Tích cực phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm

Tích cực phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm
16 giờ trướcBài gốc
Người dân tỉnh Lào Cai xây chuồng trại kín gió cho trâu, bò. Ảnh: Vũ Thành
Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 370.000 con gia súc các loại (trong đó, có hơn 118.000 con trâu, bò) và hơn 1,8 triệu con gia cầm. Trong thời gian qua, địa phương này đã tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tính đến nay, các địa phương của tỉnh Lai Châu đã thực hiện tiêm phòng xong cho đàn gia súc, gia cầm.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại có thể xảy ra trong mùa Đông năm nay, ngay từ tháng 11, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống rét, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện và diễn biến thời tiết. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.
Giống như Lai Châu, tỉnh Lào Cai có đàn gia súc khá lớn với khoảng 117.000 con (trâu, bò, ngựa) tập trung chủ yếu ở vùng cao, khu vực biên giới. Nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa Đông, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương tăng cường trồng cỏ voi để chế biến làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Ngoài ra, trong vụ Thu Đông, các huyện, thị xã, thành phố đã vận động người dân gieo trồng ngô dày và tận dụng hàng nghìn tấn thân lá của diện tích ngô Thu Đông chế biến làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong vụ Đông Xuân. Các cơ quan chức năng cũng vận động các hộ gia đình không thả rông gia súc, xây dựng, sửa chữa chuồng trại cho gia súc cũng như hướng dẫn cách quây bạt che chắn gió cho chuồng trại và đốt lửa để sưởi ấm cho vật nuôi.
Có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gia súc, gia đình bà Lù Thị Húa (xã A Lù, huyện Bát Xát) đã xây chuồng kiên cố cho trâu của gia đình. Vào mùa Đông, bà không thả trâu trên rừng mà nuôi nhốt. Những ngày trời ấm hơn thì dắt trâu đi ăn cỏ. Theo chia sẻ của gia đình bà Húa, để phòng, chống đói, rét cho trâu và mùa Đông, gia đình bà chủ động trồng cỏ voi, cắt về cho trâu ăn. Cùng với đó, bà cũng ủ các loại rau làm thức ăn thô cho trâu. Để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại, bà thường nấu cám ngô và chuối cho trâu ăn, đồng thời thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Là một trong những địa phương thường xuyên có nền nhiệt độ ở mức thấp kèm theo sương muối, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi, nên công tác phòng, chống đói rét cho trâu, bò luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm, chủ động triển khai. Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 100.000 hộ nuôi trâu, bò, trong đó 70.000 hộ có chuồng trại kiên cố. Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ thức ăn, tận dụng các nguồn thức ăn thô xanh có sẵn như cỏ, rơm rạ, thân cây ngô, cây rau củ cải ủ chua làm thức ăn cho trâu bò. Hướng dẫn người dân không thả rông trâu bò, không bắt trâu bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại cũng như giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh.
Bà Hoàng Thị Tương dùng thân cây củ cải làm thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: Bích Nguyên
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống đói rét cho vật nuôi, bà Hoàng Thị Tương, Bí thư chi bộ thôn Lũng Làn, xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc cho hay: Nhà tôi hiện nuôi 4 con lợn. Ngoài ra, tôi còn có 5 con bò đang nhờ các hộ dân trong thôn nuôi giúp. Tôi thường trồng rau củ cải để làm thức ăn cho lợn vào mùa Đông. Hàng ngày, tôi lên nương nhổ rau về thái để nấu cám cho lợn. Đối với đàn bò, tôi thường xuyên nhắc nhở các gia đình nuôi giúp che chắn kín chuồng trại, cho ăn tại chuồng trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại. Bà Tương cho biết thêm: Trước thông tin có không khí lạnh tăng cường, UBND xã đã vận động nhân dân triển khai việc lấy rau về ủ làm thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, chính quyền cũng hướng dẫn bà con mua bạt che chắn chuồng trại đảm bảo tránh được gió lùa để chống rét cho vật nuôi. Thực tế, nhờ công tác tuyên truyền, bây giờ, bà con đã có ý thức và chủ động hơn trong việc phòng, chống đói, rét cho gia súc.
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng liên tục của các đợt không khí lạnh, tỉnh Yên Bái cũng đã tích cực triển khai các biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu tác động lớn do thay đổi về thời tiết, mưa rét, cũng như có biện pháp khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về đảm bảo chuồng trại chăn nuôi, chăm sóc dinh dưỡng và phòng bệnh cho vật nuôi. Cụ thể, để phòng chống đói, rét cho vật nuôi, cần gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại, giữ ấm cho gia súc, có kế hoạch chủ động, kịp thời đưa gia súc về nơi nuôi nhốt, khi có thời tiết lạnh bất thường. Chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc bằng cách dự trữ rơm, rạ, cỏ khô và thức ăn tinh bổ sung, tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm từ trồng trọt, để chế biến, bảo quản đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Cùng với đó, phấn đấu mỗi hộ gia đình nuôi trâu, bò đều có chuồng nuôi đủ ấm và có ít nhất một cây rơm hoặc thức ăn khô dự trữ khác đảm bảo bình quân 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét. Bổ sung muối, khoáng và thức ăn tinh trong những ngày rét đậm, rét hại cho trâu, bò.
Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu và gia súc non. Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân không chăn thả và không được cho trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại (nhiệt độ dưới 12 độ C). Những ngày rét đậm, rét hại có thể may áo cho trâu, bò bằng các loại chăn, áo cũ, bao tải gai hoặc các vật liệu khác tương tự cho trâu, bò. Bên cạnh đó, cần triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi; đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Nguyễn Bích
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tich-cuc-phong-chong-doi-ret-cho-gia-suc-gia-cam-post485124.html