Những năm gần đây, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất nên việc thu hoạch lúa đã cơ bản bằng máy, phần lớn rơm, rạ để lại ruộng. Mặt khác, diện tích ruộng bỏ hoang, bãi đất trống, các tuyến đường giao thông, công trình được xây dựng nhiều… trở thành nơi trú ngụ thuận lợi cho chuột sinh sôi, phát triển mạnh. Thời điểm này, các địa phương đang tích huy động các loại máy tiến hành cày lật đất phơi ải, dọn ruộng, làm sạch cỏ ven bờ, thu dọn rơm rạ, tàn dư thực vật khiến nguồn thức ăn trên ruộng lúa cạn kiệt, nước ở các sông, mương, máng cũng cạn là điều kiện thuận lợi để chuột di cư làm tổ tập trung phá hoại các loại cây màu vụ đông năm 2024, tạo nguồn lưu trú phá hoại sang cả vụ xuân năm 2025.
Nhằm ngăn chặn sự gây hại của chuột, góp phần bảo vệ sản xuất vụ đông năm 2024 và sản xuất nông nghiệp năm 2025, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai chiến dịch diệt chuột bảo vệ sản xuất. Theo đó, ngành Nông nghiệp phát động, đề nghị các địa phương, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ chức ra quân đồng loạt diệt chuột, bảo vệ sản xuất. Việc cày lật đất sớm, dọn sạch cỏ, thu gom hết tàn dư thực vật, phát quang bờ bụi, hạn chế bỏ ruộng hoang sẽ làm khiến chuột co cụm tập trung nên việc đánh bắt chuột thủ công là biện pháp diệt chuột hiệu quả cao cần được triển khai ngay trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025, đồng thời tiến hành diệt chuột tập trung trong toàn tỉnh, nhất là vào thời điểm lấy nước đổ ải.
Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp nỗ lực duy trì tổ đội diệt chuột ở địa phương; sử dụng các biện pháp thủ công để diệt chuột như đào bắt, dùng các loại bẫy như bẫy mặt trăng, bẫy lồng, bẫy sập, soi bắt chuột vào ban đêm. Trong năm cần tổ chức ít nhất 2-3 đợt diệt chuột tập trung bằng các loại thuốc hóa học có trong danh mục được Bộ NN và PTNT cho phép sử dụng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và không gây hại môi trường.
Văn Đại