hơn mức 46% của Việt Nam. “Điều này có nghĩa, những quốc gia này đưa mức thuế về thấp hơn 20% là trong tầm tay”, ông Thành đánh giá.
Nếu kịch bản nêu trên xảy ra, rõ ràng Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu nhóm ngành nông thủy sản vào tay đối thủ là rất lớn, nhất là khi chi phí giá thành sản xuất riêng nhóm ngành thủy sản của những đối thủ này vốn đã thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam.
Trao đổi với KTSG Online, ông Phẩm của STAPIMEX, cho biết đối với ngành thủy sản, vấn đề nằm ở chỗ mức thuế Việt Nam vào Mỹ là bao nhiêu so với con số thực tế của đối thủ. “Nhiều khi 15% bán được, nhưng 10% vẫn thua. Bởi nếu Ấn Độ 0%, Indonesia 0% trong khi Việt Nam 10% là ‘đuối’ hơn ở thị trường Mỹ, chứ không phải mức thuế thấp hay cao”, ông cho biết.
Tuy nhiên, ông Thành kỳ vọng, thuế Mỹ áp cho Việt Nam sẽ về mức 10-15%, nếu Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ, bao gồm giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hóa Mỹ; kiểm soát được gian lận xuất xứ hàng hóa; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Mức thuế 10-15% sẽ là mức thuế tích cực cho xuất khẩu chung của Việt Nam cũng như nông thủy sản ĐBSCL, bởi khả năng các nước đối thủ cũng chỉ ở mức tương ứng. “Đạt được mức này không những trong ngắn hạn không bị ảnh hưởng lớn, mà về trung hạn Việt Nam vẫn duy trì được vị thế là điểm đến hấp dẫn cho thu hút đầu tư, làm mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), gợi ý cần phải đa dạng thị trường, giảm lệ thuộc vào Mỹ. Trong đó, Brazil, Nga, Liên minh châu Âu, thị trường Halal có thể khai thác tốt.
Chẳng hạn, với thị trường Brazil, Bộ Công Thương đã đàm phán và mở cửa cho tôm và cá tra Việt Nam. “Dĩ nhiễn, cần làm thêm một số thủ tục, nhưng trong thời gian tới nếu chúng ta tiếp cận thị trường này một cách nghiêm túc, thì đây là thị trường khổng lồ, hoàn toàn có thể thay thế phần lớn thị trường Mỹ”, ông Phú nhấn mạnh.
Hay với thị trường nội địa, ông Phú cho biết hoàn toàn có thể khai thác tốt, nhưng cần làm một cách bài bản hơn, bao gồm nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, dịch vụ hậu mãi trước, trong và sau bán hàng. “Phải coi thị trường trong nước giá trị hơn thị trường nước ngoài”, ông Phú nhấn mạnh.
Với việc khai thác thị trường mới để thay thế, ông Phú kỳ vọng nhóm ngành nông, thủy sản vẫn phát triển tốt trong thời gian tới...
Trung Chánh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/thuy-san-vao-my-dang-lo-nhat-la-bi-ap-muc-thue-cao-hon-doi-thu/